Những điều chị em cần biết về Ung thư Vú
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh rất cao, thậm chí có thể khỏi hẳn và không tái phát. Qua bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu: Ung thư vú là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa ung thư vú.
Ung thư vú là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào vú. Thông thường, ung thư hình thành trong các tiểu thùy hoặc các ống tuyến của vú. Ung thư cũng có thể xảy ra trong mô mỡ hoặc mô liên kết dạng sợi trong vú.
Các tế bào ung thư thường xâm lấn các mô vú khỏe mạnh và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay. Các hạch bạch huyết là một con đường chính giúp các tế bào ung thư di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư vú ở nữ giới
Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống. Một số yếu tố nguy cơ tồn tại làm tăng tỷ lệ ung thư vú của nữ giới bao gồm:
- Phụ nữ lớn tuổi (trên 50 tuổi), phụ nữ chưa có con hoặc sinh con sau 30 tuổi cũng có khả năng cao.
- Do di truyền, nếu trong nhà có mẹ hoặc chị mắc bệnh trước thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ các cặp gen kết hợp lại với nhau gây ra ung thư vú cao hơn.
- Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
- Một số nghiên cứu cho hay phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có đến 70% phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn so với những người không hút.
- Phụ nữ có mô vú dày, điều trị xạ trị ở ngực trước tuổi 30, người béo phì.
- Hormone thay thế trị liệu (HRT; estrogen cộng với progesterone) làm tăng nguy cơ ung thư vú nhẹ sau 5 năm điều trị.
- Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ một chút nếu được sử dụng trong nhiều năm.
Dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú
Biểu hiện của ung thư vú
Bệnh ung thư vú có thể phát hiện sớm bằng cách tự kiểm tra vú, các dấu hiệu ung thư vú sớm bao gồm:
- Nổi hạch ở nách hoặc hạch cổ: Nổi hạch ở nách là một trong những dấu hiệu cần cảnh giác ung thư vú. Bởi hạch có chức năng như hệ miễn dịch của cơ thể nên xuất hiện hạch sưng to là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có vấn đề.
Một số nguyên nhân khiến hạch sưng to là viêm nhiễm trùng hoặc do ung thư. Hầu hết, những người bị ung thư vú đều xuất hiện hạch ở nách. Nguyên nhân là vì nách là vị trí mà phần lớn hạch bạch huyết tuyến vú dẫn lưu đến. Vì vậy, sưng hạch ở nách là dấu hiệu sớm cảnh báo có thể mắc ung thư vú.
Tương tự, hạch ở cổ có thể gặp trong nhiều trường hợp như cảm cúm, nhiễm khuẩn thông thường. Tuy nhiên nếu hạch ở vùng cổ sưng kéo dài trên một tuần mà không rõ nguyên nhân thì không nên chủ quan có thể là dấu hiệu bệnh ung thư vú.
- Sờ thấy có khối trong vú: Kiểm tra bằng cách nằm ngửa và sờ, nắn vùng vú có thể phát hiện thấy khối nhỏ. Khối u này có mật độ cứng chắc, giới hạn không rõ, ít di động và không đau… rất có thể là cảnh báo ung thư vú. Tuy nhiên, cũng có thể khối u lành tính ví dụ như nang tuyến vú lành tính, bướu sợi tuyến vú… vì vậy, để phát hiện chính xác cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán.
- Núm vú thay đổi: Vị trí hay gặp của khối u vú là xuất hiện bên dưới núm vú, khi có khối u vú núm vú thay đổi trở nên xẹp hơn, thụt vào trong, da ở núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy hay viêm.
- Ngực đỏ và sưng: Thường xuyên có cảm giác ngực nóng, hay đỏ có khi có màu tím và sưng đau.
- Chảy dịch ở đầu vú: Chảy dịch đầu vú do ung thư vú có thể là máu, dịch nhầy hoặc dạng nước, làm kính phết dịch chảy này và nội soi ống tuyến sữa là phương pháp chủ yếu để chẩn.
- Nhận thấy thay đổi hình dạng và kích thước vú: Dấu hiệu này bạn có thể tự quan sát tại nhà, thấy sự thay đổi kích thước và hình dạng vú, so sánh 2 bên. Nhất là ở những người có nhiều tuyến vú thường thấy vú chảy xệ và thay đổi hình dáng.
Phòng ngừa ung thư vú
Các biện pháp phòng ngừa ung thư vú
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh. Chị em nên thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn nhiều rau củ quả: Những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 – 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
- Giảm một số chất béo: Những thực phẩm chứa nhiều chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì tế để phòng ngừa bệnh này, chị em cần tránh các thực phẩm giàu chất béo.
- Hạn chế đồ uống có cồn: Việc tiêu thụ nhiều thức uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú vì lượng cồn tăng cao sẽ tăng kích thích sản xuất estrogen, tạo thuận lợi cho sự phân chia tế bào. Do đó chúng ta cần hạn chế rượu bia, đồ uống có ga.
- Bỏ thuốc lá: Những phụ nữ hút thuốc làm tăng 30% nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt hút trước tuổi 20 và ít nhất 20 điếu mỗi ngày. Để phòng ngừa ung thư vú, chị em cần tránh hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động.
- Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
- Duy trì lối sống lành mạnh: hãy luôn thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên. Bạn nên bỏ hút thuốc và hạn chế dùng thức uống có cồn.
- Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả vì nó làm giảm nguy cơ béo phì của cơ thể.
- Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.
Kết Luận
Phòng ngừa ung thư vú là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống tích cực, bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Hãy luôn nhớ kiểm tra sức khỏe định kỳ và không ngần ngại tìm đến các chuyên gia y tế khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.