Nấm hương: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe
Nấm hương là một loại nấm nổi tiếng trong ẩm thực châu Á, không những được yêu thích vì hương vị thơm ngon mà còn vì giá trị dinh dưỡng vượt trội của nó. Trong bài viết này của Pharmacity, chúng ta sẽ cùng khám phá giá trị dinh dưỡng của nấm hương cũng như những lợi ích sức khỏe mà loại nấm này mang lại, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách tích hợp nấm hương vào chế độ ăn uống hàng ngày để tận hưởng sức khỏe tối ưu.
Tổng quan về nấm hương
Nấm hương (còn được gọi là nấm đông cô) là một loại nấm ăn có nguồn gốc bản địa ở Đông Á. Ngoài ra, chúng còn mọc hoang nhiều ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Mỹ, người nông dân thường trồng loại nấm này tại các trang trại.
Nấm đông cô có hình dạng như cái ô tí hon, đường kính từ 5 – 10cm, màu nâu nhạt và khi chín chuyển thành nâu sậm. Nấm mọc ký sinh trên những cây có lá to và thay lá theo mùa như sồi, dẻ, phong. Trung bình, loại nấm này có thể ký sinh trên mỗi khúc gỗ từ 3-7 năm. Bạn có thể mua loại tươi hoặc sấy khô tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm chức năng.
Giá trị dinh dưỡng của nấm hương
Chất đạm, vitamin và khoáng chất, enzym là những thành phần dinh dưỡng đặc trưng có trong nấm hương tươi. Hơn nữa, người ta ước tính rằng cứ 100g nấm hương tươi sẽ có bảng thành phần giá trị dinh dưỡng như sau:
- Năng lượng: 34kcal
- Nước: 89,74 gam
- Carbohydrate: 6,79 gam
- Chất đạm: 2,24 gam
- Vitamin B2: 0,217 mg
- Vitamin B3: 3,877 mg
- Vitamin B1: 0,015 mg
- Vitamin B6: 0,293 mg
- Nhiều vitamin và chất khoáng như: 112mg phốt pho, 2mg canxi, 20mg magie, 304 mg kali,….
Ngoài ra, loại nấm này còn có chứa các chất như terpenoid, sterol, polysaccharide, lipid cùng với một số các amino axit rất cần thiết cho sức khỏe. Về cơ bản, hàm lượng dinh dưỡng của nấm hương là rất cao.
Tác dụng của nấm hương đối với sức khỏe
Nấm hương không chỉ là một loại nấm phổ biến trong ẩm thực mà còn là một “siêu thực phẩm” giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng khám phá những tác dụng tuyệt vời của nấm hương nhé!
Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Một trong những lợi ích phổ biến nhất được nhắc đến khi sử dụng nấm hương đó là giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ hợp chất polysaccharide có trong nấm. Theo như nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy chất polysaccharide có tác động trực tiếp đến phản ứng miễn dịch bằng cách gây ảnh hưởng đến các phản ứng gen ở manh tràng, ruột non và ruột kết.
Trong một nghiên cứu thực hiện trên 22 người có độ tuổi 21 – 41 tuổi ở cả nam và nữ, hàng ngày tiêu thụ 5 – 10g nấm đông cô trong vòng 4 tuần liên tiếp, kết quả cho thấy một vài dấu hiệu có liên quan đến hệ miễn dịch được cải thiện tích cực, nhất là mức độ viêm giảm xuống rõ rệt.
Tốt cho tim mạch
Nấm hương có chứa chất dinh dưỡng thực vật có tiềm năng giúp giữ cho tế bào không dính vào thành mạch máu, tạo thành mảng bám, duy trì huyết áp cũng như cải thiện tuần hoàn. Nấm hương có lợi ích tốt cho tim mạch nhờ vào những hợp chất giúp làm giảm hàm lượng cholesterol như sau:
- Eritadenine: hợp chất giúp ức chế enzyme có liên quan đến việc sản sinh cholesterol
- Sterol: phân tử giúp ngăn chặn ruột hấp thu cholesterol
- Beta-glucan: chất xơ làm hạ thấp nồng độ cholesterol
Ngăn ngừa ung thư
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nấm hương có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của khối u khi thí nghiệm trên động vật. Tuy vậy, tác dụng này với người cần được nghiên cứu nhiều hơn. Sở dĩ có tác dụng này là do khả năng tăng cường hệ miễn dịch của chúng.
