Những điều cần biết về bệnh viêm gan siêu vi
Viêm gan siêu vi là bệnh viêm của gan do siêu vi (hay còn gọi là virus) gây nên. Các siêu vi gây bệnh thường gặp là siêu vi A, B, C, D và siêu vi E. Viêm gan siêu vi có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan. Hãy cùng tìm hiểu về viêm gan siêu vi qua bài viết này.
Bệnh viêm gan siêu vi là gì?
Viêm gan là một dạng tổn thương của gan có thể gây ra bởi nhiều yếu tố trong đó nhiều nhất là viêm gan siêu vi. Các loại siêu vi này xâm nhập vào tế bào gan gây tổn thương chủ yếu là viêm và hủy hoại tế bào gan. Các loại viêm gan do siêu vi thường gặp là viêm gan A (ký hiệu là HAV), B (HBV), C (HCV), D (HDV), E (HEV) và G (HGV) Ngoài ra, gan còn có thể bị viêm do các loại siêu vi khác như Adenovirus, Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Herpes simplex virus, virus Dengue.
Viêm gan siêu vi
Triệu chứng
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn: Thời kỳ ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát, giai đoạn thoái lưu và hồi phục
- Thời kỳ ủ bệnh: Tùy từng virus mà thời gian ủ bệnh khác nhau. Ví dụ viêm gan A có thời gian ủ bệnh là từ 1 đến 6 tuần, của viêm gan B , C là từ 1 đến 6 tháng, viêm gan D. E ngắn hơn từ 1 đến 3 tháng.
- Thời kỳ khởi phát: Bệnh có thể khởi phát đột ngột hoặc âm thầm với các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, khớp, triệu chứng của đường hô hấp trên (chảy mũi, viêm hầu họng…), rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc ỉa chảy). Đau âm ỉ, liên tục vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị kèm theo sốt (Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh có bụng ngoại khoa). Sốt có thể cao nhưng thường không quá 39,5 độ, khi sốt bắt đầu giảm là lúc giai đoạn toàn phát bắt đầu.
- Giai đoạn toàn phát:
- Bệnh nhân nhẹ và vừa khi bước vào giai đoạn này sẽ cảm thấy ăn tốt, khỏe lên. Còn bệnh nhân nặng sẽ tiến triển bệnh nặng dần lên: mệt mỏi, chán ăn, phân bạc màu gan to lách có thể to. Do lắng đọng bilirubin trong da nên bệnh nhân ngứa nhiều.
- Xét nghiệm thấy AST, ALT tăng cao, bilirubin máu toàn phần tăng, tăng chủ yếu là bilirubin trực tiếp. Thời gian Prothrombin kéo dài. Bạch cầu đa nhân có thể bình thường hoặc giảm, tăng cao khi bệnh nhân có bội nhiễm.
- Giai đoạn thoái lui và hồi phục: Thường bắt đầu khi bệnh nhân có cơn đa niệu, các triệu chứng lâm sàng giảm dần.
Nguyên nhân
- Bệnh viêm gan siêu vi A và E: lây truyền theo đường tiêu hóa do dùng nước uống, thực phẩm bị nhiễm siêu vi hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người đã mắc mầm bệnh.
- Bệnh viêm gan siêu vi B, C và D: lây truyền qua đường máu (như truyền máu, dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, cây nặn mụn, kềm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng…), đường tình dục và đường từ mẹ truyền sang con.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh đường lây truyền cũng khác nhau
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị viêm gan siêu vi:
- Người có người thân bị viêm gan
- Người có tình dục không an toàn
- Sử dụng chung bơm kim tiêm
- Người có thực hiện thủ thuật xuyên qua da
- Người truyền máu từ 2 tuần – 6 tháng trước khi có triệu chứng của bệnh.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm gan siêu vi ban đầu sẽ dựa trên những triệu chứng và biểu hiện mà bệnh nhân cung cấp cho bác sĩ, sau đó sẽ được làm các xét nghiệm cụ thể để có kết quả chính xác nhất.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán virus viêm gan siêu vi thường có 3 loại xét nghiệm:
- Chất liệu di truyền của virus: Nhằm tìm ra các kháng thể được sản xuất ở bạch cầu, do cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh và virus. Một số loại xét nghiệm kháng thể virus như: Anti-HAV, kháng thể kháng nhân của HBV, kháng thể chống HBVe…
- Men gan: Xét nghiệm men gan trong máu là loại xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán viêm gan. Khi gan bị tổn thương, các men gan này sẽ bị phát tán vào máu khiến nồng độ men gan trong máu tăng cao. Người bị viêm gan siêu vi cấp thường có nồng độ men gan trong máu tăng rất cao. Đối với người bị viêm gan siêu vi mạn nồng độ men gan chỉ tăng nhẹ, nhưng kéo dài trong thời gian khá lâu.
- Kháng thể virus viêm gan và protein: Bao gồm kháng nguyên bề mặt HBV, DNA của HBV, RNA của HCV và kháng nguyên e của HBV.
Một số bệnh khác thường có triệu chứng giống viêm gan siêu vi cấp. Chính vì vậy để loại trừ nguyên nhân gây bệnh khác, các bác sĩ có thể tiến hành thêm một số xét nghiệm khác và siêu âm ổ bụng.
Phòng ngừa bệnh
- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Vắc xin phòng viêm gan siêu vi A, tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn đủ 2 mũi cách nhau 6 tháng. Vắc xin phòng viêm gan B, tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi; Với trẻ em và người trưởng thành chưa bị nhiễm có thể dùng lịch tiêm 3 mũi.
- Phòng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con: phòng trong lúc bà mẹ đang mang thai và sau sinh. Trong lúc mang thai nếu bà mẹ có lượng siêu vi B trong máu cao sẽ được uống thuốc kháng virus từ 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh trẻ được tiêm đồng thời vắc xin viêm gan B và chất kháng siêu vi B trong vòng 12 giờ sau sinh, sau đó, tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Các biện pháp phòng bệnh khác:
- Phòng ngừa viêm gan siêu vi A và E bằng cách ăn thức ăn đã nấu chín, rửa kỹ rau, uống nước đã đun sôi để nguội, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn.
- Phòng ngừa viêm gan B, C và D: sàng lọc máu, không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân (như dao cạo râu, cây nặn mụn, kềm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng…), dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Điều trị viêm gan siêu vi
- Viêm gan siêu vi cấp: chủ yếu điều trị triệu chứng như nghỉ ngơi, kiêng rượu bia, hạn chế ăn chất béo, tránh dùng thuốc gây tổn thương gan như thuốc giảm đau paracetamol, có thể dùng thuốc trợ gan điều trị.
- Viêm gan siêu vi mạn: dùng thuốc kháng siêu vi (siêu vi B, C và D).
Trên đây là những chia sẻ về viêm gan siêu vi. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.