Nám, tàn nhang và đốm nâu do đâu mà có?
Nám, tàn nhang và đốm nâu khiến cho làn da của bạn nhanh lão hoá và kém thẩm mỹ. Việc điều trị cũng tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian để loại bỏ triệt để. Vậy nám, tàn nhang, đốm nâu do đâu mà có? Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Nám, tàn nhang và đốm nâu là gì?
Nám, tàn nhang, đốm nâu đều là các vấn đề về sắc tố da thường gặp, thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Phân biệt nám, tàn nhang, đồi mồi cần căn cứ vào các yếu tố như hình dạng, màu sắc, độ tuổi thường mắc các tình trạng da này. Dưới đây là các đặc điểm thường gặp giúp bạn phân biệt được 3 bệnh này.
Nám
Nám da thường xuất hiện ở phụ nữ sau 30 tuổi, chủ yếu ở phụ nữ sau sinh hoặc đến giai đoạn tiền mãn kinh, cũng có một số trường hợp xuất hiện nám ở tuổi dậy thì. Nám nằm sâu dưới lớp biểu bì da, đặc biệt thường thấy ở da mặt, kích thước lớn hơn tàn nhang và đồi mồi.
Nám da có hai hình dạng tùy thuộc vào loại nám, bao gồm nám đốm và nám mảng.
- Nám đốm là các nốt sắc tố tròn, đậm màu, nhỏ bằng đầu đinh, mọc tách rời, kích thước có thể từ 1-5mm, xuất hiện ở hai bên gò má.
- Nám mảng thường thấy ở hai bên gò má, có tính lan, nhiều trường hợp còn có thể che kín cả khuôn mặt.
- Nám hỗn hợp là tình trạng da xuất hiện cả hai loại nám trên.
Tàn nhang
Tàn nhang có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, kể cả người đang trong giai đoạn dậy thì. Tàn nhang xuất hiện ở lớp da nông trên bề mặt da. Ngoài da mặt, tàn nhang còn có thể xuất hiện ở các vị trí như cổ, tay, ngực…
Tàn nhang có kích thước nhỏ, hình dạng tròn, nằm riêng lẻ hoặc kết thành mảng, màu vàng, đỏ, nâu, khi ra nắng càng nhiều, tàn nhang càng có xu hướng đậm màu hơn.
Đốm nâu (đồi mồi)
Đồi mồi thường xuất hiện ở những người có tuổi và không liên quan đến sự thay đổi nội tiết. Đồi mồi xuất hiện trên thượng bì da, tuỳ vào đặc điểm cơ địa mỗi người mà các đốm đồi mồi có màu đậm-nhạt, to-nhỏ, tròn – dẹt khác nhau. Tình trạng da xuất hiện đồi mồi thường thấy ở các khu vực như cánh tay, mu bàn tay, đuôi mắt, gò má…
Nguyên nhân do đâu mà có?
Cấu trúc da bình thường của chúng ta sẽ gồm 3 lớp: Lớp biểu bì (thượng bì), lớp trung bì và lớp hạ bì. Tế bào sắc tố là tế bào thượng bì năm ở lớp tế bào đáy của thượng bì, chiếm khoảng 5% – 10%, sản sinh ra sắc tố melanin.
Nám da, tàn nhang và đồi mồi xuất hiện do sự sản sinh không đồng đều của melanin trên da. Nguyên nhân của các vấn đề về da trên khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là đều bị nặng lên do tác động từ ảnh nắng mặt trời. Nám và tàn nhang thường liên quan nhiều tới nội tiết và di truyền, đồi mồi thường do tình trạng lão hóa da. Cụ thể:
Nguyên nhân hình thành nám
- Ánh sáng mặt trời: Tia cực tím (UV) từ mặt trời khi chiếu vào da sẽ kích hoạt cơ thể sản xuất nhiều melanin hơn. Đó là lý do tại sao nám phát triển chủ yếu trên các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như da mặt, cổ, cánh tay.
- Nội tiết tố thay đổi: Đối với phụ nữ mang thai, hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh, các loại hormone estrogen và progesterone có sự thay đổi rất lớn, gây ra nám da.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc tránh thai, thuốc khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời như retinoids, thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp…
- Căng thẳng: Áp lực, stress khiến cho cơ thể tạo ra nhiều hormone cortisol, gây nám da.
