Ngộ độc rượu là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
Ngộ độc rượu có thể gây nên hậu quả nghiệm trọng, tình trạng này xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu hoặc bia trong thời gian ngắn, uống nhanh và uống một lượng lớn hoặc rượu, bia kém chất lượng. Tìm hiểu ngay để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong dịp lễ thường xuyên sử dụng rượu bia.
Cẩn trọng để tránh ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là gì? Nguyên nhân gây nên
Rượu bia thường chỉ các loại thức uống có chứa cồn bao gồm cả bia tươi, bia đóng lon, rượu mạnh, rượu vang… và các loại nước uống có chứa ethanol khác, khi nạp bia rượu vào cơ thể chất ethanol sẽ mang đến cho cơ thể cảm giác hưng phấn, kích thích hệ thần kinh gây giảm khả năng kiềm chế.
Ngộ độc rượu là tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi bạn nạp lượng lớn đồ uống có cồn nhiều hơn mức cơ thể chấp nhận trong thời gian ngắn. Tình trạng ngộ độc rượu hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là những người nghiện bia rượu.
Ngoài đồ uống có cồn, rượu (ethanol) còn có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng và một số sản phẩm gia dụng. Vì vậy, tình trạng ngộ độc rượu thường xuất hiện ở người lớn khi uống rượu hoặc trẻ em khi vô tình sử dụng các sản phẩm khác có chứa rượu.
Nguyên nhân gây ngộ độc rượu
Rượu là chất có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan của bạn. Nguyên nhân gây ngộ độc rượu xảy ra khi bạn uống nhiều rượu hơn lượng cơ thể bạn có thể chuyển hóa một cách an toàn, sử dụng rượu liên tục trong thời gian dài.
Khoảng 5% -10% lượng rượu được bài tiết trong nước tiểu, mồ hôi và hơi thở. Hơn 90% lượng rượu uống vào được chuyển hóa ở gan. Khi uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn, trên cơ địa người không có đủ men giải rượu bia ở gan hay có bệnh lý tổn thương gan sẵn có, gan sẽ không đủ khả năng để xử lý hết lượng cồn trong máu, ethanol từ rượu đi vào trong máu nhiều dẫn đến ngộ độc rượu.
Thông thường, cơ thể có thể chuyển hóa an toàn một 100ml rượu mỗi giờ. Nếu bạn uống nhiều hơn mức này, bạn có thể tiêu thụ nhiều cồn, làm cho cơ thể ngừng làm việc hợp lý vì gan của bạn không thể xử lý hết lượng cồn trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu thường gặp
Rượu hay đồ uống có chứa cồn là các loại đồ uống được sử dụng nhiều ở Việt Nam ngày nay, nhất là trong các bữa tiệc tùng dịp lễ tết cuối năm. Ngộ độc rượu có thể gây hậu quả nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong, do đó chúng ta cần kiểm soát lượng rượu vào cơ thể đảm bảo an toàn sức khỏe.
Người bị ngộ độc rượu có thể xuất hiện các triệu chứng thường gặp như sau:
- Da tím tái, tay chân nhợt nhạt và có dấu hiệu lạnh;
- Mất ý thức, khó duy trì ý thức;
- Co giật, sùi bọt mép;
- Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt);
- Mê man, bất tỉnh, không phản ứng khi có người gọi;
- Nói ngọng, tê, yếu chân tay một bên hoặc một bên mặt;
- Khó thở, giọng thở khò khè, ho yếu;
- Thở yếu, nhịp thở, mạch đập không đều;
- Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ tại chỗ;
- Hoa mắt, chóng mặt, không thể nhìn rõ xung quanh;
- Đau bụng, bụng chướng, nôn nhiều.
Khả năng uống rượu của mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, độ nhạy với rượu, tốc độ uống, rượu không rõ thành phần và nguồn gốc, tình trạng sức khỏe,…Do đó, bạn cần lưu ý để kiểm soát, tránh bị ngộ độc rượu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hướng dẫn cách xử lý khi bị ngộ độc rượu
Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có dấu hiệu bị ngộ độc rượu, hãy gọi ngay số điện thoại cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Tình trạng ngộ độc rượu nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi chờ đợi, bạn hãy:
- Giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi được cấp cứu;
- Không nên để người bất tỉnh một mình để giúp tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Lúc này có thể đặt bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi. Trường hợp nếu không thể ngồi thì nên đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa;
- Nếu người bị ngộ độc có dấu hiệu ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo cho đến khi có hỗ trợ từ y tế chuyên nghiệp. Quan sát các diễn tiến của bệnh nhân để thông tin ngay khi có bác sĩ cấp cứu;
- Giữ người bệnh nằm yên và hạn chế cử động để tránh va đập;
- Giữ ấm cơ thể cho người bệnh để tránh hạ thân nhiệt đột ngột gây tử vong;
- Hãy cố gắng ghi nhớ về loại rượu hoặc lấy mẫu loại rượu bệnh nhân đã uống để cung cấp cho bệnh viện khi cần thiết, giúp các bác sĩ có thể xác định đúng loại ngộ độc để có thể xử trí ngộ độc cấp cứu kịp thời.
Một số biến chứng nguy hiểm do ngộ độc rượu như hạ thân nhiệt, nghẹt thở, ngừng thở, động kinh, nhịp tim không đều, ngừng thở hay tử vong.
Rượu và các chất kích thích có hại cho sức khỏe, cách phòng tránh ngộ độc rượu tốt nhất là bạn nên hạn chế uống quá nhiều rượu và không uống liên tục trong nhiều ngày liên tiếp mà không có thời gian cho gan và cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi lại. Chúc bạn có những quyết định thông minh để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mỗi ngày luôn khỏe mạnh và vui vẻ, nhất là trong dịp tết.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: