Những con đường lây bệnh giang mai
Bệnh giang mai là một trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục đáng sợ nhất, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nếu không được chăm sóc y tế kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin nên phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh .Bệnh giang mai có khả năng lây nhiễm rất nhanh nên việc trang bị kiến thức về bệnh lý này sẽ giúp mỗi người trong chúng ta chủ động phòng ngừa hoặc có biện pháp xử trí bệnh kịp thời, tránh được sự lây lan hay biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan về bệnh giang mai
Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương
Đặc biệt, xoắn khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai, nhất là từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, do loại xoắn khuẩn này xâm nhập vào thai nhi qua dây rốn.
Do cấu tạo giải phẫu của bộ phận sinh dục mà người phụ nữ dễ bị lây nhiễm bệnh giang mai hơn nam giới. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý và sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Nữ giới dễ bị lây nhiễm bệnh giang mai hơn nam giới
Nguyên nhân gây bệnh giang mai là gì?
Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn giang mai có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn. Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ở nhiệt độ phòng từ 20 đến 30 độ C, xoắn khuẩn sẽ chết. Trong nước đá, nó vẫn giữ được tính di động rất lâu, ở nhiệt độ 45 độ C nó sẽ bị chết sau 30 phút. Các chất sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn này trong vài phút.
Xoắn khuẩn giang mai có trong máu, dịch âm đạo của phụ nữ, nam giới và lây truyền thông qua đường tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn. Các chuyên gia cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể nhiễm xoắn khuẩn giang mai, song do cấu tạo sinh dục dạng mở nên tỷ lệ ở mắc giang mai ở phụ nữ cao gấp ba lần so với nam giới, nhiễm trùng ở nữ cũng không có triệu chứng nên người nhiễm không ý thức mình đã mắc bệnh.
Xoắn khuẩn Treponema pallidum – tác nhân gây ra bệnh giang mai
Giang mai lây qua những đường nào?
Xoắn khuẩn giang mai thường có nhiều trong các tổn thương (săng, mảng niêm mạc, hạch…), bệnh rất dễ lây lan qua đường tình dục không an toàn. Các chuyên gia khẳng định, giang mai có thể lây nhiễm qua các đường sau:
- Quan hệ tình dục: Có đến trên 95% người mắc giang mai là do lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn với người mắc bệnh giang mai. Da và niêm mạc trên cơ quan sinh dục của người bệnh thường có rất nhiều tổn thương, xoắn khuẩn giang mai có trong các vết loét tổn thương sẽ tiếp xúc với người lành và gây bệnh.
- Viêm nhiễm gián tiếp: Tuy là trường hợp hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp nhiễm giang mai gián tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do người lành tiếp xúc trực tiếp với những vật dụng có chứa xoắn khuẩn giang mai mà người bệnh đã sử dụng như: dao cạo, khăn tắm, khăn mặt, đồ lót…
- Đường máu: Lây nhiễm qua đường máu do truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm là cách truyền bệnh nhanh nhất và nguy hiểm nhất. Nếu lây nhiễm qua đường máu, người bị nhiễm sẽ không mang các biểu hiện giai đoạn đầu mà trực tiếp có các triệu chứng ở giai đoạn 2 của bệnh giang mai.
- Nhiễm trùng nhau thai: Giang mai có thể truyền nhiễm từ mẹ sang thai nhi thông qua nhau thai trong 4 tháng đầu thai kỳ, gây nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu.
- Nhiễm trùng đường sinh: Trẻ sơ sinh có thể nhiễm giang mai từ mẹ khi chui qua đường sinh nở tự nhiên.
Các con đường lây truyền bệnh giang mai
Triệu chứng bệnh giang mai
Dấu hiệu biểu hiện của bệnh giang mai rất rõ ràng, thể hiện qua 3 thời kỳ như sau:
Thời kỳ đầu
- Đây là giai đoạn ủ bệnh, thường sẽ kéo dài trong khoảng 3 tuần. sau đó khi qua thời gian này, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của săng và hạch.
- Săng giang mai có biểu hiện như một vết trợt trên da, nông, hình tròn hoặc bầu dục, không có gờ nổi lên cao, kích thước tấm 5mm đến 20mm, giới hạn rõ và đều đặn, đặc biệt có đáy màu đỏ như thịt tươi, nền cứng, không đau.
- Săng giang mai thường gặp nhất ở vị trí niêm mạc sinh dục. Ở nữ thường gặp ở môi lớn, môi nhỏ, mép âm hộ. Ở nam giới thường hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, dương vật, bìu…
- Ngoài ra, giang mai có thể gặp ở những vị trí khác như miệng, môi, lưỡi… Khi có hạch thì sẽ xuất hiện sau có săng từ 5 đến 6 ngày. Hạch thường xuất hiện ở bẹn, sưng to, thành từng chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
Thời kỳ giữa
- Đây là giai đoạn 45 ngày sau khi xuất hiện săng giang mai và có thể kéo dài thời gian từ 2 đến 3 năm.
- Giai đoạn này sẽ xuất hiện những tổn thương về da và niêm mạc nhưng khi lành thì thường không để lại sẹo. Xoắn khuẩn giang mai sẽ rất dễ gây nhiễm trùng huyết với những triệu chứng như nóng sốt và nổi hạch.
- Ngoài ra, sẽ có một số biểu hiện khác như: Có rải rác những nốt dát đỏ hồng ở thân mình, sẩn giang mai phì đại ở hậu môn sinh dục, viêm hạch lan tỏa và rụng tóc.
Thời kỳ cuối
- Thời kỳ này xuất hiện thường từ 5, 10 hoặc 15 năm sau khi có săng giang mai với những triệu chứng như săng thương sâu, gôm ở da, xương, phần nội tạng, tim mạch và thậm chí là ở thần kinh.
- Trong giai đoạn này, người bệnh có ít khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và làm tổ khu trú vào phủ tạng, không còn ở ngoài da và niêm mạc nữa.
Lưu ý: Giữa các thời kỳ, bệnh có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. đó còn được gọi là giang mai kín và được phát hiện ra chỉ nhờ vào xét nghiệm cận lâm sàng.
Triệu chứng của bệnh giang mai qua các giai đoạn
Cách phòng ngừa bệnh giang mai
Giang mai có thể được phát hiện và điều trị hiệu quả bằng các loại kháng sinh đặc hiệu để ức chế sự phát triển của xoắn khuẩn Treponema pallidum. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa có vắc xin nên phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Bạn có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân thủ những lời khuyên sau đây:
- Không quan hệ tình dục bừa bãi. Chung thủy một vợ một chồng.
- Sử dụng bao cao su để làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt chú ý che chắn các vùng bị tổn thương.
- Tránh dùng thuốc kích thích, rượu bia để giữ khả năng phán đoán đúng, tránh các hành vi tình dục không an toàn.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác để tránh vi khuẩn còn bám lại trên bề mặt và lây qua các vết thương hở.
- Nếu phát hiện có bệnh giang mai trước khi sinh con, người mẹ cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm cho bé.
- Tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc khám theo lời dặn của bác sĩ
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách xây dựng thực đơn cân bằng, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng.
- Dù đã được điều trị giang mai, nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm, nên tuân thủ liệu trình và thực hiện các biện pháp phòng bệnh do bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo.
Quan hệ tình dục an toàn và chung thủy một vợ một chồng để phòng ngừa giang mai
Kết luận
Chăm sóc sức khỏe sinh dục là một phần quan trọng để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh. Bệnh giang mai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy luôn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như sử dụng bao cao su, duy trì một mối quan hệ chung thủy và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn của bác sĩ.