Mụn Đầu Đen: Nguyên Nhân Và Cách Loại Bỏ
Mụn đầu đen là gì?
Mụn đầu đen là những nốt mụn nhỏ trên da, thường xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Là kết quả của lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bụi bẩn, tế bào chết hoặc các sản phẩm trang điểm và vi khuẩn, khiến cho tuyến dầu trên da hoạt động quá mạnh và không thể thoát ra khỏi bề mặt da. Khi tiếp xúc với không khí, đầu mụn bị oxy hóa và chuyển thành màu đen sẫm đặc trưng.
Mụn đầu đen có kích thước khoảng 1mm và phần nhân mụn màu đen trồi lên trên bề mặt da. Khác với mụn bọc, mụn đầu đen thường không gây đau nhức hoặc sưng đỏ. Tuy nhiên, nếu nặn mụn đầu đen, chúng có thể tiến triển thành tình trạng nặng hơn, gây viêm nhiễm và tiến triển thành mụn bọc hoặc mụn mủ, mụn viêm. Mụn đầu đen thường xuất hiện trên 2 bên má, phổ biến nhất là mụn đầu đen ở mũi, ngoài ra mụn đầu đen có thể thấy ở vùng lưng, ngực cổ, vai hay cánh tay. Vì mọi loại da đều có nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, mụn đầu đen có thể xuất hiện ở cả da dầu, da thường hoặc da khô
Nguyên nhân gây mụn đầu đen
- Do tuổi tác: Tuổi tác là một trong những nguyên nhân mụn đầu đen khá phổ biến. Ở những đối tượng như người đang độ tuổi dậy thì, phụ nữ trong thời gian mang thai hoặc sau sinh, phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh… thì nguy cơ bị mụn đầu đen sẽ cao hơn rất nhiều vì đây là những giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi dẫn đến rối loạn nội tiết tố, từ đó hình thành mụn.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Vì bệnh lý mà rất nhiều người phải thường xuyên sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây mụn trên da, đặc biệt là các loại thuốc chứa thành phần Corticoid, Lithium hoặc thuốc tránh thai… Những loại thuốc này có thể kích thích sự tăng sinh của tuyến dầu nhờn trên da và khiến nguy cơ nổi mụn đầu đen cao hơn.
- Do giới tính: Theo các bác sĩ da liễu, nữ giới thường có nguy cơ mắc phải các loại mụn trứng cá cao hơn rất nhiều so với nam giới. Bởi lẽ, nữ giới thường dễ bị rối loạn nội tiết tố thông qua các vấn đề sức khỏe như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh hoặc dùng thuốc tránh thai.
- Do căng thẳng tâm lý: Khi cơ thể của bạn thường xuyên bị stress, căng thẳng mệt mỏi liên tục trong thời gian dài, nó sẽ là yếu tố tác động khiến cho tuyến dầu nhờn trên da hoạt động mạnh hơn, từ đó khiến mụn đầu đen nổi nhiều.
- Do chế độ chăm sóc da không đúng cách: Lạm dụng quá nhiều mỹ phẩm, vệ sinh da không sạch sẽ, lười tẩy trang, thường xuyên dùng tay không nặn mụn, sờ tay lên da mặt quá nhiều, không dùng kem chống nắng và đeo khẩu trang khi ra ngoài… là những thói quen có thể khiến da của bạn xuất hiện nhiều mụn đầu đen hơn.
- Do chế độ sinh hoạt không khoa học: Thức khuya, ngủ không đủ giấc, tần suất sử dụng các thiết bị điện tử trong ngày quá nhiều, không cân bằng được thời gian nghỉ ngơi và làm việc khiến cơ thể luôn mệt mỏi, lười vận động… là những thói quen sinh hoạt gây hại cho da và gia tăng nguy cơ mụn đầu đen ở mỗi người.
- Do chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn được chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp, uống ít nước, thường xuyên sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích có hại cho da như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga, thuốc lá… cũng khiến bạn bị mụn đầu đen nhiều.
- Do môi trường ô nhiễm: Vì tính chất công việc mà nhiều người phải thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, dầu mỡ… khiến da bị suy yếu và dễ dàng bị các vi khuẩn gây mụn tấn công.
Với bất kỳ nguyên nhân gây mụn đầu đen nào, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ để có thể điều trị một cách hiệu quả nhất. Bởi khi không được điều trị triệt để, loại mụn này có thể biến chứng sang viêm và gây hại cho da, do đó bạn tuyệt đối không được lơ là khi chữa mụn đầu đen.
Cách giảm mụn đầu đen hiệu quả
Đừng để những nốt mụn “biểu tình” trên da, bạn mới tất bận đi chữa trị mà hãy học cách chăm sóc da, ngăn ngừa mụn ngay từ bây giờ nhé:
- Giữ cho da luôn sạch sẽ: Một làn da sạch bụi bẩn, chất nhờn là yếu tố quan trọng để giúp giảm hình thành mụn. Vì vậy hãy rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt vào sáng khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ. Thêm vào đó, bạn cũng có thể rửa mặt với nước sạch từ 1-2 lần trong ngày nếu thường xuyên ra ngoài. Khi rửa mặt, bạn không nên chà xát mạnh tay mà chỉ cần thực hiện động tác xoay tròn nhiều lần một cách nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn, kích thích mạch máu lưu thông.
- Tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm: Không nên lạm dụng tẩy tế bào chết và chỉ nên thực hiện 1 lần/ tuần. Ngoài ra, nhiều bạn da dầu ngại sử dụng kem dưỡng ẩm nhưng bạn có biết nếu thiếu ẩm da sẽ càng tiết nhiều dầu. Vì vậy chọn sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, chủ yếu là cấp nước cho làn da để tránh tình trạng mụn đầu đen nặng hơn.
- Xông hơi cho da mặt: Hơi nóng từ nước sẽ mở các mở lỗ chân lông để mụn được loại bỏ dễ dàng. Cách thực hiện khá đơn giản: cho vào nồi một ít nước sạch + 4 hoặc 5 nhánh xả + vài lát chanh và đun sôi. Sau đó cho ra tô, dùng khăn trùm kín phần đầu để xông khoảng 10 phút. Đừng quên dùng một viên bi nhỏ massage mặt sau khi xông để giúp lỗ chân lông thu nhỏ lại.
- Thực hiện lối sống khoa học: Ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt lành mạnh, không để bị căng thẳng để tránh sự mất cân bằng hormone làm kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Gội đầu, vệ sinh drap chăn ga gối đệm cũng như lau chùi màn hình điện thoại thường xuyên. Đây là những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da mặt của bạn nên chúng cũng cần được làm sạch, để tránh lây lan bụi bẩn, vi khuẩn cho làn da.
- Cẩn thận khi sử dụng mỹ phẩm: Các loại mỹ phẩm chứa nhiều dầu dễ làm bít tắc lỗ chân lông hoặc corticoid làm làn da dần bị mỏng, dễ bị thâm nám. Hiện nay trên thị trường có vô số các mỹ phẩm khác nhau, bạn cần lựa chọn thương hiệu uy tín, có thành phần lành tính để bảo vệ làn da của mình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.