Nhận biết sớm ung thư máu qua những dấu hiệu sau
Ung thư máu đã và đang là nỗi ám ảnh của nhiều người vì tốc độ tiến triển nhanh chóng và tính chất nguy hiểm của bệnh. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc.
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu còn được gọi là ung thư huyết học. Là loại ung thư ác tính, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ em cho tới người lớn tuổi.
Căn bệnh này bắt đầu từ tủy xương – mô xốp bên trong xương và là nơi sản xuất máu. Ung thư máu xảy ra khi các tế bào máu bất thường bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát, làm gián đoạn chức năng của các tế bào máu bình thường. Cơ thể chúng ta có 3 loại tế bào máu là:
- Các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng như một phần của hệ thống miễn dịch
- Các tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô và cơ quan của cơ thể và mang carbon dioxide đến phổi để bạn có thể thở ra.
- Tiểu cầu giúp đông máu khi cơ thể bị thương.
Bệnh ung thư máu sẽ khiến cho khả năng chống lại nhiễm trùng và sản xuất các tế bào máu mới suy giảm làm ảnh hưởng đến sức khỏe trầm trọng.
Có 3 loại ung thư máu phổ biến:
Bệnh bạch cầu (Leukemia): Tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Trong bệnh bạch cầu, các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành nhân lên với số lượng lớn, chúng hoạt động kém và gây mất cân bằng trong hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, do số lượng nhân lên rất lớn nên chúng lấn át các hồng cầu dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu.
U lympho (Lymphoma): là một bệnh ung thư ảnh hưởng đến tế bào lympho – một loại bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng. Những tế bào này sẽ lưu thông khắp cơ thể thông qua hệ bạch huyết để thực hiện chức năng miễn dịch. U lympho là tình trạng các tế bào lympho gia tăng bất thường về số lượng, chúng tạo thành các khối u làm suy yếu khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến chức năng của tủy xương, hệ bạch huyết và lách.
Multiple Myeloma (bệnh đa u tủy xương): là bệnh lý gây ảnh hưởng đến các tế bào plasma – một loại bạch cầu tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Trong bệnh Myeloma, tế bào plasma ung thư trong tủy xương nhân lên với số lượng lớn bất thường, lấn át các tế bào khỏe mạnh làm suy yếu khả năng miễn dịch cũng như khả năng tạo tế bào máu của tủy xương.
Nguyên nhân của ung thư máu
Ung thư máu do đột biến trong DNA của tế bào máu. Hiện nay chưa có một kết luận chính xác nào về nguyên nhân gây nên bệnh ung thư máu. Tuy nhiên qua các cuộc nghiên cứu trực tiếp ở những người bệnh ung thư, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
Nhiễm phóng xạ
Việc nhiễm một lượng lớn các chất phóng xạ trong một khoảng thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư trong đó có bệnh ung thư máu.Đây là các tác nhân có khả năng gây tổn thương và đột biến gen mạnh.
Khói thuốc lá
Thói quen hút thuốc lá được coi là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư máu.Các thành phần trong khói thuốc lá rất độc hại đối với cơ thể, có hơn 40 tạp chất có thể gây ung thư trong khói thuốc, trong đó các hợp chất có vòng thơm như benzopyrene có khả năng gây ung thư mạnh
Nhiễm hóa chất
Các loại hóa chất, đặc biệt là benzene đều có thể là nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh ung thư máu nếu như phải thường xuyên tiếp xúc với chúng.
Bệnh nhân từng điều trị ung thư
Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi điều trị thành công một căn bệnh ung thư nào đó sau một thời gian họ lại mắc bệnh ung thư máu. Nguyên nhân là do những hóa
chất được sử dụng trong điều trị ung thư có khả năng gây ra bệnh máu trắng. Tuy nhiên những trường hợp mắc bệnh sau hóa trị, xạ trị ung thư có tỉ lệ rất ít.
Dị tật bẩm sinh
Nhiều chương trình nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ em bị bệnh down bẩm sinh có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những trẻ em khác.
Độ tuổi
Ung thư máu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh sau tuổi 40-60 là cao hơn, điều này có thể do các yếu tố như tích lũy độc tố trong cơ thể, sai sót trong gen tăng theo thời gian.
Giới tính
Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Chủng tộc
Yếu tố chủng tộc có liên quan đến gen và khả năng đột biến gen. So với người da trắng, người da đen có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn.
Tiền sử gia đình
Nếu trong gia đình đã từng có thành viên mắc ung thư máu thì các thành viên khác trong gia đình cũng có nguy cơ bị ung thư máu cao hơn những đối tượng khác.
Một số bệnh lý
Nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm gan, xơ gan,…cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây ra ung thư máu.
Triệu chứng của ung thư máu
Cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi, da dẻ xanh xao: biểu hiện này là do số lượng hồng cầu trong máu suy giảm gây thiếu máu, vì vậy cơ thể luôn trong tình trạng suy nhược, yếu ớt không có sức sống.
Bầm tím, xuất huyết dưới da: tiểu cầu suy giảm kéo theo đó là hiện tượng bầm tím xuất hiện trên da hoặc chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, tràn máu các màng. Nguy hiểm nhất là xuất huyết não.
Đau xương: triệu chứng chính của bệnh ung thư máu đó là đau xương. Cơn đau thường xảy ra tại những vị trí như đau lưng, đau khớp chân,…
Nhức đầu: hồng cầu bị thiếu hụt khiến não không được cung cấp đủ oxy nên bệnh nhân thường xuyên gặp phải tình trạng nhức đầu.
Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn: hạch nổi lên và sưng to dưới da nhưng ít gây đau cho bệnh nhân.
Đau bụng: triệu chứng này xuất hiện khi các tế bào ung thư di căn tới những hạch ở ổ bụng, khi đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện chán ăn và đau bụng thường xuyên.
Sốt cao: hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư máu thường bị suy giảm nghiêm trọng nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng gây nên hiện tượng sốt cao.
Sụt cân bất thường: các tế bào ung thư sử dụng nhiều năng lượng và dưỡng chất của cơ thể để thực hiện quá trình nhân lên với số lượng lớn bất thường khiến bệnh nhân ung thư sụt cân rất nhanh.
Đổ mồ hôi về đêm: đổ nhiều mồ hôi, đột ngột vào ban đêm có thể khiến bạn thức giấc.
Phòng ngừa bệnh ung thư máu
Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của các bệnh ung thư máu do đó việc phòng ngừa bệnh là rất khó và không có phương pháp cụ thể. Nhưng bạn có thể ngăn ngừa ung thư máu bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với bức xạ, hóa chất như thuốc trừ sâu: nếu nghề nghiệp bắt buộc phải làm việc trong môi trường độc hại thì cần có bảo hộ lao động.
- Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức.
- Xây dựng lối sống lành mạnh.
- Ăn uống đủ chất.
- Luyện tập thể thao thường xuyên: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tập thể dục đều đặn đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư. ACS khuyến cáo nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất năm ngày mỗi tuần. Tập thể dục có nhiều hình thức, bao gồm cả đi bộ nhanh, chạy bộ, tập thể lực hoặc bơi lội.
- Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.