Muối hồng là gì? Công dụng và những rủi ro khi dùng
Muối hồng Himalaya đã nhanh chóng trở thành xu hướng phổ biến trong cộng đồng yêu thích sức khỏe và ẩm thực, nhờ vào màu sắc bắt mắt và những tuyên bố về lợi ích sức khỏe. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá các công dụng chính của muối hồng Himalaya cũng như những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng, để bạn có thể sử dụng loại muối này một cách thông minh và an toàn.
Muối hồng Himalaya là gì?
Muối hồng hay còn gọi là muối hồng Himalaya, được chiết xuất từ mỏ muối Khewra tại Pakistan, đây là một trong những mỏ muối lâu đời nhất thế giới. Tương tự như muối ăn, muối hồng có chứa chủ yếu là natri clorua. Song, quá trình sản xuất tự nhiên giúp cho muối hồng Himalaya chứa nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng hơn.
Tác dụng cũng như màu sắc của muối hồng là nhờ vào 84 loại khoáng chất và nguyên tố vi lượng, như: kali, canxi, sắt, kẽm, magie,… Tuy nhiên, màu hồng đậm nhạt đặc trưng của muối Himalaya chủ yếu sẽ phụ thuộc nhiều vào hàm lượng chất sắt.
Đặc điểm của muối hồng
Với màu hồng đặc trưng và hàm lượng khoáng chất phong phú, muối hồng ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong nấu ăn và cả chăm sóc sức khỏe.
Đặc điểm nổi bật của muối hồng Himalaya
- Muối có màu hồng tự nhiên, từ hồng nhạt đến hồng đậm, tùy vào hàm lượng khoáng chất và nguồn gốc.
- Độ tinh khiết cao (thường không qua tinh chế).
- Tính chất hóa học gần giống với muối ăn, có chứa tới 98% natri clorua.
- Chứa nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng như sắt, potassium, canxi, đồng, phospho, magnesium, mangan, kẽm.
Tác dụng của muối hồng đối với sức khỏe
Những nghiên cứu không chỉ ra rằng muối hồng có bất kỳ lợi ích sức khỏe độc đáo nào so với các loại muối ăn kiêng khác. Như tất cả các loại muối khác, muối hồng vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe nhờ hàm lượng natri trong nó.
Vậy, thực tế muối hồng có tác dụng gì? Cơ thể con người cần một lượng nhỏ natri để dẫn truyền các xung thần kinh. Tác dụng của muối hồng được công nhận bao gồm:
- Co bóp và thư giãn cơ bắp
- Duy trì cân bằng khoáng chất và nước trong cơ thể
- Ngăn ngừa tình trạng mất nước
- Ngăn ngừa huyết áp thấp
- Dẫn truyền xung động hệ thần kinh
Cơ thể cần tối thiểu 1500 mg natri mỗi ngày. Nếu không cung cấp đủ, bạn sẽ có nguy cơ bị hạ huyết áp và mất cân bằng điện giải trong máu. Dấu hiệu khi cơ thể thiếu natri gồm:
- Thiếu năng lượng
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Mỏi cơ bắp
- Buồn nôn
Trên thực tế, không chỉ riêng muối hồng, hầu hết các loại muối khác đều có thể mang đến cho bạn những tác dụng này. Tuy vậy, sự lựa chọn muối hồng cũng như cách dùng muối hồng trong nấu ăn là tùy vào sở thích, điều kiện kinh tế và khẩu vị của từng người.
Một số rủi ro khi dùng muối hồng
Muối hồng gây thiếu iốt
Iốt là khoáng chất mà cơ thể cần để duy trì các chức năng tuyến giáp và chuyển hóa chất. Các nguồn iốt từ tự nhiên gồm cá, các thực vật mọc dưới nước, trứng, sữa,… Muối ăn thông thường cũng được bổ sung iốt nên cũng là nguồn cung cấp khoáng chất này.
