Phù nề chân cảnh báo điều gì?
Phù chân là một triệu chứng xuất hiện phổ biến nhưng không thể xem nhẹ dấu hiệu này. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như tim, thận, suy giãn tĩnh mạch,…
Phù nề ở chân là gì?
Phù nề chân là tình trạng chân bị sưng to hơn so với bình thường, gây ra khó chịu cho người bệnh như nặng nề khi di chuyển, đau tức ở chân, …Phù nề có thể ở gặp ở nhiều vị trí như : mu bàn chân, mắt cá chân, bắp chân, đùi hoặc toàn bộ chân.Da chân sẽ căng hơn, nhạt màu hơn, khi ấn tay vào vùng bị sưng sẽ thấy bị lõm xuống.
Nguyên nhân bị phù nề chân
Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra phù nề chân. Dưới đây là các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng phù nề hay gặp:
- Phù do suy giãn tĩnh mạch: Do máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ trệ, không trở về tim như tuần hoàn máu bình thường. Trường hợp nhẹ, người bệnh thấy dễ mỏi chân, phù nhẹ khi làm việc phải đứng lâu hoặc ngồi trong thời gian dài, cảm giác như kiến bò. Nếu người bệnh không điều trị sớm, áp lực lên các tĩnh mạch càng lớn, đau tức chân nặng hơn, phù mắt cá chân, mu bàn chân hay bắp chân và không mất đi kể cả khi ở trạng thái nghỉ ngơi.
- Phù ở phụ nữ có thai: Thường gặp ở những tháng cuối của thai kỳ do trọng lượng cơ thể tăng lên làm tăng áp lực lên đôi chân. Đồng thời, sự lưu thông máu và thay đổi nội tiết cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Phù do bệnh lý về thận: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, … do khả năng lọc của thận giảm. Mức độ phù tăng dần, mắt cá chân, mu bàn chân, cẳng chân rồi đến toàn thân.
- Phù do bệnh lý về tim: Trong trường hợp suy tim, chức năng bơm máu hoạt động kém, máu bị ứ đọng tại các tĩnh mạch khiến cho áp lực tác động lên thành mạch máu cao lên, kéo dịch ra ngoài dẫn đến tình trạng phù.
- Phù do chấn thương: các va đập trong sinh hoạt hằng ngày hoặc trong các tai nạn kể cả nhẹ hay nặng đều có thể gây phù.
Khi nào cần đi bác sĩ?
Ngay khi phù chân cùng các biểu hiện cho thấy tình trạng nguy hiểm dưới đây người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời:
- Đau ngực
- Khó thở
- Khó thở khi gắng sức hoặc nằm thẳng trên giường
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Ho ra máu
Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu chân phù:
- Xảy ra đột ngột và không có lý do rõ ràng.
- Có liên quan đến chấn thương thể chất, chẳng hạn như do ngã, chấn thương khi chơi thể thao hoặc tai nạn xe hơi.
- Xảy ra ở một chân và gây đau, hoặc kèm theo da nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt.
Trong các trường hợp phù do ngồi lâu, phù do đến kỳ kinh… có thể tự hết mà không cần điều trị gì, tuy nhiên khi không chắn về nguyên nhân khiến chân bị phù, các chuyên gia khuyên rằng nên đến gặp bác sĩ để được trợ giúp.
Phù chân có thể tự hết nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh. Chúng ta nên chủ động có những biện pháp thay đổi lối sống để tránh phù chân. Ngay khi không chắc chắn về nguyên nhân khiến chân bị phù hãy liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.