Nhận biết và xử trí tiêu chảy cấp mùa nắng nóng
Mùa hè thời tiết trở nên nóng bức hơn. Đây là môi trường vô cùng thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra bệnh. Bệnh tiêu chảy thường bùng phát mạnh vào mùa hè, gây mệt mỏi và mất nước, hoặc thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Tìm hiểu ngay để bảo vệ sức khỏe bạn nhé!
Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy là gì? Biểu hiện của bệnh
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, có nước xảy ra nhiều lần trong ngày. Khi tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng, trong phân sẽ kèm theo chất nhầy, thực phẩm không tiêu hóa hết, thậm chí là đi tiêu ra máu, sốt, sụt cân.
Các nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy
Tiêu chảy không phải do các bệnh lý đã có từ trước. Mà thường là do các tác nhân bên ngoài, chế độ ăn uống và điều kiện vệ sinh kém.
Đặc biệt, khí hậu nóng ẩm vào mùa hè tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây tiêu chảy dễ bùng phát và xâm nhập qua đường thức ăn, đồ uống và gây bệnh.
Tác nhân gây bệnh tiêu chảy
Ngộ độc thực phẩm
Khi ăn phải các loại thức ăn có các chất độc hại hay bị ôi thiu, khi người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất nước, nhiễm trùng huyết thậm chí tử vong.
Vệ sinh kém
Điều kiện vệ sinh kém sẽ dẫn đến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi gây tiêu chảy nhiễm trùng. Vì vậy, mỗi người cần chú ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Mất cân bằng vi sinh đường ruột
Uống thuốc kháng sinh vô tình diệt hết vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, tăng nhu động ruột và dẫn đến tiêu chảy.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất của bệnh tiêu chảy là đi ngoài nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày), phân không đóng khuôn và kèm nhiều nước. Ngoài ra, tình trạng cũng xuất hiện với nhiều triệu chứng đi kèm khác, cụ thể như sau:
- Đầy bụng, sôi bụng.
- Đi ngoài liên tục, nhiều lần, ban đầu phân lỏng sau toàn là nước.
- Nôn thức ăn, kèm dịch trong hoặc màu vàng nhạt.
- Người luôn trong tình trạng mệt lả.
- Chuột rút.
Cách xử lý
Bù điện giải: Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ có tình trạng mất nước và cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, người bệnh cần được bổ sung điện giải cho cơ thể. Cho người bệnh uống thật nhiều nước lọc và nước trái cây. Có thể bổ sung nước uống có kèm điện giải. Lưu ý, chia đều thời gian uống cho bệnh nhân trong ngày.
Lưu ý chế độ dinh dưỡng: Cơ thể người bệnh trở nên mệt mỏi, cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Đặc biệt tránh xa những thức ăn có dầu mỡ, cay nóng.
Bổ sung men vi sinh: Bổ sung các loại men có lợi cho đường ruột để giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột. Các loại men này thường có trong sữa chua và các loại thực phẩm khác.
Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy
Tiêu chảy có thể lây lan, nguy hiểm sức khỏe. Nhưng chúng ta vẫn có thể phòng ngừa tiêu chảy ngay từ đầu. Một vài biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để phòng ngừa bệnh tiêu chảy:
Tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường
Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống. Điều kiện vệ sinh kém cũng làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm trùng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đồ dùng cá nhân cơ thể, vứt rác đảm bảo đúng nơi quy định để tránh vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Ăn chín, uống sôi và không uống nước lã. Không để thực phẩm sống chung với thực phẩm chín tránh nhiễm khuẩn thức ăn. Không sử dụng những thức ăn, thực phẩm sống, chưa được chế biến như cá sống, tiết canh. Mua thức ăn, thực phẩm có nguồn gốc, không sử dụng thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và đảm bảo quản thức ăn đúng cách.
Bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch
Nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt cho gia đình phải đảm bảo rằng đây là nguồn nước sạch. Không sử dụng nước ao, hồ, sông suối hay nước mưa. Nước ăn uống, rửa bát đĩa và đồ đựng thực phẩm phải rửa bằng nước sạch đã được khử trùng bằng Clo. Cấm đổ những chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối.
Nguồn tham khảo: Ths. BS Nguyễn Hiền Minh
Bạn có thể xem thêm:
- Trầm cảm là gì và những điều cần biết
- Gan nhiễm mỡ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
- Bổ sung lợi khuẩn LiveSpo COLON hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng