Phân loại ung thư vú: Hiểu rõ để điều trị hiệu quả!
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở một phụ nữ bình thường có thể lên đến 13%. Vậy, ung thư vú có chữa được không? Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.
1. Ung thư vú là gì?
Tế bào gây ung thư vú
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể.
Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc bệnh này.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào trên tích tụ tạo thành một khối u có thể lây lan đến mô lân cận hoặc những bộ phận khác của cơ thể.
Ước tính có khoảng 5–10% ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gene và mang tính di truyền. Những yếu tố di truyền được xác định gồm gene 1 (BRCA1) và gene 2 (BRCA2) là tác nhân gây ung thư.
Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư vú, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và xác định xem bạn có các gene kể trên hay không.
2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú là gì?
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới có thể do các yếu tố sau:
- Tuổi tác: càng lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh càng cao.
- Tiền sử gia đình: nếu mẹ, con gái hoặc chị gái bạn bị ung thư vú, khả năng mắc bệnh sẽ lớn hơn.
- Đột biến gene di truyền BRCA1 và BRCA2.
- Uống thức uống có cồn.
- Đã từng xạ trị vùng ngực để điều trị một bệnh khác khi còn trẻ.
- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trước 12 tuổi, mãn kinh muộn sau 55 tuổi.
- Sinh con lần đầu khi lớn tuổi, sau tuổi 35 hoặc chưa bao giờ sinh con.
- Dùng các loại hormone kết hợp như estrogen và progestin để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
- Béo phì.
- Tiền sử ung thư vú hoặc tăng sinh biểu mô tuyến vú không điển hình trước đó.
3. Triệu chứng
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng nách
- Xuất hiện khối u cứng ở vú
- Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng
- Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện vết nhăn nhúm hoặc đóng vảy
- Núm vú tiết dịch, đặc biệt khi tiết dịch máu núm vú
- Co rút núm vú
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu ung thư vú, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vú. Thông thường, ung thư vú không gây đau. Vì vậy, bạn cần thường xuyên tự kiểm tra vú và đi khám tầm soát định kỳ để có thể phát hiện ung thư vú khi ở giai đoạn sớm nhất.
Phát hiện sớm ung thư vú có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh và điều trị hiệu quả hơn.
Một số dấu hiệu nhận biết ung thư vú
4. Giai đoạn của ung thư vú và lựa chọn điều trị
Ung thư vú có 5 giai đoạn, tùy từng giai đoạn mà bệnh có những lựa chọn điều trị như phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp hormone hoặc kết hợp.
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Bệnh do sự tăng trưởng không kiểm soát của khối u phát triển trong và xung quanh mô vú. Ung thư này thường có 5 giai đoạn:
Ung thư vú có 5 giai đoạn
Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô ống tại chỗ hoặc bệnh Paget vú. Đây là giai đoạn tiền ung thư, không xâm lấn. Những tế bào này bất thường (khối u nguyên phát) xuất hiện nhưng chúng chưa phải là ung thư và chưa xâm lấn bất kỳ các mô, cơ quan xung quanh vú hay bất kỳ bộ phận nào của vú.
Giai đoạn 1 là khi tế bào bất thường (khối u) đã bắt đầu phát triển sang các mô vú xung quanh, không lan vào các hạch bạch huyết (giai đoạn 1A) hoặc chỉ lan rất ít vào các hạch bạch huyết (giai đoạn 1B).
Giai đoạn 2 thường cho thấy khối u nguyên phát đã lớn hơn hoặc tế bào ung thư đã lan đến nhiều hạch bạch huyết hơn.
Giai đoạn 3 thường được gọi là ung thư vú xâm lấn. Ung thư đã lan rộng hơn giai đoạn 2 nhưng chưa di căn ra ngoài các mô và cơ quan gần vú. Lúc này, bệnh cũng gồm ung thư vú dạng viêm, thường dẫn đến da vú đỏ, nóng khi chạm vào hoặc sưng lên và có thể lan đến các hạch bạch huyết trên da.
Giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư vú di căn, tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan ở các bộ phận khác của cơ thể. Những cơ quan này có thể gồm phổi, da, xương, gan hoặc não.
5. Lựa chọn phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị thường dựa trên giai đoạn của ung thư vú. Tỷ lệ sống sót của ung thư vú sau 5 năm lên tới 90%, sau 10 năm là 84% nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Giai đoạn 0: Khối u của ung thư giai đoạn 0 thường nhỏ, chưa xâm lấn nên có thể điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ khối u và liệu pháp hormone để đảm bảo ung thư không phát triển.
Giai đoạn 1: Bệnh ở giai đoạn này thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ khối u, có thể dùng phương pháp xạ trị để điều trị khu vực có khối u. Liệu pháp hormone và hóa trị có thể giúp giảm nguy cơ ung thư quay trở lại. Các hạch bạch huyết cũng sẽ được sinh thiết hoặc mổ xẻ để phát hiện ung thư. Các liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được sử dụng cho bệnh ung thư vú dương tính với HER2 giai đoạn 1.
Liệu pháp nhắm mục tiêu là một loại thuốc điều trị ung thư đã được phát triển đặc biệt chính xác. Thuốc nhắm mục tiêu cụ thể vào các tế bào có thụ thể bị đột biến hoặc nhắm vào thụ thể có cơ chế chính phát triển ung thư. Điều này dẫn đến kết quả điều trị tốt và phản ứng tích cực với thuốc.
Giai đoạn 2: Các lựa chọn điều trị ung thư vú giai đoạn 2 gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị ở vú hoặc thành ngực. Trường hợp cắt bỏ vú thì có thể không cần xạ trị. Ở giai đoạn này, hóa trị có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật và thường được khuyến cáo để giảm nguy cơ tái phát.
Các hạch bạch huyết sẽ được loại bỏ và sinh thiết, những hạch khác có thể cần được điều trị bằng bức xạ. Bạn cũng có thể được điều trị bằng hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp miễn dịch tùy thuộc vào đặc điểm của bệnh ung thư.
Giai đoạn 3: Điều trị ung thư vú giai đoạn này thường kết hợp phẫu thuật và hóa xạ trị. Hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật (cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ vú) và xạ trị sau phẫu thuật để điều trị thành ngực và các hạch bạch huyết. Trong quá trình phẫu thuật, các hạch bạch huyết cũng có thể được loại bỏ. Liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp hormone cũng có thể được sử dụng tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của loại bệnh ung thư vú
Giai đoạn 4: Phương pháp điều trị có thể gồm liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu, hóa xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc phẫu thuật. Đây là giai đoạn rất khó điều trị khi tế bào ung thư đã lây lan sang các bộ phận khác.Các lựa chọn điều trị giai đoạn 4 chỉ nhằm mục đích giảm bớt triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Kết Luận
Ung thư vú không chỉ là mối đe dọa sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại và việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hãy luôn chú trọng đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn. Điều này không chỉ giúp bạn phòng ngừa ung thư vú mà còn nâng cao sức khỏe toàn diện.