Nổi mề đay có nguy hiểm không?
Mề đay là căn bệnh thường gặp. Các triệu chứng thông thường ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người mắc bệnh, trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mày đay, khiến bệnh hay tái phát gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm sinh lý của bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh nổi mề đay qua bài viết sau.
Mề đay là gì?
Mề đay là tình trạng da phát ban, biểu hiện đặc trưng với các nốt sần và ngứa. Các nốt sần có kích thước và hình dạng khác nhau: hình tròn, hình bầu dục, hình khuyên (hình vòng); kích thước thay đổi từ dạng chấm vài ly đến mảng to hơn 10cm. Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến, với khoảng 10% – 20% dân số thế giới mắc bệnh. Phần lớn, các trường hợp mắc mề đay đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần, chỉ có 5% trường hợp bệnh kéo dài hay tái đi tái lại.
Khi người bệnh nổi mề đay nhưng không được điều trị sẽ đối diện nguy cơ phù mao mạch dị ứng: sưng phù mặt, mi mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng (các mô lỏng); nguy hiểm nhất là sưng họng gây bít tắt đường thở và dẫn đến tử vong trong vòng 4 phút nếu không cấp cứu kịp để giải phóng đường thở.
Hình ảnh bệnh nhân bị nổi mề đay
Các giai đoạn nổi mề đay
- Mề đay cấp tính
Tình trạng phát ban kéo dài dưới 6 tuần. Bệnh xuất hiện đột ngột, các nốt sần có thể tập trung ở một số vùng da hoặc lan rộng toàn thân. 10% trường hợp mề đay cấp tính gây phù mạch (tình trạng sưng sâu bên trong da ở niêm mạc da khiến da chuyển sang màu đỏ và căng phồng) gây ngứa, đau. Nếu được điều trị đúng cách, phù mạch sẽ được cải thiện sau 72 giờ.
Nói chung người bệnh mề đay cấp tính, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ sớm cải thiện. Thế nhưng, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị, để tình trạng tổn thương kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
- Mề đay mạn tính
Tình trạng tổn thương da kéo dài hơn 6 tuần, đặc trưng với biểu hiện phát ban, nổi sẩn ngứa có màu hồng, đỏ hay trắng nhạt trên da. Người bệnh bị ngứa, nóng rát, khó chịu. Mề đay mạn tính ngoài gây tổn thương trên da còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, bệnh mề đay mạn tính lại kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục làm thay đổi màu sắc da (mề đay sắc tố), ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giấc ngủ, ngoại hình khiến người bệnh tự ti giao tiếp.
Mề đay mãn tính gây ngứa, khó chịu
Mề đay mãn tính thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị. Bệnh dù không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng: chàm hóa, tăng sắc tố da (sạm da) và làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh dị ứng khác. Ngoài ra, mề đay mạn tính có thể ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và tiêu hóa dẫn đến khó thở, đau nhức cơ, nôn mửa, tiêu chảy.
Nổi mề đay có nguy hiểm không?
Mề đay là bệnh lý ngoài da, đặc trưng bởi các nốt ngứa trên da. Các triệu chứng của mề đay thường nhẹ, đa phần các trường hợp đều không nguy hiểm và các nốt sần sẽ tự hết hoặc biến mất nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách.
Mề đay là biểu hiện ngoài da lành tính, chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ít khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, mề đay có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây tím tái, khó thở, sốt cao, nôn mửa, tụt huyết áp, phù Quincke, thậm chí có thể đe dọa tính mạng…
Khó thở do biến chứng sốc phản vệ khi nổi mề đay
Một số biến chứng có thể xuất hiện do nổi mề đay là:
- Tổn thương, nhiễm trùng da gây bội nhiễm.
- Ngứa da thường xuyên khiến người bệnh bị ảnh hưởng tới sức khỏe, mất ngủ, từ đó có thể dẫn tới stress, lo lắng, suy nhược cơ thể.
