Các dạng suy tim phổ biến triệu chứng - phương pháp điều trị
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chứng năng của tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Suy tim có thể được phân thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng tăng dần.
Các dạng suy tim và triệu chứng của từng dạng
Suy tim có thể được phân loại theo vị trí của buồng tim. Ngoài ra suy tim cũng được phân loại theo chức năng sinh lý
Suy tim trái
Bệnh nhân suy tim trái có triệu chứng của sung huyết phổi như mệt, khó thở khi gắng sức hay khi nằm đầu thấp, ho khan, ho ra máu,…
Suy tim phải
Bệnh nhân suy tim phải có triệu chứng ứ máu ở ngoại biên như phù chân, gan to, báng bụng, tĩnh mạch cổ nổi,..
Suy tim toàn bộ
Có triệu chứng của cả 2 loại suy tim kể trên.
Suy tim cấp
Suy tim cấp gây khó thở nhiều, phù phổi cấp hoặc sốc tim. Triệu chứng diễn ra cấp tính, người bệnh phải nhập viện cấp cứu để được điều trị kịp thời, nếu chậm trễ có thể nguy hiểm tính mạng.
Suy tim mạn
Triệu chứng suy tim mạn xảy ra từ từ hoặc bệnh nhân có tiền sử suy tim cấp, hiện giờ tình trạng suy tim đã cải thiện và ổn định.
Suy tim tâm thu (hay suy tim phân suất tống máu giảm)
Tim có chức năng co bóp, bơm máu ra động mạch chủ và các nhánh để nuôi các cơ quan trong cơ thể. Khả năng co bóp của tim còn được gọi là phân suất tống máu, được đánh giá qua siêu âm hoặc thông tim. Phân suất tống máu bình thường > 55%. Khi chức năng co bóp tim giảm, phân suất tống máu còn ≤ 40% thì gọi là suy tim phân suất tống máu giảm.
Suy tim tâm trương (hay suy tim phân suất tống máu bảo tồn)
Ngoài chức năng co bóp bơm máu, tim còn có chức năng hút máu từ tĩnh mạch về tim. Khi tim dãn ra trong thời kỳ tâm trương (thời gian nghỉ) cùng với áp lực âm trong lồng ngực máu từ tĩnh mạch sẽ đổ về tim để bắt đầu chu kỳ co bóp mới. Khi cơ tim dày lên hoặc cứng lên, không còn dãn nở tốt để chứa máu thì sẽ gây rối loạn chức năng tâm trương.
Người bệnh có triệu chứng điển hình của bệnh (mệt, khó thở, phù chân), trên siêu âm phân suất tống máu bảo tồn > 50%, tâm thất trái dày, có rối loạn chức năng tâm trương kèm tăng chất chỉ điểm của suy tim trong máu (BNP hay NT-ProBNP) thì được chẩn đoán là suy tim tâm trương.
Cách phân biệt các dạng bệnh suy tim
Theo thời gian
Theo thời gian, suy tim có thể phân thành 2 loại: Suy tim cấp và suy tim mạn.
- Suy tim cấp: Là loại suy tim phát triển đột ngột và các triệu chứng ban đầu nghiêm trọng. Suy tim cấp tính có thể xảy ra sau một cơn đau tim, gây tổn thương một vùng tim. Nếu bị suy tim cấp, ban đầu có thể nặng nhưng đa số chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và cải thiện nhanh chóng. Điều trị suy tim cấp thường phải sử dụng các thuốc đường tĩnh mạch.
- Suy tim mạn: Loại suy tim rất phổ biến. Các triệu chứng xuất hiện từ từ theo thời gian và ngày một nặng hơn.
Theo cấu trúc tim
Theo cấu trúc tim, có thể chia thành 2 loại suy tim là suy tim trái và suy tim phải.
- Suy tim trái
Có nghĩa là sức mạnh của tâm thất trái bị suy giảm; do đó, thất trái phải làm việc nhiều hơn mới có thể bơm cùng một lượng máu giống một trái tim khỏe mạnh.
Có hai loại suy tim trái:
Suy tâm thu: Buồng bên trái thiếu lực để đẩy đủ máu vào động mạch chủ để đi nuôi cơ thể.
