Các biện pháp giúp phòng ngừa biến chứng tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường (Đái tháo đường) là một bệnh chuyển hóa có tỉ lệ mắc cao. Tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc với khoảng 90% là tiểu đường tuýp 2. Hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với các tác động chủ yếu đến tim mạch, thần kinh và thận. Do đó việc phòng ngừa biến chứng tiểu đường tuýp 2 là rất quan trọng.
Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormon insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra.
Tiểu đường tuýp 1 (trước đây còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin) xảy ra khi có sự phá hủy tế bào beta của đảo tụy (tế bào tiết insulin), gây ra sự thiếu hụt insulin và phải sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Trong khi đó, tiểu đường tuýp 2 xảy ra do các tế bào trong cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả (còn gọi là đề kháng insulin). Bệnh có thể kiểm soát bằng cách điều chỉnh lối sống thông qua ăn uống, tập luyện và dùng thuốc đúng cách.
Các nguyên nhân tiểu đường tuýp 2 gồm:
Thừa cân hoặc béo phì: Lượng chất béo và calo quá nhiều có thể khiến cơ thể khó sử dụng insulin đúng cách. Nhưng không phải ai thừa cân cũng mắc bệnh tiểu đường type 2. Người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường.
Di truyền: Cũng như bệnh tiểu đường tuýp 1, tiền sử gia đình và gen cũng đóng vai trò gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2: Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường hoặc đã từng bị tiểu đường thai kỳ.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, it hoạt động thể chất.
Tuổi tác: tuổi càng cao nguy cơ mắc và biến chứng tiểu đường càng lớn
Mắc các bệnh chuyển hóa khác như: Huyết áp cao; Rối loạn lipid máu
Biến chứng của tiểu đường tuýp 2
Đặc điểm các biến chứng tiểu đường tuýp 2 là gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh nên gần như ngay khi phát hiện bệnh trên lâm sàng, người bệnh đã xuất hiện các biến chứng kèm theo.
Bản chất của bệnh tiểu đường là rối loạn chuyển hóa gluxit nhưng nó kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa khác như chuyển hóa lipit, protit. Lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường.
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân có thể bị tàn tật và đối mặt với những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng. Các biến chứng chủ yếu tác động đến mạch máu bao gồm mạch máu nhỏ, mạch máu lớn hoặc cả hai.
Biến chứng trên mạch máu nhỏ:
Ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau như:
– Biến chứng thần kinh:
Đường huyết cao gây tổn thương thần kinh ngoại biên và các mạch máu nhỏ gây tê bì, châm chích chân tay, mất cảm giác khi vật nhọn đâm vào…
– Biến chứng trên mắt:
Bệnh võng mạc do tiểu đường: có thể dẫn tới giảm thị lực hay mù hoàn toàn. Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý mắt khác như đục thủy tinh thể và glaucom.
– Biến chứng thận:
Tiểu đường có thể gây tổn thương những hệ thống lọc cầu thận, cuối cùng có thể dẫn tới suy thận hay bệnh thận giai đoạn cuối không thể phục hồi được, khi đó cần phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
– Biến chứng chân:
Bệnh gây tổn thương thần kinh ở chân và giảm tưới máu chân làm tăng nguy cơ của nhiều biến chứng trên bàn chân. Nếu không được điều trị đúng, các vết thương hay nốt phồng sẽ bị nhiễm trùng, ở mức độ trầm trọng có thể phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hay cả chân.
– Tổn thương ở da và miệng:
Da dễ bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm hơn; các vết thương cũng lâu lành.
– Các biến chứng khác có thể xuất hiện như: Loãng xương; Bệnh Alzheimer; Giảm thính lực,…
Biến chứng trên mạch máu lớn:
Tác động đến các mạch máu lớn có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như:
– Đau thắt ngực/ Nhồi máu cơ tim
– Thiếu máu thoáng qua/ Đột quỵ
– Bệnh động mạch ngoại biên
Các bệnh trên mạch máu này luôn có tương quan đến nhau nên hầu hết ở những người mắc tiểu đường sẽ có kèm theo tăng huyết áp hay rối loạn lipit máu và nguy cơ cao mắc các bệnh kể trên.
Biện pháp phòng ngừa tiểu đường tuýp 2
Tuy nguyên nhân có thể do di truyền hoặc tự phát nhưng thừa cân/béo phì là một yếu tố nguy cơ cao: chỉ số vòng bụng > 90cm đối với nam, > 80 cm đối với nữ, cũng sẽ tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tiểu đường. Do đó việc ăn uống, tập luyện, kiểm soát cân nặng tốt cũng giúp phòng ngừa tiểu đường tuýp 2 một cách hiệu quả.
– Chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất; không ăn nhiều vào bữa tối…
– Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.
– Theo dõi để điều chỉnh cân nặng: có thể dựa vào chỉ số BMI (Trọng lượng cơ thể /(chiều cao)²) để xác định cân nặng lý tưởng đối với từng người.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Phòng, chống bệnh tiểu đường từ sớm giúp hạn chế tỷ lệ mắc cũng như tỉ lệ các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.