Mặc dù muối hồng Himalaya tự nhiên đã có chứa một ít iốt tuy nhiên lượng khoáng chất này vẫn ít hơn so với muối iốt thông thường. Việc sử dụng muối hồng trong thời gian dài mà không có nguồn iốt khác bổ sung có thể sẽ dẫn tới một số vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, khô da, lạnh người,…
Những ai đang bị hoặc có nguy cơ thiếu iốt có thể cần tìm một nguồn iốt khác nếu muốn sử dụng muối hồng.
Muối hồng có thể gây dư natri
Natri là một khoáng chất có trong muối hồng hay muối ăn thường rất cần thiết cho cơ thể. Natri có thể giúp hỗ trợ:
- Ngăn ngừa huyết áp thấp
- Thư giãn cơ bắp
- Gửi các xung động thần kinh
- Cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể và giúp ngăn ngừa mất nước
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, thói quen ăn muối ở liều lượng vừa phải có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Một nghiên cứu trên động vật đã cho thấy muối có thể có những tác động tích cực lên các triệu chứng trầm cảm.
Tuy vậy, bạn cần kiểm soát lượng natri nạp vào vì tình trạng dư natri có thể sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
- Đột quỵ
- Huyết áp cao
- Bệnh tim
- Bệnh thận
- Tổn thương gan
- Loãng xương
Việc nạp quá nhiều muối thậm chí có thể góp phần dẫn đến các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng, lupus và bệnh vẩy nến. Nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy việc ăn nhiều muối cũng có liên quan đến tình trạng béo phì.
Bạn nên hạn chế dùng tất cả các loại muối, gồm cả muối hồng Himalaya nếu có vấn đề về tim, thận, gan hoặc những bệnh cần hạn chế lượng natri. Những người bị huyết áp cao cũng nên hạn chế lượng natri dưới 1.500mg mỗi ngày.
Những câu hỏi thường gặp
Muối hồng có thể dùng thay thế muối ăn không?
Câu trả lời tạm thời là không. Bởi vì hiện không có nghiên cứu nào so sánh sự ảnh hưởng của muối hồng Himalaya và muối ăn thông thường đến sức khỏe vì mỗi loại muối đều sẽ có công dụng riêng của nó. Tuy nhiên, nếu muốn hạn chế các chất phụ gia có trong muối ăn thông thường thì hãy dùng muối hồng Himalaya thay thế.
Muối hồng có hạn sử dụng không?
Đối với sản phẩm là muối hồng, bạn có thể dùng trong thời gian dài mà không cần quan tâm đến hạn sử dụng. Muối hồng vẫn sẽ giữ được nguồn dinh dưỡng vốn có của chúng nếu được bảo quản đúng cách. Để có thể dùng trong lâu dài, bạn nên giữ muối trong bình thủy tinh đậy kín và để nơi thoáng mát, tránh trường hợp bị bám bụi hay chảy nước do gặp môi trường có độ ẩm cao. Tuy vậy, theo quy định về sản phẩm thực phẩm bắt buộc nhà sản xuất phải ghi thêm thời hạn sử dụng của sản phẩm. Do đó, sản phẩm muối hồng luôn phải có hạn sử dụng rõ ràng.
Muối hồng Himalaya có tốt không?
Câu trả lời là có tuy nhiên không phải lúc nào sử dụng muối hồng cũng tốt. Muối hồng Himalaya chỉ có thể giúp bạn một số lợi ích cho sức khỏe. Nếu dùng nó để bổ sung và cải thiện cơ thể khi sức khỏe bị suy yếu về đường hô hấp, mất ngủ,…
Muối hồng, nổi bật với màu sắc và nguồn gốc tự nhiên, không chỉ giúp làm tăng hương vị của món ăn mà còn cung cấp khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, việc lạm dụng muối hồng có thể gây ra các vấn đề về huyết áp và tim mạch. Để tận dụng lợi ích mà vẫn tránh rủi ro, hãy dùng muối hồng một cách hợp lý và duy trì chế độ ăn uống cân bằng.