Mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì không?
U nang buồng trứng là căn bệnh phổ biến ở chị em phụ nữ. Đa số u nang là lành tính tuy nhiên nếu khối u phát triển lớn hay biến chứng thì sẽ được bác sĩ chỉ định mổ. Vậy mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì không? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết dưới đây
U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là tình trạng buồng trứng xuất hiện các khối u bên trong có thể chứa dịch và chất rắn. Đa số u nang buồng trứng đều lành tính, tuy nhiên vẫn có loại u nang phát triển thành ung thư buồng trứng
U nang buồng trứng thường được chia thành 2 dạng: u nang cơ năng và u nang thực thể.
U nang cơ năng: khối u được sinh ra do rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng. U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm, có 3 loại u nang cơ năng:
- Nang bọc noãn: nang noãn đã đủ trưởng thành nhưng không vỡ, không rụng trứng, nang cứ tiếp tục lớn lên có thể to đến 8cm khiến nữ giới chậm chu kỳ kinh nguyệt.
- Nang hoàng thể: hoàng thể vẫn phát triển bình thường sau phóng noãn, sau đó tạo ra các nang có vỏ mỏng chứa đầy dịch bên trong, gây đau và chảy máu ở vùng chậu.
- Nang hoàng tuyến: gặp ở bệnh nhân thai trứng, ung thư nguyên bào nuôi..
U nang thực thể: Có biến đổi về tổ chức học buồng trứng ở những khối u, vì vậy đây là những khối u có nguy cơ ung thư hóa
- U nang nước: hay gặp nhất, với một túi chứa dịch bên trong, có vỏ mỏng thường lành tính. Nếu trên bề mặt u có các mạch máu tăng sinh hình lược, hay có các nhú trên bề mặt hoặc trong lòng u là những dấu hiệu nghi ngờ ung thư hóa.
- U nang bì: Thành khối u nang có cấu tạo như lớp sừng, bên trong chứa tóc, xương, răng, tuyến bã… rất dễ bị xoắn.
- U nang nhầy: khối u có rất nhiều thùy, trong nang chứa dịch nhầy màu vàng, đặc, thường dính với các tạng xung quanh.
Nang lạc nội mạc buồng trứng: tổ chức nội mạc tử cung phát triển ngay trên bề mặt buồng trứng, gây phá hủy mô lành buồng trứng, dính vào các tổ chức xung quanh, bên trong chứa màu chocolate, u thường gây đau khi hành kinh, dính nhiều làm tắc vòi trứng gây vô sinh.
Các cách mổ u nang buồng trứng
Tùy vào tình trạng cơ địa bệnh nhân và khối u mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp mổ u nang khác nhau. Hiện nay, mổ u nang buồng trứng gồm hai phương pháp chính là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở bụng.
Phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng
Thường được chỉ định với các trường hợp khối u có kích thước không quá lớn, không nghi ngờ hoặc gợi ý ác tính
Phương pháp này áp dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, hạn chế chảy máu đồng thời có thể giúp tốc độ hồi phục sau mổ nhanh chóng hơn so với phẫu thuật mở. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi qua các vết rạch nhỏ ở bụng.
Phương pháp mổ u nang buồng trứng nội soi có ưu điểm là an toàn và hiệu quả trong việc giải quyết u nang buồng trứng. Ngoài ra bệnh nhân sẽ ít cảm giác đau sau phẫu thuật, chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng và có thể xuất viện sớm.
Một ưu điểm khác phải kể đến của phẫu thuật nội soi là khả năng loại bỏ có chọn lọc các u nang mà vẫn bảo tồn được buồng trứng. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những phụ nữ có mong muốn mang thai sau này. Tuy nhiên, trong những trường hợp phức tạp, bác sĩ phẫu thuật có thể lựa chọn cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng để giải quyết các biến chứng.
Phẫu thuật mở bụng cắt khối u
Thường được chỉ định với các trường hợp u có kích thước quá lớn, nghi ngờ ác tính hoặc quá dính do trước đây từng bị mổ nhiều lần.
Phẫu thuật mở u nang buồng trứng là phương pháp truyền thống, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân và thực hiện một vết mổ lớn hơn ở bụng. Phương pháp này cho phép bác sĩ tiếp cận trực tiếp vào buồng trứng và u nang để đánh giá toàn diện.
Tương tự như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở cho phép loại bỏ có chọn lọc các u nang hoặc nếu bắt buộc sẽ loại bỏ hoàn toàn buồng trứng. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ tiến hành khi không còn có lựa chọn nào khác khả thi hơn vì nó có nguy cơ biến chứng cao.
Phương pháp này có ưu điểm giúp bác sĩ dễ dàng tiếp cận khối u nhất là những khối u phức tạp nhưng cũng khiến bệnh nhân lâu bình phục sau phẫu thuật
Khi mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì không?
Mổ u nang buồng trứng là phẫu thuật ngoại khoa với mục đích nhằm loại bỏ khối u nang phát triển bất thường trên buồng trứng. Vì thế, phương pháp này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng gì tới sức khỏe của chị em.
Tuy nhiên, mọi can thiệp phẫu thuật đều có nguy cơ gặp phải những rủi ro nhất định. Mặc dù là khối u lành tính, phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn có thể để lại những hậu quả bao gồm:
- U nang buồng trứng tái phát sau khi loại bỏ
- Cơn đau kéo dài
- Nhiễm trùng sau mổ
- Tổn thương ruột hoặc bàng quang
- Để lại sẹo sau phẫu thuật
- Dính ruột, tắc ruột
Mổ u nang buồng trứng có sinh con được không?
Mổ u nang buồng trứng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng thụ thai và sinh con của chị em phụ nữ. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào sức khỏe bệnh nhân và kết quả của quá trình mổ u:
- Chỉ cắt khối u buồng trứng: Vẫn còn mô buồng trứng bình thường, tuy nhiên có thể có tạo dính quanh buồng trứng và vòi trứng, ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình thụ thai.
- Cắt bỏ 1 bên buồng trứng: Nếu chỉ cắt bỏ 1 bên buồng trứng, người bệnh vẫn còn có kinh nguyệt, vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu sau đó bị tiếp u buồng trứng bên còn lại đó thì có thể sẽ có ảnh hưởng nhiều đến khả năng có thai.
- Cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng: Đồng nghĩa với người bệnh bị mãn kinh do phẫu thuật, sẽ không còn nội tiết, không còn nang noãn nên mất hoàn toàn khả năng sinh sản, giảm ham muốn và khó khăn trong quan hệ tình dục, xuất hiện rối loạn mãn kinh toàn thân hoặc tại chỗ.
U nang buồng trứng là một căn bệnh phổ biến ở chị em phụ nữ nên mọi người cần trang bị thêm kiến thức về căn bệnh. Ngoài ra mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát được bệnh và có thể can thiệp khi cần thiết.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.