Mỡ nội tạng là gì? Bí quyết giảm mỡ nội tạng nhanh chóng
Mỡ nội tạng nằm sâu trong khoang bụng nên khó có thể nhận biết. Đây là một trong những loại mỡ có thể gây hại cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu mỡ trong nội tạng là gì nguyên nhân gây ra và cách giảm mỡ hiệu quả tại nhà trong bài viết sau.
Mỡ nội tạng là gì?
Mỡ nội tạng là loại mỡ nằm sâu bên trong khoang bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, dạ dày, tim, ruột. Khác với lớp mỡ dưới da, mỡ nội tạng không dễ thấy nhưng nó làm cho bụng của bạn nhô ra ngoài gây mất thẩm mỹ.
Ngoài việc gây ảnh hưởng đến vóc dáng, loại mỡ này cũng có khả năng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, kể cả suy tim và đột quỵ.
Nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ nội tạng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tích tụ mỡ nội tạng, bao gồm:
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo xấu, đường và đồ ăn nhanh có thể dẫn đến sự gia tăng mỡ nội tạng.
- Thiếu vận động: Ít hoạt động thể chất khiến cơ thể không thể đốt cháy lượng calo thừa, dẫn đến tích tụ mỡ.
- Di truyền: Một số người có xu hướng tích mỡ nội tạng do yếu tố di truyền.
- Căng thẳng và thiếu ngủ: Hormone căng thẳng (cortisol) có thể thúc đẩy cơ thể lưu trữ mỡ nội tạng.
- Lối sống: Người thường xuyên uống rượu bia cũng có nguy cơ tích tụ mỡ bụng cao hơn.
Mỡ nội tạng có gây nguy hiểm không?
Mỡ nội tạng là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe vì nó có liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. So với mỡ dưới da, mỡ nội tạng có nguy cơ cao hơn gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Quá nhiều mỡ tích tụ trong nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư đại trực tràng, tiểu đường tuýp 2, đột quỵ và cholesterol cao. Ngoài ra, khi chỉ số mỡ nội tạng tăng cao bất thường, cơ thể còn đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề khác như sa sút trí tuệ, hen suyễn, bệnh gút, ung thư vú, viêm xương khớp và Alzheimer.
Cách giảm mỡ nội tạng an toàn và hiệu quả tại nhà
Để giảm mỡ nội tạng hiệu quả cần kết hợp giữa chế độ ăn uống, luyện tập và lối sống lành mạnh.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường.
- Tăng cường ăn rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein thực vật.
- Uống đủ nước và hạn chế đồ uống có cồn, nước ngọt có gas.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
- Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập tim mạch như chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội.
- Kết hợp các bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) để tối ưu hóa quá trình đốt cháy mỡ.
- Hoạt động nhẹ nhàng chẳng hạn như đi dạo sau bữa ăn.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Việc thiếu ngủ kích thích cảm giác thèm ăn, khiến bạn dễ ăn quá nhiều trong ngày hoặc có thói quen ăn khuya. Bên cạnh đó, thiếu ngủ còn gây rối loạn quá trình trao đổi chất, góp phần làm tăng cân và tích tụ mỡ nội tạng. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày giúp cơ thể điều chỉnh hormone.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể kích thích giải phóng cortisol – một loại hormone làm tăng tích tụ mỡ nội tạng. Do đó, bạn nên kiểm soát stress bằng các biện pháp sau:
- Thực hành các kỹ thuật giảm stress như yoga, thiền định hoặc hít thở sâu.
- Dành thời gian cho các hoạt động giải trí giúp tinh thần thoải mái hơn.
- Tránh làm việc quá tải, phân bổ thời gian hợp lý.
Khi nào nên thăm khám bác sĩ?
Cách kiểm tra chính xác lượng chất béo trong nội tạng cơ thể là thực hiện các chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp chụp CT hoặc xét nghiệm MRI. Nếu bạn có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tăng cân không kiểm soát, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Giảm mỡ nội tạng không chỉ giúp bạn cải thiện vóc dáng mà còn bảo vệ sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình giảm mỡ hoặc có những dấu hiệu sức khỏe bất thường, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và hỗ trợ chính xác nhất.