Mặt nạ giấy có quan trọng trong chu trình Skincare không?
Mặt nạ giấy là một sản phẩm dưỡng da quen thuộc và dễ sử dụng, tuy nhiên bạn đã thực sự hiểu hết công dụng của mặt nạ giấy và những lưu ý khi sử dụng mặt nạ giấy để phát huy tốt nhất hiệu quả chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Công dụng của mặt nạ giấy
Đa phần các loại mặt nạ giấy sẽ chứa các dưỡng chất tốt cho da phổ biến như: Collagen, vitamin E, vitamin C, acid hyaluronic, tinh chất lô hội, bơ, olive, dưa leo, rong biển,… Công dụng chung thường là:
- Giúp cân bằng độ pH cho da
- Loại bỏ tế bào chết và bụi bẩn bám trên da mặt
- Hỗ trợ cung cấp đủ lượng ẩm cho da, giúp da luôn giữ được độ ẩm mượt sau mỗi lần sử dụng
- Một số loại mặt nạ còn có tác dụng trong việc điều trị mụn rất hiệu quả
- Làm cho da trở nên sáng hồng rạng rỡ, giảm vết thâm nám hiệu quả
- Tăng cường tính đàn hồi cho da, giảm các nếp nhăn và có tác dụng chống lão hóa.
Ngoài ra tùy vào mục đích của từng loại mặt nạ sẽ có các thành phần đặc biệt khác, ví dụ như:
- Tính chống kháng viêm chuyên dùng để hỗ trợ trị mụn: trà xanh, mật ong, tinh than tre, rau má…
- Dưỡng trắng da: vitamin C, E, A, tinh chất gạo, ngọc trai, chanh, lựu đỏ,…
- Dưỡng ẩm: axit hyaluronic, chiết xuất nha đam, bơ, ô liu, dưa leo và rong biển…
Lựa chọn thành phần dưỡng chất trong mặt nạ phù hợp với da
Tùy vào tình trạng da của bản thân, bạn nên chọn mặt nạ phù hợp với da để có tác dụng tốt nhất. Cụ thể bạn có thể chú ý một số thành phần như sau:
- Da dầu mụn: thành phần làm sạch sâu da, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị mụn (than hoạt tính, tràm trà, trà xanh, Salicylic Acid (BHA); làm dịu và giảm đỏ, tăng cường sức đề kháng cho da (hoa cúc, lô hội, Allantoin, Vitamin B5).
- Da dầu: Mặt nạ có công dụng thu nhỏ lỗ chân lông, giảm dầu nhờn trên da như mặt nạ than hoạt tính, mặt nạ đất sét, mặt nạ bùn khoáng,…
- Da nhạy cảm: Cần lựa chọn mặt nạ có thành phần chiết xuất thiên nhiên an toàn, dịu nhẹ và không gây kích ứng như rau má, hoa cúc, trà xanh,…
- Da hỗn hợp: nên chọn các thành phần chiết xuất vitamin C, collagen, chiết xuất thảo mộc, rau quả,… vừa giúp kiềm dầu vùng chữ T, vừa cấp ẩm vùng da khô.
- Da khô: Ưu tiên sản phẩm có các thành phần dưỡng ẩm chuyên sâu như bơ, nhau thai cừu, sữa chua, ô liu, HA,…
Những lưu ý đắp mặt nạ đúng cách
Bước 1: Chọn mặt nạ giấy phù hợp
Bạn phải chọn mặt nạ giấy phù hợp với tình trạng da của mình (da dầu, da khô, da hỗn hợp, da nhạy cảm,…) và phù hợp với nhu cầu da (làm trắng da, trị mụn hay dưỡng ẩm). Tiếp theo cho mặt nạ vào ngăn mát tủ lạnh, để khoảng 15 phút trước khi bạn lấy ra đắp.
Bước 2: Làm sạch da
Trước khi đắp mặt nạ, da mặt của bạn phải thật sạch để hấp thu dưỡng dẫn từ serum một cách hiệu quả. Nếu da mặt không sạch mà đã đắp mặt nạ, lỗ chân lông sẽ bị bí và viêm nhiễm. Vì thế bạn nên làm sạch da với nước tẩy trang và sữa rửa mặt, sau đó sử dụng toner để làm sạch lần cuối và cân bằng độ pH trên da, có thể xông hơi để giãn nở lỗ chân lông, giúp da dễ hấp thụ dưỡng chất hơn.
Bước 3: Đắp mặt nạ
Bạn lấy mặt nạ ra khỏi túi đựng, dàn mặt nạ đều ôm khít mặt của bạn. Lấy phần dưỡng chất dư thừa còn sót lại trong túi đựng mặt nạ và thoa đều lên khắp vùng cổ. Nằm yên, tránh nhăn mặt hoặc vừa đắp vừa nói chuyện.
Bước 4: Thư giãn cơ mặt
Bạn thả lỏng mặt và nằm trong khoảng 15 phút – 20 phút, sau đó gỡ mặt nạ từ dưới lên. Dùng tay sạch vỗ đều lên da để da thẩm thấu các dưỡng chất trong mặt nạ trong vài phút giúp da thẩm thấu các tinh chất trong mặt nạ, sau đó rửa mặt lại với nước mát và tiếp tục các bước trang điểm hoặc dưỡng da.
Một số lưu ý:
- Không đắp mặt nạ ngay sau khi nặn mụn: vì có thể một số hóa chất có trong mặt nạ tác động trực tiếp vào sâu bên trong lỗ chân lông dẫn tới kích ứng và làm tổn thương da nghiêm trọng hơn.
- Không đắp mặt nạ khi da chưa vệ sinh sạch sẽ: vì lúc này da còn chứa nhiều vi khuẩn và bụi, sử dụng mặt nạ lúc này sẽ khiến cho các tác nhân gây mụn phát triển nhanh hơn. Do đó bạn nên tẩy trang, dùng sữa rửa mặt và dưỡng ẩm trước khi đắp mặt nạ lên da.
- Không dùng mặt nạ quá thường xuyên: khuyến cáo chỉ nên đắp mặt nạ khoảng 2-3 lần trong một tuần là đủ. Việc đắp mặt nạ thường xuyên có thể làm da yếu đi và trở nên mất khả năng chống lại những tác động từ môi trường.
- Không đắp mặt nạ quá lâu: Thời gian đắp mặt nạ lý tưởng là từ khoảng 15 – 20 phút/lần. Đắp quá lâu có thể làm da mất đi lớp màng bảo vệ, làm vi khuẩn và bụi bẩn dễ xâm nhập hơn.
Tóm lại, mặt nạ giấy dễ sử dụng và mang lại hiệu quả cao khi sử dụng đúng cách. Trong đó việc lựa chọn đúng loại mặt nạ phù hợp với da rất quan trọng, nếu như bạn lựa chọn sai loại mặt nạ sẽ khiến da bị tổn thương nhanh hơn. Do đó trước khi đắp bất kỳ loại mặt nạ nào, bạn cần phải xem xét kỹ thành phần và công dụng của mỗi loại mặt nạ nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.