Rạn da tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và giải pháp điều trị hiệu quả
Rạn da tuổi dậy thì là tình trạng khá phổ biến ở cả nam và nữ giới trong giai đoạn phát triển cơ thể. Mặc dù không gây hại cho sức khỏe tuy nhiên rạn da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khiến nhiều bạn cảm thấy tự ti. Vậy tại sao lại có rạn da ở tuổi dậy thì, dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị như thế nào? Pharmacity sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết sau.
Rạn da tuổi dậy thì là gì?
Rạn da tuổi dậy thì là một trong những vấn đề thường gặp. Theo thống kê, khoảng 70% các bạn trẻ gặp phải tình trạng rạn da khi dậy thì, trong đó phần lớn là nữ giới.
Trong giai đoạn nhạy cảm này, một lượng hormon steroid được sản sinh dư thừa của cơ thể là một trong những yếu tố tác động làm phát sinh những vết rạn. Dù tình trạng này không nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên các vết rạn này lại không có tính thẩm mỹ, do đó mà khiến nhiều bạn trẻ tự ti với làn da của cơ thể.
Tại sao bị rạn da tuổi dậy thì?
Nguyên nhân bị rạn da tuổi dậy thì có thể kể đến như sau:
- Khi bé gái hoặc bé trai có tốc độ tăng trưởng đột ngột vào tuổi dậy thì.
- Khi mẹ đang mang thai
- Do yếu tố di truyền, cân nặng thay đổi đột ngột
- Khi trẻ bị béo phì, rạn da sẽ làm tích tụ quá nhiều lượng mỡ thừa trong cơ thể
- Khi trẻ tập các bài tập cải thiện thể chất
- Trẻ dùng steroid trong một vài tuần, chẳng hạn như bệnh hen suyễn nặng.
Dấu hiệu nhận biết rạn da ở tuổi dậy thì
Rạn da tuổi dậy thì thường sẽ xuất hiện ở những vị trí mà cơ thể phát triển nhanh chóng như: rạn da ngực ở tuổi dậy thì, bụng, đùi, mông và cánh tay. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất:
- Các vết đỏ, hồng hoặc tím: Ban đầu các vết rạn da thường sẽ có màu đỏ hoặc hồng, sau đó có thể dần chuyển sang màu tím.
- Vết lõm trên da: Khi sờ vào, bạn có thể cảm nhận được các vết lõm nhỏ trên da, đặc biệt là ở những vùng da bị rạn.
- Vết sọc hoặc đường thẳng: Rạn da thường sẽ xuất hiện dưới dạng các đường thẳng hoặc sọc, ngắn hoặc dài tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
- Cảm giác ngứa hoặc căng da: Trước khi xuất hiện rạn da, bạn có thể sẽ cảm thấy căng da hoặc ngứa ở những vùng dễ bị rạn.
- Màu sắc thay đổi theo thời gian: Qua một thời gian, các vết rạn da mờ dần và sẽ chuyển sang màu trắng bạc.
Có thể tránh bị rạn da hay không?
Trên thực tế, bạn sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị rạn da tuổi dậy thì. Nhiều người có thể gặp phải vấn đề này, tuy nhiên cũng có những người khác lại không ngay cả khi họ thừa cân hoặc cơ thể phát triển nhanh chóng.
Mặt khác, gen đóng một vai trò quan trọng quyết định việc bạn có bị rạn da hay không. Ngay cả khi bạn có thân hình mảnh mai, cân đối và khỏe mạnh, hay thậm chí sử dụng nhiều kem dưỡng ẩm thì bạn vẫn có khả năng bị rạn da. Vốn dĩ, các loại kem dưỡng ẩm không thể mang lại hiệu quả điều trị bởi vì tình trạng rạn da tuổi dậy thì xảy ra dưới lớp trên cùng của da, nơi mà các loại kem không thể tiếp cận được.
