Những Điều Bạn Cần Biết Về Nội Soi Dạ Dày
Khi cơ thể có những dấu hiệu bất ổn về hệ tiêu hóa nói chung, nội soi dạ dày là cách để kiểm tra bên trong dạ dày, giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng của người bệnh.
Thế nào là nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày chính là phương pháp xét nghiệm ống tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng bằng cách đưa một ống soi mềm nhỏ qua đường miệng. Ống nội soi nhỏ có gắn đèn chiếu sáng, camera thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình. Vì điều khiển được ống soi đi sâu vào ống tiêu hóa nên bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet bên trong hệ tiêu hóa người bệnh.
Trường hợp nên tiến hành nội soi dạ dày
Chẩn đoán bệnh lý về hệ tiêu hóa: Khi bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu, khó nuốt, đau bụng… Trong quá trình nội soi dạ dày, nếu cần thiết bác sĩ sẽ tiến hành làm thêm các xét nghiệm như: Làm Clo-test để chẩn đoán nhiễm khuẩn H.Pylori (HP): Lấy một mẫu mô nhỏ nơi viêm hoặc loét cho vào một lọ đựng thuốc thử Clo-test, sau đó quan sát sự đổi màu. Nếu thuốc thử chuyển sang màu hồng, chứng tỏ dạ dày nhiễm vi khuẩn HP, khi đó kết quả Clo-test cho ra dương tính (+). Sinh thiết: Bác sĩ tiến hành lấy một mảnh mô nhỏ và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có sư tồn tại của tế bào ung thư hay không. Điều trị: Bằng những dụng cụ chuyên biệt luồn qua ống nội soi, bác sĩ có thể điều trị các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như: xuất huyết đường tiêu hóa, lấy dị vật trong đường tiêu hóa, cắt pô-lýp hoặc nong thực quản.
Chi phí nội soi
Nội soi dạ dày bao nhiêu tiền? Nhìn chung xét nghiệm này không đắt đỏ, tùy theo mỗi phòng khám hay bệnh viện mà giá có thể có sự chênh lệch. Nội soi dạ dày chia ra làm 2 loại là nội soi không gây mê và nội soi gây mê, thông thường chi phí nội soi nằm trong trong khoảng: Nội soi không gây mê (nội soi thường): 200.000 – 250.000đ. Nội soi gây mê: 1.000.000 – 1.200.000đ.
Lưu ý trước khi nội soi
Để quá trình xét nghiệm nhanh chóng và chính xác, trước khi đến bệnh viện thực hiện nội soi dạ dày, bệnh nhân cần phải: – Nhịn ăn 6 giờ trước đó. – Không uống các loại đồ uống có gas, có cồn, nước uống có màu (kể cả sữa). Chỉ nên uống nước lọc với lượng vừa đủ. – Cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn nhạy cảm với một số dụng cụ trong quá trình nội soi dạ dày (như thuốc gây mê, băng dính, cao su, v.v). – Bệnh nhân cần có người khác đi cùng, không nên tự chạy xe một mình về sau khi nội soi dạ dày. Đối với nội soi dạ dày có gây mê, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức sau khi kết thúc nội soi. Lúc này người thân cần chú ý đến tình trạng bệnh nhân, nếu bất thường gì cần thông báo ngay với bác sĩ.