Nguyên nhân hình thành tàn nhang
Tàn nhang xuất hiện chủ yếu do da tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời. Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng tàn nhang trên da, bao gồm:
- Di truyền: Tàn nhang có thể xuất hiện ở một số loại gen di truyền.
- Tăng sắc tố da: Đây là một bệnh hiếm gặp khiến da tăng độ nhạy cảm khi tiếp xúc với tia cực tím (UV), khiến cho da bị tàn nhang nhiều hơn.
Nguyên nhân hình thành đốm nâu
Đốm nâu xuất hiện chủ yếu là do da tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời trong nhiều năm liền hoặc do sự lạm dụng các loại đèn rám nắng da và giường tắm nắng ở những người da trắng. Bên cạnh đó, theo một số nhà khoa học, việc ít tập thể dục, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ ,chức năng thận suy yếu cũng có thể dẫn đến việc xuất hiện đốm nâu trên da.
Bí quyết phòng ngừa và bảo vệ da
Việc điều trị sẽ gồm thuốc bôi và đường uống theo chỉ định của bác sĩ:
- Các sản phẩm bôi có thể là: Hydroquinone 2-5%; Tretinonin; Azelanic acid; Ascorbic acid; Phối hợp 3 loại kem (Hydroquinone; Tretinonin và Fluocinolone),…
- Đối với đường uống có thể sử dụng: Glutathione & các hoạt chất tác động lên sự tổng hợp melamin; Nano Collagen & các hoạt chất giúp kích thích tăng Collagen hoặc ức chế thủy phân collagen; Tranexamic acid…
Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị như Peel, vi bào da, điện di, laser sắc tố.
Bên cạnh việc gặp bác sĩ để tư vấn cách điều trị, bạn có thể thực hiện một số giải pháp dưới đây để phòng ngừa và bảo vệ da hiệu quả:
Dùng kem chống nắng: để có thể bảo vệ da khỏi nám và tàn nhang, việc chú ý bảo vệ làn da dưới tác động của ánh nắng mặt trời là phương pháp hữu hiệu nhất. Nên che chắn cẩn thận khi ra ngoài và bôi kem chống nắng đều đặn mỗi ngày để loại bỏ đồi mồi, nám và tàn nhang xuất hiện trên da.
Bổ sung dưỡng chất cần thiết: Bên cạnh các loại hoá mỹ phẩm, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm thiên nhiên để cải thiện sắc tố da như:
- Nước cốt chanh: Thoa trực tiếp nước cốt chanh lên da bằng bông gòn, sau đó rửa sạch. Nước cốt chanh có tác dụng giúp cho làn da sáng hơn.
- Mật ong: Tẩy tế bào chết bằng hỗn hợp mật ong với muối hoặc đường để làm tăng sắc tố da.
- Chiết xuất từ lựu đỏ, cam thảo: Trong chiết suất từ lựu đỏ, cam thảo có chứa các loại vitamin A,C,E, chất chống oxy hóa, đồng thời lựu đỏ và cam thảo còn có các chất giúp thúc đẩy quá trình tăng sinh collagen, elastin có tác dụng tăng độ đàn hồi, tươi tắn và khỏe đẹp cho da.
- Sữa chua: trong sữa chua có chứa axit lactic, có khả năng giúp làm sáng vết tàn nhang của bạn.
- Cà chua: Vitamin C trong cà chua có thể kích thích sản xuất collagen nên không giúp cải thiện độ đàn hồi, săn chắc cho da mà uống nước ép cà chua thường xuyên hoặc đắp cà chua lên mặt có thể chống lão hoá da, ngăn ngừa nếp nhăn.
- Hành tây: Có thể làm sáng các đốm trên da nhờ việc chà hành tây lên da, sau đó rửa sạch bằng nước ấm như một chất để tẩy tế bào chết.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây ra nám, tàn nhang, đốm nâu. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ làn da của bạn. Bên cạnh việc phải thường xuyên che chắn, sử dụng các sản phẩm ngăn sự tiếp xúc của da với tia UV từ mặt trời, chúng ta cũng cần phải bổ sung các dưỡng chất cần thiết để cải thiện sức khỏe cho làn da.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.