Giải pháp điều trị rạn da ở tuổi dậy thì
Dùng các phương pháp tự nhiên
Rạn da tuổi dậy thì có hết không? Một số nguyên liệu tự nhiên có thể giúp cải thiện tình trạng rạn da tuổi dậy thì, chẳng hạn như:
- Nha đam: Nha đam có chứa các chất giúp làm mềm da, tăng cường độ đàn hồi. Bạn có thể lấy gel nha đam sau đó thoa lên vùng da bị rạn. Đề yên trong 30 phút rồi rửa sạch da với nước ấm.
- Mật ong: Mật ong có chứa các chất chống oxy hóa và kháng khuẩn giúp làm mờ các vết rạn da. Bạn thoa mật ong lên vùng da bị rạn, massage nhẹ nhàng trong 15 phút. Rửa sạch da với nước ấm sau 15 phút.
- Dầu dừa: Dầu dừa có chứa các chất giúp dưỡng ẩm cũng như làm mềm da. Thoa dầu dừa lên vùng da bị rạn, massage nhẹ trong khoảng 15 phút và không cần rửa lại với nước.
Bổ sung các thực phẩm tốt
Một trong những cách trị rạn da tuổi dậy thì tại nhà là ăn các thực phẩm phù hợp. Việc ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh có chứa vitamin A và C tốt trong việc điều trị các vết rạn da. Các thực phẩm giàu vitamin A và C giúp tạo elastin và collagen cho cơ thể. Đây là điều hết sức quan trọng để giúp chữa các vết vết rạn da tuổi dậy thì. Do đó, hãy khuyến khích bé ăn cam, bưởi, quả đào,… để sản xuất collagen và elastin cho cơ thể.
Sử dụng kem thoa
Nếu thấy các vết rạn da của trẻ sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục, bạn cũng có thể dùng thuốc trị rạn da có bán trên thị trường. Thuốc trị rạn da thường sẽ có chứa elastin và collagen có các tác dụng phục hồi da. Hầu hết các loại thuốc trị rạn da tuổi dậy thì tốt nhất trên thị trường đến từ thương hiệu uy tín đã được kiểm tra về độ an toàn. Tuy vậy, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại kem nào.
Dùng dầu massage giàu vitamin E
Thường xuyên massage khu vực bị rạn da với dầu có chứa vitamin E sẽ giúp làm giảm các vết rạn da. Tuy vậy, bạn cần phải kiên nhẫn với phương pháp này để giúp cảm nhận được kết quả rõ rệt. Hơn nữa, việc sử dụng kem dưỡng ẩm cũng giúp làn da trở nên đàn hồi hơn, giúp ngăn ngừa và kiểm soát vết rạn da tốt hơn.
Một số cách phòng ngừa rạn da tuổi dậy thì
Để giúp ngăn ngừa rạn da tuổi dậy thì, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Kiểm soát cân nặng: Tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng là một trong những nguyên nhân gây ra rạn da, do đó bạn nên kiểm soát những thay đổi của cơ thể. Hãy ăn chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục để giúp kiểm soát cân nặng.
- Giữ nước: Hãy giữ cho làn da của bạn luôn đủ độ ẩm và mềm mại, da đủ độ ẩm sẽ làm giảm các nguy cơ phát triển các vết rạn da.
- Hạn chế sử dụng đồ uống chứa caffein: Các thức uống chứa caffein như cà phê có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết rạn da.
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Hãy đảm bảo chế độ ăn luôn đầy đủ vitamin C, D, E, kẽm và chất đạm. Bởi vì nguyên nhân gây ra rạn da có thể là do bạn thiếu dinh dưỡng ở một số khu vực.
- Điều trị rạn da ngay khi chúng vừa xuất hiện: Nếu không thể ngăn ngừa các vết rạn da thì hãy giảm thiểu sự xuất hiện của chúng, tốt nhất hãy thăm khám với bác sĩ khi nhận thấy những vết rạn da đầu tiên.
Rạn da tuổi dậy thì không gây hại cho sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu bạn lo lắng về tình trạng rạn da, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ da liễu để có thể được tư vấn và điều trị phù hợp.