Một số cách phòng tránh các bệnh khi thời tiết giao mùa
Khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi khiến cơ thể chúng ta không kịp thích nghi dẫn tới đề kháng bị giảm mạnh và đó là nguyên nhân dễ mắc các bệnh giao mùa. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, nhưng người có sức đề kháng kém (như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai) thì tỷ lệ mắc bệnh khi giao mùa sẽ cao hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn.
Các bệnh giao mùa và triệu chứng bệnh giao mùa thường gặp
Khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn tới đề kháng bị giảm mạnh và đó là nguyên nhân dễ mắc các bệnh giao mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Sau đây là 1 số bệnh thường gặp khi giao mùa:
Cảm cúm
Đây là chứng bệnh phổ biến nhất mà hầu như ai cũng có thể mắc phải trong thời điểm này. Thời tiết thay đổi, nóng lạnh đan xen, nắng mưa thất thường liên tục, kèm theo miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi với môi trường khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.
Khi cơ thể gặp các biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy mũi, sốt, ớn lạnh… đó là dấu hiệu cho biết bạn đã bị cảm cúm và cần được nghỉ ngơi, chăm sóc.
Cảm cúm là bệnh thường gặp khi giao mùa
Viêm phổi, viêm phế quản
Thời tiết Thu Đông thường hanh khô khiến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi có thể bị ảnh hưởng. Người bệnh bị viêm phổi thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm, ho ra máu, đờm màu trắng đục, thậm chí màu vàng xanh hoặc đỏ…
Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng lan rộng và tấn công sâu hơn vào các phế nang, phế quản phổi và nhu mô phổi rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Dị ứng
Rất nhiều người có làn da nhạy cảm thường bị dị ứng khi thời tiết giao mùa. Căn bệnh này gây ra nhiều phiền toái như bong tróc nứt nẻ, nổi mẩn đỏ mề đay, ngứa ngáy sưng phù… trên khắp cơ thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất tiện và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi nhiệt độ thất thường của môi trường, cơ thể bạn không kịp thích nghi nên thân nhiệt mất ổn định, cơ thể cũng vì đó mà dễ mắc bệnh hơn.
Viêm xoang
Nhắc tới bệnh giao mùa Thu Đông thì không thể thiếu viêm xoang bởi thời tiết khô hanh khiến niêm mạc mũi khô và bong tróc. Những người mắc bệnh xoang thường có cảm giác phiền toái và rất khó chịu bởi liên tục hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau tai…
Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm nhưng khó chữa được dứt điểm nên sẽ gây nhiều bất tiện cho người bệnh.
Đau nhức xương khớp
Thời tiết thay đổi khiến cho cơ thể bạn mệt mỏi, rệu rã, đau nhức dù bạn vẫn còn rất trẻ. Bệnh này xuất hiện ở hầu hết chúng ta mỗi khi trời trở lạnh, các triệu chứng thường xuất hiện vào sáng sớm và có thể kéo dài sau đó.
Sốt xuất huyết
Giao mùa là lúc các vi khuẩn, virus sinh sôi và bùng phát mạnh mẽ, trong đó có virus gây sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết gây nguy hiểm cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Người bệnh gặp các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau mỏi người,… thường lầm tưởng bệnh cũ tái phát dẫn tới chủ quan không đi khám và điều trị. Khi bệnh trở nặng, diễn biến bệnh đã nguy hiểm hơn mới phát hiện và đến bệnh viện, khiến công tác điều trị gặp khó khăn, nhiều trường hợp đã không qua khỏi do sốt xuất huyết.
Suy tim
Các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch nên chú ý hơn tới sức khỏe của mình vào thời điểm này. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể phải thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống tim mạch cần phải làm việc nhiều hơn dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến vùng tim, có thể gây suy tim.
Nguyên nhân mắc bệnh giao mùa
Dưới đây là 1 số nguyên nhân khiến cơ thể chúng ta dễ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa:
- Do thay đổi nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi. Điều này có thể khiến sức đề kháng của cơ thể suy yếu, dẫn đến dễ mắc bệnh hơn.
- Môi trường: Môi trường ô nhiễm cũng là một nguyên nhân khiến con người dễ mắc bệnh. Ví dụ: vào mùa khô, bụi mịn trong không khí tăng cao có thể gây ra các bệnh về hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen suyễn…
- Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt không lành mạnh như nguồn thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh,…cũng là nguyên nhân dễ mắc các bệnh giao mùa
- Sức đề kháng kém: Bệnh hay gặp ở những người có sức đề kháng kém như phụ nữ mang thai, người nhà, trẻ nhỏ
Cách phòng tránh bệnh khi giao mùa
Sau đây là 1 số cách phòng ngừa bệnh khi giao mùa:
Tăng sức đề kháng:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: các thức ăn giàu protein (chất đạm), omega 3 có trong cá, các loại thực phẩm giàu vitamin và vi chất như sắt, kẽm, selen, …
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn.
- Ăn lượng dầu mỡ vừa phải, giảm lượng đường và muối.
- Tăng cường bổ sung vitamin trong các loại rau, củ, quả và uống đủ nước.
- Nên sử dụng thêm các loại nước ép bổ sung vitamin C như nước cam, nước ổi…
- Bảo đảm các quy tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thường xuyên vận động thể lực: Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu và giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, từ đó giúp chống lại virus và giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giao mùa, ốm đau hoặc sốt. Khi luyện tập thể dụng người cao tuổi cần lưu ý chọn chỗ kín gió, ấm áp, quần áo phù hợp, chọn giày dép có độ ma sát cao tránh trơn trượt trong quá trình vận động. Người cao tuổi cũng cần khởi động kỹ trước khi tập.
Luyện tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng
Duy trì thói quen sinh hoạt tốt
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh, sát khuẩn vùng họng, răng miệng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch súc miệng khác sẽ giúp loại bỏ và hạn chế sự sinh sôi phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, hít phải khói bụi và phấn hoa do thay đổi thời tiết lúc giao mùa.
- cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt hạn chế trò chuyện với người mắc bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp.
- Ngủ đủ giấc: Tạo thói quen ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể giúp tăng cường đáng kể hệ thống miễn dịch của bạn.
- Giảm căng thẳng: Cảm giác căng thẳng có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên cố gắng giữ tâm trí luôn thoải mái để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Giữ ấm cơ thể: Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, không nên thức dậy quá sớm, không nên ra ngoài tập thể dục vào lúc sớm, thay vào đó, có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Tóm lại, khi giao mùa cơ thể của chúng ta rất dễ bị bệnh. Vì vậy, hãy xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, tăng sức đề kháng để phòng ngừa bệnh tật. Đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh nếu có triệu chứng nghi ngờ.