Nguyên nhân gây ngứa lỗ tai phổ biến và cách khắc phục hiệu quả
Ngứa lỗ tai là vấn đề phổ biến ở nhiều người và nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng rất đa dạng, từ việc tích tụ ráy tai, nhiễm trùng tai cho đến nước ứ đọng trong tai,… Do đó, việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp bạn điều trị bệnh hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Nguyên nhân gây ngứa lỗ tai phổ biến
Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa lỗ tai mà phần lớn mọi độ tuổi đều gặp phải, cụ thể là:
Do lỗ tai bị khô
Bên trong lỗ tai có tiết một chất bã nhờn bao phủ bề mặt da ống tai để tăng độ ẩm nhất định và được gọi là ráy tai. Ráy tai sẽ có nhiệm vụ “thu gom” bụi mịn, vi khuẩn cùng tế bào chết,… bám trên ống tai. Theo thời gian, chúng sẽ tự khô dần đi và rớt ra ngoài. Tuy nhiên, chúng ta thường vệ sinh tai bằng cách sử dụng tăm bông hay móc ráy để “khai quật” lớp ráy tai, khi đó sẽ làm mất màng bảo vệ, dẫn đến lỗ tai bị khô, kích ứng và gây ngứa.
Nhiễm trùng tai
Việc cơ thể bị cảm lạnh hay cảm cúm do virus có thể khiến tai bị viêm hay dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Mặt khác, tình trạng nhiễm trùng tai cũng khiến lỗ tai bị ngứa. Nếu trong trường hợp này, người bệnh cần đi thăm khám sớm để hạn chế các biến chứng như thủng màng nhĩ, viêm mạn tính hay biến chứng nội sọ nguy hiểm.
Thêm vào đó, các tình huống màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa dễ gây ngứa lỗ tai vì dịch viêm chảy ra ống tai, gây viêm hoặc kích ứng. Bên cạnh đó, viêm ống tai do tích tụ nhiều ráy tai hay ứ đọng nước trong tai cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị ngứa lỗ tai.
Ngứa lỗ tai vì dị ứng với thực phẩm
Dị ứng thực phẩm không chỉ gây ra các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa họng, đau bụng,… mà còn có thể khiến nhiều người bị ngứa lỗ tai. Do đó, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng mà bạn nên chú ý như:
- Các chế phẩm từ sữa.
- Bột mì.
- Cá và các loại hải sản, gồm tôm, ốc, nghêu, sò, hàu,…
- Quả hạch hay đậu nành.
- Chất phụ gia dùng chế biến thức ăn, men bia,…
Do ráy tai tích tụ quá mức
Tuy ráy tai có công dụng bảo vệ da ống tai khỏi những chất bẩn và tự tống ra ngoài, nhưng việc tích tụ quá nhiều dễ làm bít tắc ống tai. Khi đó, âm thanh không thể lọt vào, tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây viêm nhiễm và ngứa lỗ tai. Không những vậy, việc vệ sinh tai không đúng cách cũng vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong thay vì để chúng tự khô đi và rớt xuống.
Sử dụng máy trợ thính làm lỗ tai bị ngứa
Một số người có cơ địa dị ứng với chất liệu nhựa nên việc đeo máy trợ thính có thể dẫn đến tình trạng ngứa lỗ tai. Hơn nữa, việc đeo máy trong khi tai ứ đọng nước sẽ làm nước không thoát ra được cũng gây viêm ngứa mặc dù không có dị ứng.
Bị ngứa lỗ tai do tai ứ nước bẩn
Trên thực tế, khi trong tai có nước bẩn ứ đọng lâu ngày gây suy giảm sức đề kháng cho da ống tai, và đây cũng là nguyên nhân gây viêm ống tai, sinh ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở bộ phận này. Ngoài ra, khi tình trạng viêm nặng, làm tai bị sưng, gây ù tai, chảy dịch tai,… Vì thế, việc vệ sinh vùng tai sạch sẽ hàng ngày là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm và ngứa do nước bẩn tích tụ.
Do bệnh viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng xảy ra do tác động của môi trường, từ các yếu tố như phấn hoa, lông có dính nước bọt của thú cưng, bụi,… Không chỉ gây ngứa mũi, tình trạng này còn khiến người bệnh bị ngứa lỗ tai, ngứa mắt cùng với các biểu hiện khác như:
- Đau đầu.
- Hắt xì.
- Sổ mũi.
- Mệt mỏi, khả năng tập trung kém.
- Chảy nước mắt thường xuyên,…
Các bệnh về da gây ngứa lỗ tai
Bệnh ngoài da không chỉ gây ngứa ở những vị trí thường gặp như tay, chân mà còn có thể ảnh hưởng đến cả vùng da ống tai. Các bệnh da liễu có thể làm lỗ tai bị ngứa như viêm da, bệnh vảy nến hay bệnh chàm,… Khi nhận thấy xung quanh vùng tai có những mảng da bị bong tróc, mẩn ngứa thì bạn cần đến khám để được chữa trị nhanh chóng.
Cách khắc phục tình trạng lỗ tai bị ngứa hiệu quả
Thật ra, tình trạng ngứa lỗ tai xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, vì thế khi gặp tình trạng này, các bạn nên:
- Đối với người có tai khô do cơ địa, hãy làm ẩm da ống tai bằng cách bôi một lớp dầu ô liu hay dầu em bé lên tăm bông và đưa vào trong tai. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhỏ vài giọt ở cửa tai, dầu sẽ tự lan đến ống tai và làm giảm ngứa an toàn.
- Hạn chế để nước đọng lại trong tai sau khi vệ sinh tai hoặc tắm.
- Khi cơ thể phản ứng với các thực phẩm gây dị ứng, khiến đường thở bị bít tắc hay sốc phản vệ,… người bệnh cần có sự can thiệp cấp cứu ngay lập tức.
- Khi ráy tai tích tụ quá nhiều, hãy đến chuyên khoa tai – mũi – họng để lấy trực tiếp.
- Trường hợp đeo máy trợ thính với nút máy quá to, gây đè ép da ống tai thì bạn có thể yêu cầu chuyên gia điều chỉnh sao cho thoải mái hơn.
- Khi bơi lặn, hãy dùng dụng cụ bịt tai và lau khô vùng tai sau khi tắm xong.
- Tuyệt đối không tự ý ngoáy ống tai bằng tăm bông.
Nhìn chung, không phải mọi trường hợp ngứa lỗ tai đều là dấu hiệu bệnh lý mà cũng có thể do các bệnh về da hoặc dị ứng gây ra. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng này kèm theo các triệu chứng khác như xuất hiện máu trong tai, có nhiều dịch chảy từ trong tai hay điếc tai đột ngột,… thì bạn nên đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng để có cách xử lý phù hợp.