Ngoài ra, chất lentinan có trong nấm đông cô còn có công dụng ngăn ngừa và giúp làm chậm quá trình phát triển của ung thư bằng cách kích hoạt các tế bào và protein tấn công căn bệnh này tuy nhiên lại không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Vì thế, loại thực phẩm này là liệu pháp có hiệu quả cao cho các bệnh nhân ung thư.
Tăng sức khỏe cho làn da
Trong 100 gam nấm đông cô chứa 5,7 miligam selen, tức là 8% giá trị hàng ngày của cơ thể, việc thêm nấm đông cô vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mụn trứng cá, sẹo trên da.
Kết quả này được nghiên cứu trên 29 bệnh nhân được cho 0,2 mg selen và 10 mg tocopheryl succinate chữa mụn trứng cá 2 lần mỗi ngày trong vòng 6 đến 12 tuần. Sau khi điều trị, nhận thấy kẽm trong nấm tăng cường chức năng miễn dịch cũng như làm giảm tích tụ DHT để giúp cải thiện làn da.
Chứa các đặc tính kháng khuẩn
Một số hợp chất có trong nấm hương như lentinan có công dụng kháng khuẩn, kháng vi rút (bao gồm cả AIDS) và kháng ký sinh trùng.
Khi tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng, một số nhà khoa học cho rằng cần khám phá tiềm năng kháng khuẩn của nấm hương.
Các hợp chất được phân lập thể hiện hoạt tính kháng khuẩn trong ống nghiệm, tuy nhiên việc ăn nấm hương không có bất kỳ các tác dụng nào đối với các bệnh nhân nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn hoặc nấm.
Chống oxy hóa
Nấm hương có chứa L-ergothioneine, đây là chất chống oxy hóa cực mạnh. Một nghiên cứu cho thấy các loại nấm có chứa L-ergothioneine nhiều hơn cả gan gà và phôi lúa mì. Trong đó, nấm hương có chứa chất này nhiều nhất so với các loại nấm khác.
Hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương
Nấm hương có tác dụng gì? Nấm là nguồn thực vật tự nhiên duy nhất giúp cung cấp vitamin D mà cơ thể cần để xương chắc khỏe.
Hàm lượng vitamin D của nấm sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách trồng. Khi tiếp xúc với tia UV, chúng sẽ phát triển hàm lượng hợp chất này cao hơn.
Trong một nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng, vitamin D2 và canxi có nguồn gốc từ nấm hương được chiếu xạ UV có thể giúp làm tăng mật độ xương thông qua các tác động trực tiếp đến xương bằng cách kích thích tăng hấp thụ canxi trong tá tràng và thận.
Một số phản ứng phụ có thể xảy ra khi ăn nấm hương
Nấm hương an toàn tuyệt đối khi được nấu chín. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số các phản ứng phụ không mong muốn:
- Nếu ăn nấm chưa nấu chín có thể không an toàn
- Có thể sẽ gây khó chịu cho dạ dày, sưng da (viêm) và bất thường về máu
- Có thể gây tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, phản ứng dị ứng trên da và các vấn đề về hô hấp.
Hiện vẫn chưa có đủ thông tin đáng tin cậy để biết nấm hương có an toàn khi dùng trong lúc mang thai hoặc cho con bú hay không. Do đó, bạn cần giữ an toàn, sử dụng nấm với lượng hợp lý.
Với các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng khác. Nấm hương có thể sẽ khiến hệ thống miễn dịch hoạt động nhiều hơn. Điều này có thể sẽ làm gia tăng triệu chứng của các bệnh trên. Do đó, nếu gặp phải những tình trạng này, bạn nên tránh dùng nấm hương.
Rối loạn máu là hội chứng tăng bạch cầu ái toan. Không dùng nấm hương nếu bạn gặp vấn đề này bởi nó có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên càng tồi tệ hơn.
Nấm hương không chỉ là nguyên liệu ẩm thực tuyệt vời mà còn là nguồn dinh dưỡng phong phú mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Việc đưa nấm hương vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể sẽ góp phần vào một lối sống lành mạnh và cân bằng. Hãy tận dụng các lợi ích của nấm hương để giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.