Suy tâm trương: Buồng bên trái không thể thư giãn bình thường vì cơ trở nên cứng hơn và do đó tâm thất không được đổ đầy máu trước khi bơm đi.
- Suy tim phải
Tâm thất phải bị tổn thương. Điều này có thể là do chấn thương cơ, chẳng hạn như một cơn đau tim khu trú ở tâm thất phải, tổn thương các van ở phía bên phải của tim hoặc áp lực trong phổi tăng cao.
Tuy nhiên, suy tim thường ảnh hưởng đến cả hai bên của tim và khi đó gọi là suy tim toàn bộ
Lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý cho từng dạng bệnh suy tim
Các phương pháp điều trị suy tim tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Song song với điều chỉnh lối sống lành mạnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị suy tim bao gồm:
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân suy tim bao gồm:
- Thuốc ARNI hoặc ức chế men chuyển (ACE): Giúp tim bơm máu tốt hơn, giúp giãn mạch máu đưa máu lưu thông khắp cơ thể, kiểm soát huyết áp.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Được dùng để thay thế trong trường hợp người bệnh không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển (ACE).
- Thuốc chẹn beta: Giảm khối lượng công việc cho tim, kiểm soát huyết áp, giảm triệu chứng đau thắt ngực, phòng ngừa đột tử, kéo dài đời sống.
- Thuốc lợi tiểu: Khi có tình trạng sung huyết trong cơ thể như phù, trướng bụng, gan to, ran ứ đọng ở phổi, thuốc lợi tiểu sẽ giúp bệnh nhân dễ thở và hỗ trợ hạ huyết áp.
- Thuốc đối kháng Aldosterone: Giảm sợi hóa cơ tim, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
- Thuốc ức chế thụ thể SGLT-2: Là nhóm thuốc mới được chỉ định trong điều trị suy tim gần đây, giúp giảm tỷ lệ nhập viện vì suy tim và kéo dài thời gian sống.
- Thuốc tăng co bóp cơ tim: Dùng cho bệnh nhân suy tim nặng, giảm cung lượng tim trầm trọng, không đáp ứng với thuốc uống, bằng cách truyền tĩnh mạch.
- Digoxin (Lanoxin): Có tác dụng giúp tăng sức mạnh co bóp của cơ tim, được dùng ở bệnh nhân suy tim có kèm rung nhĩ.
- Một số loại thuốc khác có thể sử dụng kết hợp tùy theo tình trạng của người bệnh như: nitrate, statin, thuốc làm loãng máu,…
Tuy nhiên, việc lựa chọn loại thuốc cụ thể và liều lượng phù hợp phải dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và chỉ nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
Can thiệp hoặc phẫu thuật
Bệnh nhân suy tim được điều trị bằng phẫu thuật trong trường hợp suy tim do các nguyên nhân như bệnh van tim, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp.
Một số phương pháp điều trị suy tim bằng dụng cụ bao gồm:
- Máy khử rung tim tự động (ICD): Sử dụng các xung điện để phá cơn loạn nhịp nhanh, phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất.
- Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): Giúp 2 tâm thất co bóp đồng bộ và có hiệu quả hơn. Bệnh nhân được áp dụng liệu pháp này thường có cải thiện sức khỏe tích cực, cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được trong một số trường hợp cụ thể.
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs): Được cấy ghép vào trong ngực, có tác dụng thay thế hoạt động bơm của tim khi không thể bơm được. Thiết bị này có thể được sử dụng để điều trị lâu dài hoặc chờ đợi cho đến khi người bệnh được ghép tim.
- Ghép tim: Nếu suy tim đe dọa đến tính mạng người bệnh và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bệnh nhân cần được ghép tim để cải thiện sự sống còn.
Bệnh nhân suy tim thường phải sử dụng nhiều thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau, nhằm cải thiện triệu chứng suy tim, các bệnh lý đi kèm và phòng ngừa biến chứng. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị, uống thuốc đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
Suy tim là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của bệnh nhân. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đúng đắn về các dạng suy tim và cách phân biệt chúng, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe của mình. Hãy nhớ rằng, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để kiểm soát suy tim.