Melatonin: Công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng
Để giải quyết vấn đề mất ngủ, melatonin là một trong những giải pháp phổ biến hiện nay. Vậy melatonin là gì? Melatonin có những tác dụng gì? Sử dụng melatonin lâu dài có hại cho sức khỏe hay không? Mời bạn đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.
Tổng quan về melatonin
- Tìm hiểu chung về thuốc melatonin
Melatonin là một hormone do tuyến tùng sản sinh ra, điều chỉnh nhịp sinh học. Nó có thể được bắt nguồn từ động vật, nhưng hầu hết melatonin được sản xuất tổng hợp.
Melatonin là một hormon tuyến tùng
Melatonin được sử dụng để điều chỉnh mẫu giấc ngủ trong thời gian ngắn, bao gồm cả đảo lộn thời gian và mất ngủ. Nghiên cứu trong sử dụng bổ sung melatonin cho những người bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn lưỡng cực, điều chỉnh mô hình giấc ngủ ở những người làm việc muộn theo ca và tái đồng bộ hóa của chu kỳ giấc ngủ/thức ở người mắc bệnh Alzheimer sớm đang được đánh giá.
- Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc
Hiện nay, Melatonin được sản xuất và đóng gói các dạng bào chế như:
- Dạng viên nén: 3 mg, 5 mg, 10 mg, 20 mg.
- Dạng kẹo dẻo: 5mg, 10 mg
- Dạng kẹo nhai: 1mg, 3mg, 5mg.
Melatonin được sử dụng để thiết lập lại chu kỳ ngủ thức/cải thiện giấc ngủ
Chỉ định của thuốc
Melatonin thường được sử dụng để thiết lập lại chu kỳ ngủ thức hoặc cải thiện giấc ngủ trong các trường hợp sau:
- Rối loạn giấc ngủ sinh học ở người mù: Do không cảm nhận được ánh sáng, những người bị khiếm thị hoàn toàn thường bị lệch đồng hồ sinh học.
- Khó ngủ, mất ngủ: Melatonin có thể giảm thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ. Melatonin có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ và kéo dài thời gian ngủ ở đối tượng là người cao tuổi.
- Rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ
- Rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca: Nhiều người phải làm việc ca đêm nên cần ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Khi đó, Melatonin có thể giúp họ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và kéo dài thời gian ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Trước khi sử dụng Melatonin cho trẻ, nên tạo cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng của trẻ.
Bên cạnh công dụng chính là hỗ trợ giấc ngủ thì Melatonin còn có khả năng làm giảm sự bối rối, bồn chồn vào buổi tối (hội chứng Sundowner) ở những người mắc bệnh Alzheimer, nhưng nó không cải thiện được khả năng nhận thức ở những bệnh nhân này.
Các trường hợp chống chỉ định
Melatonin không nên dùng đối với phụ nữ đang mang thai hay chuẩn bị mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi không được dùng thuốc và những người mắc các bệnh về thận, gan, trầm cảm cũng không nên dùng, nếu bắt buộc phải dùng thì cần có sự tư vấn của các bác sĩ khi dùng hormone này.
Liều dùng của thuốc melatonin
Liều dùng của thuốc melatonin
Sử dụng Melatonin đúng cách là một giải pháp an toàn cho hầu hết người lớn để cải thiện giấc ngủ và điều chỉnh chu kỳ sinh học.
- Đối với trẻ em: Liều lượng khuyên dùng cho trẻ em thường nằm trong khoảng 0.5-3 mg, dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe cụ thể của trẻ. Trước khi sử dụng loại thuốc này cho trẻ em, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
- Đối với người lớn: Khi sử dụng loại thuốc này để cải thiện giấc ngủ, người lớn thường được khuyến nghị uống từ 1 đến 5 mg vào buổi tối, khoảng 30 phút trước khi dự định đi ngủ. Trong trường hợp thay đổi múi giờ hoặc du lịch, uống 0.5-5 mg vào thời điểm mình dự định thức dậy theo múi giờ mới trong vài ngày trước khi thay đổi.
