Làm thế nào để phòng chống bệnh viêm phế quản?
Viêm phế quản là một bệnh thường gặp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. Bệnh học về viêm phế quản đã được nghiên cứu khá đầy đủ và những hướng dẫn điều trị đưa ra đã phần nào giúp Bác sĩ và bệnh nhân giảm bớt gánh nặng bệnh lý và kinh tế nói chung.
Phân loại viêm phế quản
Viêm phế quản có thể được chia thành 2 loại dựa trên mức độ của bệnh:
- Viêm phế quản cấp tính (Acute Bronchitis) là tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc phế quản mà tác nhân gây bệnh có thể là virus, vi khuẩn, nấm, khí độc,… Bệnh kéo dài trong thời gian ngắn, có thể vài tuần, thường lành tính, có thể khỏi và phục hồi chức năng hô hấp và không để lại di chứng.
- Viêm phế quản mạn tính (Chronic Bronchitis) là một bệnh hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng sản xuất quá mức chất nhầy phế quản, gây ho và khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và diễn ra trong 2 năm liên tiếp, đã loại trừ các nguyên nhân do lao phổi, ung thư phổi hoặc suy tim mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có nhiều thể lâm sàng và những đợt tiến triển cấp do bội nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, … nên việc dự phòng các đợt cấp rất quan trọng, đặc biệt ở bệnh nhân có suy hô hấp nặng.
Dựa vào phân loại viêm phế quản sẽ có những cách điều trị viêm phế quản ở người lớn, trẻ em khác nhau. Việc điều trị phải đi kèm với thay đổi lối sống, áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các cách phòng chống viêm phế quản
Các biện pháp sau kết hợp với việc tuân thủ theo chỉ dẫn của Bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị viêm phế tại nhà một cách hiệu quả, giảm tần suất phải nhập viện hơn:
Thay Đổi Lối Sống và Dinh Dưỡng
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và ngực.
- Hạn chế tiếp xúc với khí lạnh đột ngột và gió lùa.
Tập Luyện và Môi Trường Sống
- Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức đề kháng và chức năng hô hấp.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh tiếp xúc với khói bụi và chất ô nhiễm.
- Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Vệ Sinh Cá Nhân
- Thực hiện vệ sinh răng miệng hàng ngày.
- Tiêm phòng vaccine đúng lịch, bao gồm cúm và phế cầu.
Các bước tập thở cơ hoành
Kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm
Bước 1: Nằm có gối đầu trên bề mặt phẳng, hai chân hơi co (Có thể sử dụng gối để dưới đỡ hai chân).
Bước 2: Tay phải đặt lên ngực, tay trái đặt lên bụng dưới bờ sườn để cảm nhận sự di chuyển lên xuống của cơ hoành khi hít thở.
Bước 3: Hít vào từ từ bằng mũi sao cho phần bụng phình lên, tay phải không bị di chuyển.
Bước 4: Thở ra thật chậm bằng miệng bằng kỹ thuật thở mím môi sao cho bụng từ từ xẹp xuống.
Bước 5: Lặp lại các bước 2 – bước 4.
Kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế ngồi
Bước 1: Ngồi ngay ngắn và thoải mái trên mặt phẳng.
Bước 2: Tay phải đặt lên ngực, tay trái đặt lên bụng dưới bờ sườn để cảm nhận sự di chuyển lên xuống của cơ hoành khi hít thở.
Bước 3: Hít vào từ từ bằng mũi sao cho phần bụng phình lên, tay phải không bị di chuyển.
Bước 4: Thở ra thật chậm bằng miệng bằng kỹ thuật thở mím môi sao cho bụng từ từ xẹp xuống.
Bước 5: Lặp lại các bước 2 – bước 4.
Lưu ý: Nên tập thở 3 – 4 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 – 10 phút, khi đã quen dần thì có thể tập thời gian lâu hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.