- Nếu hiện tượng dị ứng xảy ra ở cả khu vực niêm mạc họng, phổi hay dạ dày, người bệnh dễ bị khó thở, nôn hoặc buồn nôn, thậm chí sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc phản vệ. Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần xử lý cấp cứu nếu không dễ gây suy hô hấp, hạ huyết áp, trụy tim mạch.
Trẻ bị sốt do nổi mề đay
Nhìn chung, những trường hợp bị mề đay cấp có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế hoặc có thể biến mất nhanh chóng sau khi dùng thuốc. Trong khi đó, điều trị mề đay mãn tính thường cần phải phối hợp với điều chỉnh lối sống và thuốc để đạt được hiệu quả tối ưu.
Chẩn đoán và phòng tránh mề đay
Chẩn đoán lâm sàng
Thương tổn cơ bản: Là các sẩn phù có kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Sẩn phù nổi cao trên mặt da, có màu nhợt nhạt hoặc đỏ hơn các vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn phù thay đổi nhanh, xuất hiện nhanh và cũng mất đi nhanh.
Phân bố vết mề đay có thể khu trú hoặc lan rộng toàn thân.
Ở các khu vực tổ chức lỏng lẻo như môi, mí mắt, bộ phận sinh dục ngoài,… các ban đỏ và sẩn phù xuất hiện đột ngột sẽ làm sưng to cả vùng, gọi là phù mạch hay phù Quincke. Nếu phù mạch xuất hiện ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây các triệu chứng nặng như khó thở nặng, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ.
Triệu chứng cơ năng: Đa số các trường hợp nổi mày đay đều gây ngứa, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích hoặc rát bỏng.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Có một số xét nghiệm được áp dụng để chẩn đoán nguyên nhân dẫn tới mày đay:
Công thức máu: Xác định số lượng bạch cầu đa nhân ái toan, nếu số lượng bạch cầu này tăng gợi ý bệnh dị ứng do ký sinh trùng, số lượng bạch cầu giảm gợi ý mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Thử nghiệm lẩy da (prick test): với dị nguyên nghi ngờ như phấn hoa, mạt bụi nhà,…
Phòng tránh mề đay
Nổi mề đay có nhiều nguyên nhân phức tạp và khó loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống, chỉ khi tìm ra nguyên nhân và loại bỏ hoàn toàn mới có thể phòng ngừa bệnh triệt để. Để phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Người có cơ địa nhạy cảm nên hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh, cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da lành tính như: xà bông tắm, phấn rôm, sữa tắm, kem dưỡng da,…
Tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh có thể gây tình trạng nổi mề đay
- Người bị nổi mề đay do lạnh cần giữ ấm cơ thể, dùng khăn và áo kín khi thời tiết chuyển mùa lạnh. Ngoài ra, cũng cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với tác nhân có thể gây dị ứng nổi mề đay như: bụi bẩn, phấn hoa, côn trùng,…
- Tránh mặc quần áo quá chật, làm từ chất liệu dễ gây kích ứng da như: da lộn, bố, len,… chà xát trực tiếp lên da.
- Giữ vệ sinh cơ thể tốt, dùng đồ bảo hộ như quần áo dài, găng tay, ủng,… khi di chuyển đến vùng ẩm ướt, có nhiều côn trùng.
- Hạn chế sinh hoạt trong môi trường có độ ẩm thấp như dùng máy lạnh, điều hòa,… khiến da bị khô và dễ bị kích ứng hơn.
- Ăn nhiều thực phẩm giải nhiệt cơ thể như: nước ép trái cây, củ cải, mướp đắng, bí đao, đậu phụ,…
- Ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya và giữ tinh thần thoải mái.
Uống nước ép trái cây giải nhiệt cho cơ thể, phòng ngừa nổi mề đay
Kết Luận
Bệnh nổi mề đay là một vấn đề da liễu phổ biến và thường không nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về bệnh, các giai đoạn và biện pháp phòng tránh là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích giúp bạn đọc có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Hãy luôn theo dõi và lắng nghe cơ thể mình, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần thiết để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.