Phân biệt ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ như thế nào?
Ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ là những bệnh lý có các triệu chứng tương tự nhau như nhau. Hiện nay, có khá nhiều người vẫn còn bị nhầm lẫn giữa các bệnh lý này. Vậy điểm khác biệt giữa ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu về ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng – phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi; do tăng sinh tế bào vảy lót ở vòm họng. Bệnh hay gặp ở nam giới, tỷ lệ gấp hai đến ba lần ở nữ. Tuổi mắc bệnh thường khá trẻ, thậm chí có đến 10% trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng giai đoạn sớm thường nghèo nàn, dễ bỏ qua vì hay bị nhầm với các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Các triệu chứng lúc đầu thường xuất hiện ở một bên hay một vị trí, sau đó tăng dần. Các triệu chứng có thể gặp:
- Hạch cổ: vị trí hay gặp là hạch cổ vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở 1 hay 2 bên cổ.
- Các triệu chứng tai: thường biểu hiện 1 bên như nghe kém, ù tai hoặc hiếm gặp hơn là đau tai hay chảy dịch ở tai.
- Các triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi một hoặc 2 bên hoặc chảy máu mũi dai dẳng điều trị nội khoa không cải thiện.
- Các triệu chứng thần kinh: nhìn đôi và lác trong, đau nửa mặt hoặc đau họng, đau đầu hoặc đau nửa đầu khi u xâm lấn nội sọ.
- Các triệu chứng mắt: xâm lấn ổ mắt hiếm gặp, chủ yếu gặp lồi mắt hoặc liệt vận nhãn.
Triệu chứng qua các giai đoạn ung thư vòm họng
Viêm amidan có mủ
Viêm amidan cấp mủ (hay có mủ) là tình trạng vi khuẩn gây viêm nhiễm lâu ngày, hình thành các hốc mủ trong amidan. Đây là một thể của viêm amidan mạn tính.
Ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ khác nhau như thế nào?
Phân biệt ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ
Có những dấu hiệu “na ná” giống nhau, nhưng triệu chứng của ung thư vòm họng được đánh giá là phức tạp và nghiêm trọng hơn viêm amidan cấp mủ rất nhiều, bao phủ hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
Nội dung | Viêm amidan cấp mủ | Ung thư vòm họng |
Nguyên nhân gây bệnh | Viêm amidan có mủ là hệ quả của viêm amidan mãn tính do virus, vi khuẩn gây ra. | Ung thư vòm họng có thể do virus Epstein-Barr hoặc yếu tố môi trường ô nhiễm, lối sống không lành mạnh, gen di truyền,… |
Biểu hiện | – Đau rát cổ họng, họng vướng – Xuất hiện ổ mủ – Hơi thở có mùi – Có đờm – Nhai nuốt khó, nuốt đau – Cơ thể mệt mỏi, suy nhược – Sụt cân – Sốt cao, có thể trên 40 độ – Hàm sưng – Tiết nhiều nước bọt – Đau lan tới tai | – Cơn đau đầu từ âm ỉ tới dữ dội – Ù tai, nghe kém – Ngạt mũi liên tục – Chảy mủ, chảy máu mũi – Hàm sưng, nổi hạch góc hàm – Liệt dây thần kinh sọ – Mệt mỏi, suy nhược – Nước bọt nhiều, có máu – Thính lực suy giảm – Nhiễm trùng tai |
Hướng điều trị | – Điều trị đơn giản tại nhà – Sử dụng thuốc – Phẫu thuật cắt amidan | Tùy vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ chỉ định phác đồ phù hợp: – Xạ trị – Hóa trị – Phẫu thuật |
Cách phòng ngừa ung thư vòm họng
Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng sống thêm 5 năm đạt 80-90%. Tuy nhiên, 90-97% người bệnh ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khối u di căn, tổn thương nặng nề. Vì vậy, mọi người dân cần biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách:
- Khám sức khỏe định kỳ, làm tầm soát ung thư: ung thư ngày càng trẻ hóa nên độ tuổi tầm soát một số loại ung thư cũng sớm hơn trước đây. Người bệnh cần thăm khám nội soi tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần. Gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư cần khám sức khỏe định kỳ để điều trị sớm nếu không may mắc bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh Ung thư vòm họng
- Hạn chế ăn uống các thực phẩm lên men như rượu bia, cá muối, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamine vì Nitrosamine là một chất gây ung thư được tạo ra trong quá trình chế biến, lên men hoặc bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ chất đạm-protein. Vì vậy, tiếp xúc hoặc tiêu thụ lượng lớn nitrosamine có thể tăng nguy cơ mắc ung thư vòm mũi họng.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 2-3 lần mỗi tuần giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, duy trì cân nặng phù hợp, tinh thần thoải mái.
- Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho bạn biết cách phân biệt ung thư vòm họng và viêm amidan có mủ. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được phát hiện và điều trị kịp thời.