Viêm giác mạc: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm giác mạc là một bệnh lý phổ biến liên quan đến mắt, với nhiều dấu hiệu đặc trưng như đau nhức, co quắp mi, phù nề mi mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt thị lực giảm,…Khi giác mạc bị viêm chắc chắn thị lực sẽ bị ảnh hưởng nếu không được điều trị và chăm sóc mắt kịp thời. Cùng tìm hiểu viêm giác mạc: nguyên nhân và cách điều trị là gì ? ở bài viết dưới đây.
Viêm giác mạc là gì?
Giác mạc hay còn được gọi là tròng đen là màng trong suốt có hình nhãn cầu chiếm khoảng 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Giác mạc sẽ cấu tạo gồm năm lớp thực hiện những chức năng khác nhau để bảo vệ nhãn cầu và kiểm soát hội tụ ánh sáng đi vào phần mắt để mắt có thể nhận biết được.
Viêm giác mạc là hiện tượng giác mạc, một lớp mô màu trắng trong suốt che phủ mống mắt và đồng tử, trở nên sưng phù hoặc bị viêm. Điều này dẫn đến các triệu chứng như đỏ, đau và ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Viêm giác mạc thường đi kèm với loét giác mạc.
Tình trạng tổn thương của giác mạc có thể dẫn đến các hậu quả và biến chứng nghiêm trọng. Nếu viêm giác mạc không được chăm sóc đúng cách và kịp thời có thể gây ra nguy cơ mất thị lực cao, chỉ sau các bệnh như đục thủy tinh thể và glaucoma.
Viêm giác mạc có thể gồm nhiều tình trạng khác nhau diễn ra tại đây, chẳng hạn như:
- Viêm loét giác mạc
- Viêm biểu mô giác mạc nông
- Viêm giác mạc sâu
- Viêm giác mạc đốm (viêm giác mạc chấm)
- Viêm giác mạc cấp
- Viêm giác mạc sợi
Nguyên nhân viêm giác mạc
Có hai nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm giác mạc bao gồm:
Viêm giác mạc lây nhiễm
Mầm bệnh có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm… tồn tại ở trong không khí, nguồn nước ô nhiễm, giọt chất tiết, bám trên kính áp tròng hoặc trên các bề mặt như bàn, ghế… rồi tiếp xúc với giác mạc khi bạn chạm tay vào mắt. Chúng sẽ kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể và gây ra phản ứng ứng viêm.
- Vi rút: Tác nhân chủ yếu là vi rút Herpes, Zona, Adenovirus, thủy đậu….
- Vi khuẩn: Tụ cầu (Staphylococcus), liên cầu (Streptococcus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas), lậu, giang mai…
- Ký sinh trùng: Thường do Acanthamoeba – một loại amip sống chủ yếu trong nước (bể bơi, sông, hồ…) và có thể xâm nhập vào mắt khi bơi.
- Nấm: Rất ít gặp, thường là các loại nấm có nguồn gốc từ thực vật.
Viêm giác mạc không lây nhiễm
- Chấn thương, phẫu thuật ở mắt gây trầy xước, rách giác mạc, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây viêm.
- Quặm mi (lông mi mọc ngược)
- Dị vật ở trong mắt
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách như đeo quá lâu, dùng kính áp tròng cũ, đeo kính áp tròng khi ngủ, khi bơi… hoặc vệ sinh kính không tốt.
- Bệnh khô mắt khiến bề mặt mắt mất đi lớp nước mắt để rửa trôi vi khuẩn, bụi bẩn… nên dễ bị viêm hơn, nguyên nhân khô mắt thường do thiếu vitamin A, lão hóa…
- Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống… sản sinh ra các tự kháng thể tấn công vào giác mạc gây viêm.
- Tổn thương thần kinh như liệt dây thần kinh số VII làm mắt nhắm không kín.
- Sử dụng thuốc chống viêm corticoid kéo dài hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khiến hàng rào bảo vệ của mắt yếu đi khiến vi khuẩn, vi rút dễ tấn công gây viêm.
- Tổn thương giác mạc do tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím (UV) cường độ cao.
Cách điều trị viêm giác mạc
Điều trị viêm giác mạc không do nhiễm trùng
Trường hợp này viêm giác mạc đôi khi có thể tự khỏi. Nếu phải điều trị, phương pháp cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương mắt.
Đối với những trường hợp nhẹ, các triệu chứng chỉ là sự khó chịu do trầy xước giác mạc, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định nước mắt nhân tạo.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm chảy nước mắt và đau nhiều, bạn có thể cần sử dụng miếng dán che mắt trong 24 giờ hoặc thuốc nhỏ mắt kháng sinh để làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Điều trị viêm giác mạc nhiễm trùng
Phương pháp điều trị viêm giác mạc do nhiễm trùng cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào thủ phạm gây bệnh cụ thể là gì. Gồm có:
- Viêm giác mạc do vi khuẩn: bệnh nhẹ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Nếu nhiễm trùng từ mức độ trung bình đến nặng, bạn sẽ phải dùng thêm thuốc kháng sinh đường uống.
- Viêm giác mạc do nấm: sử dụng thuốc nhỏ mắt chống nấm và thuốc uống chống nấm.
- Viêm giác mạc do virus: chỉ định có thể bao gồm nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt kháng virus và thuốc uống kháng virus tùy theo từng trường hợp.
- Viêm giác mạc do amip: viêm giác mạc do ký sinh trùng nhỏ acanthamoeba đôi khi sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. Giải pháp là sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, nhưng cũng có một vài trường hợp bị kháng thuốc. Nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng thuốc, bạn cần được tiến hành ghép giác mạc.
Bên cạnh đó, bác sĩ nhãn khoa cũng có thể kê toa thuốc nhỏ mắt steroid (trừ trường hợp viêm giác mạc do nấm) sau khi tình trạng nhiễm trùng đã được cải thiện hoặc đã khỏi. Thuốc này giúp giảm sưng và ngăn ngừa sẹo. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa vì đôi khi thuốc khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Điều trị bằng phẫu thuật
Nếu viêm giác mạc không đáp ứng với thuốc hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho giác mạc (sẹo giác mạc) làm suy giảm đáng kể thị lực, bác sĩ có thể đề nghị ghép giác mạc. Đây là phương pháp thay thế giác mạc bị hỏng bằng giác mạc của người hiến tặng khỏe mạnh và phù hợp.