Quản lý cân nặng trong quá trình lập kế hoạch mang thai
Thừa cân, béo phì trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do đó, để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần duy trì cân nặng vừa phải, có thể qua nhiều hình thức như tập thể dục hoặc ăn kiêng. Những thông tin dưới đây có thể giúp bạn tìm hiểu hơn về cân nặng khi mang thai, cách quản lý cân nặng khi mang thai, cùng tìm hiểu nhé.
Kế hoạch mang thai là gì?
Sức khỏe và thể trạng của người mẹ trước khi mang thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do vậy có một số vấn đề cần được xem xét và chuẩn bị trước khi mang thai. Bạn nên thực hiện các bước sau để tăng cơ hội có được một thai kỳ khỏe mạnh:
- Điều chỉnh tốt cân nặng, lối sống và chế độ ăn
- Bổ sung vitamin
- Ổn định các bệnh lý mạn tính
- Khám phụ khoa và tiêm vắc-xin trước mang thai
- Ngưng sử dụng thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động và thuốc lá điện tử), rượu bia và chất kích thích.
Cần lập kế hoạch trước khi mang thai
Cân nặng ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch mang thai?
Bạn có thể dễ thụ thai hơn nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý. Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc cao đều khiến bạn trở nên khó mang thai hơn.
Bạn nên đạt được cân nặng chuẩn trước khi mang thai (BMI bình thường trong khoảng từ 18,5-23).
Thừa cân, béo phì trước khi mang thai có liên quan với một số biến chứng nặng cho thai kỳ và trẻ sơ sinh như: tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, đái tháo đường thai kỳ, thai to, chấn thương khi sinh, mổ lấy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh đặc biệt là các khiếm khuyết ống thần kinh. Nếu bạn quá gầy cũng có thể đưa đến nguy cơ thai nhi có cân nặng thấp và sinh non.
Béo phì trước khi mang thai
Cách quản lý cân nặng trong quá trình lập kế hoạch mang thai
Trong bảng kế hoạch trước khi chuẩn bị sinh con, mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng giữ cân nặng vừa phải để có sức khỏe tốt. Quá gầy hay tăng cân nhiều đều khiến cho việc mang thai gặp trở ngại.
Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất là cách tốt nhất để cung cấp cho cơ thể thai phụ các chất dinh dưỡng lành mạnh cần thiết để hỗ trợ thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, chủ dinh dưỡng thôi vẫn chưa đủ để có một thai kỳ hoàn hảo.
Thai phụ cần bổ sung vitamin, acid folic, canxi, sắt… hàng ngày trước khi mang thai 3 tháng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc này hỗ trợ sự phát triển thích hợp của thai nhi, giúp phòng tránh dị tật ống thần kinh (dị tật bẩm sinh ở não và cột sống) cho thai nhi.
Tăng bao nhiêu ký trong thai kỳ là hợp lý?
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, do tình trạng thai nghén, nhiều bà bầu ít tăng cân hoặc không tăng cân, nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng đến 2 kg.
Trong khi đó, với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ:
- Đối với phụ nữ có mức cân nặng bình thường trước khi có thai: Sự tăng cân khi mang thai hợp lý nên duy trì 0,4 kg/tuần.
- Đối với phụ nữ có cân nặng thấp hơn: Mức độ tăng cân cần duy trì 0,5 kg/tuần.
- Đối với phụ nữ đã thừa cân trước đó: Mức tăng cân nên hạn chế, còn khoảng 0,3 kg/tuần.
Trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng trong khoảng từ 1 – 2 kg, tam cá nguyệt thứ hai tăng 4 – 5kg, tam cá nguyệt cuối tăng 5 – 6 kg.
Mức tăng cân hợp lý khi mang thai phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của từng bà bầu khác nhau, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người mẹ nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn. Nhìn chung, mức tăng cân hợp lý cho thai phụ là:
- Khoảng 11,3 – 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình trước khi mang thai.
- Khoảng 12,7 – 18,3 kg với thai phụ ít cân trước khi mang thai.
- Khoảng 7 – 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai
- Khoảng 16 – 20,5 kg trong trường hợp thai phụ mang song thai.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên các bạn đang lập kế hoạch mang thai có thể tham khảo và chuẩn bị một thai kỳ thật khỏe mạnh.