Melatonin đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển chu kỳ thức – ngủ
Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc melatonin
Melatonin dùng đường uống với liều lượng phù hợp thường an toàn. Melatonin có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn của melatonin có thể bao gồm cảm giác trầm cảm kéo dài trong thời gian ngắn, run nhẹ, khó chịu, lo lắng nhẹ, chuột rút cơ bụng, giảm tỉnh táo, lú lẫn hoặc mất phương hướng.
Vì melatonin có thể gây buồn ngủ ban ngày do đó không được lái xe hoặc sử dụng máy móc trong vòng năm giờ sau khi uống. Không sử dụng melatonin nếu mắc bệnh tự miễn.
Thận trọng và cảnh báo khi dùng melatonin
Melatonin chỉ an toàn khi sử dụng ngắn hạn, đặc biệt đối với những đối tượng thường xuyên phải đi công tác xa, thay đổi múi giờ khi đi máy bay. Sử dụng melatonin lâu dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể. Việc thay thế, bổ sung một số nội tiết tố trong cơ thể có thể mang lại tác dụng không mong muốn như làm .tăng đường huyết, vú to ở nam, giảm sút số lượng tinh trùng, đau, khó chịu ở đường ruột và tiêu hóa, mộng du, chóng mặt. Melatonin còn tương tác với một số nội tiết tố khác
Vì vậy, phụ nữ đang hay chuẩn bị mang thai không nên dùng melatonin, kể cả trẻ em. Những người mắc bệnh mạn tính như thận, gan, trầm cảm… nên được tư vấn bởi bác sĩ trước khi sử dụng loại dược phẩm này.
Melatonin có thể tạo cảm giác ngầy ngật một cách nhanh chóng ở một số người nhưng không đưa họ vào trạng thái ngủ. Người dùng có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn vào ngày hôm sau. Vẫn chưa có quy chuẩn về liều dùng, thời gian dùng, cách dùng melatonin trong việc điều trị khó ngủ. Giống như nhiều dược phẩm bổ sung khác, người dùng không thể biết chắc được liều dùng ghi trên nhãn sản phẩm là chính xác.
Câu hỏi thường gặp
- Uống melatonin có hại không?
Nếu chỉ sử dụng ngắn hạn, melatonin không gây hại sức khỏe tổng thể. So với hầu hết các loại thuốc ngủ khác, tác dụng phụ của melatonin không đáng kể và cũng không gây nghiện. Nhưng vì melatonin gây buồn ngủ, người dùng không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong vòng 5 tiếng sau khi dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng melatonin lâu dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ (vào sáng hôm sau).
- Uống melatonin vào lúc nào?
Thuận theo nhịp sinh học của cơ thể, nên uống melatonin vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1-2 giờ.
- Melatonin có trong thực phẩm nào?
4 loại thực phẩm tự nhiên chứa nhiều melatonin giúp ngủ ngon là
- Quả óc chó
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thành phần và Phân tích Thực phẩm vào tháng 1.2022, quả óc chó được phát hiện có chứa một lượng đáng kể melatonin, một loại hormone cũng được tìm thấy trong các loại hạt khác như hạnh nhân, quả phỉ, hạt bí ngô,…
- Cá hồi
Một thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ được công bố trên Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm sàng vào năm 2014 cho thấy, ăn cá hồi 3 lần một tuần trong 5 tháng có tác động tích cực đến giấc ngủ và hoạt động hằng ngày vì có chứa melatonin.
- Trứng
Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Nutrients, lượng melatonin đầy đủ được đo trong trứng, cao hơn so với thịt và các loại thực phẩm động vật khác.
- Sữa
Theo một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nghiên cứu Động vật Ứng dụng, uống sữa vào ban đêm, chứa rất nhiều melatonin, có thể có lợi cho sức khỏe con người.