Răng khôn là gì? Những kiến thức cần biết khi nhổ răng khôn
Răng khôn mọc bất thường và không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết về răng khôn ngay sau đây.
Răng khôn là gì? Dấu hiệu nhận biết mọc răng khôn
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, răng thường mọc ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi. Răng khôn là răng cối lớn mọc cuối cùng của hàm dưới, hậu quả gây nên là răng thường bị mọc ngầm, mọc lệch cao do cung hàm không còn đủ chỗ để răng khôn mọc.
Răng khôn thường mọc ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi
Những chiếc răng khôn có thể mọc thẳng mình thường, tuy nhiên chúng thường phải tìm hướng mọc khác so với những chiếc răng còn lại do thiếu chỗ để phát triển. Do đó, chúng có thể mọc nghiêng, mọc ngược về phía xương hàm, mọc chen chỗ các răng khác hoặc khi răng khôn nhú lên khỏi lợi được một phần thì tắc và ngừng mọc vĩnh viễn.
Tình trạng răng khôn mọc sai vị trí gây khó chịu, dẫn đến sưng, đau đớn, thậm chí viêm nhiễm do khó vệ sinh, há miệng hạn chế và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Một người có bao nhiêu chiếc răng khôn?
Đối với người trưởng thành đầy đủ sẽ có 32 chiếc răng, trong đó có 4 răng khôn, 2 cái ở hàm trên và 2 cái ở hàm dưới.
Những chiếc răng khôn mọc khi nào?
Tùy cơ địa mỗi người, thời điểm mọc răng khôn có thể mọc sớm hơn hoặc chậm hơn so với độ tuổi trung bình là 25 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết mọc răng khôn?
Lúc mọc răng khôn, bạn sẽ dễ dàng nhận biết kèm một số các dấu hiệu sau đây:
- Sưng lợi: Đối với người trưởng thành, phần lợi đã chắc lại, xương hàm không còn phát triển nhiều về kích thước nên khi mọc răng khôn, lợi sẽ phải dãn ra và phồng lên. Đây là tình trạng sưng lợi, dấu hiệu dễ nhận biết khi mọc răng khôn.
- Bị sốt và đau nhức đầu: Dấu hiệu phổ biến khi mọc răng khôn ở người trưởng thành là sốt nhẹ và đau nhức đầu ngắt quãng hoặc âm ỉ.
- Đau nhức quanh vùng lợi: Khi răng khôn bắt đầu nhú lên, ngay lập tức bạn sẽ thấy ê nhức từ bên trong, giảm giác này sẽ tăng theo sự phát triển dần của răng và kéo dài. Ban đầu sẽ đau nhức quanh vùng lợi mọc răng, nếu răng mọc lệch, sai vị trí sẽ dẫn đến đau răng hàm bên cạnh và các vùng còn lại.
Một số dấu hiệu trên cho biết bạn đang mọc răng khôn. Ngoài ra, tình trạng chán ăn thường xuất hiện khi mọc răng khôn, lúc đó cơ thể bạn thường cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đau nhức và chán ăn, không muốn ăn.
Răng khôn có gây ảnh hưởng gì không?
Phần lớn răng khôn thường mọc lệch, thời gian dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người, cụ thể:
- Nhiễm trùng lợi: Sự tích tụ lâu ngày của thức ăn và vi khuẩn trong răng khôn gây nên nhiễm khuẩn vùng lợi xung quanh. Vùng lợi bị viêm nhiễm sẽ sưng, đau và người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sốt, hôi miệng và ức chế hoạt động của răng miệng.
- Sâu răng và viêm nha chu: Do răng nằm ở vị trí trong cùng của hàm nên rất khó trong việc chải răng và vệ sinh thức ăn, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn tích tụ lâu ngày làm cho răng khôn bị sâu và lây sang răng bên cạnh (răng số 7). Đồng thời, thức ăn và mảng bám tích tụ lâu ngày là nguyên nhân của bệnh viêm nha chu.
- Khít hàm: Do ngày nay có hiện tượng kém phát triển của khung xương hàm nên khi mọc răng khôn sẽ gây tình trạng sưng nhiều vùng góc hàm gây khó há ngậm miệng, khó ăn nhai và cử động hàm rất đau.
- Hủy hoại xương hàm và hàm răng: Răng khôn mọc lệch và xô lấn sang các răng bên cạnh, đặc biệt là răng số 7. Răng số 8 có khả năng đâm thủng răng số 7, bạn phải nhổ bỏ cả răng khôn và răng số 7 gây ảnh hưởng đến chức năng nhai. Thậm chí, trường hợp răng khôn không được xử lý triệt để sẽ làm nhiễm trùng lan đến mang tai, má, mắt, cổ,… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Răng khôn mọc lệch, xô lấn sang răng bên cạnh gây biến chứng nguy hiểm – Nguồn ảnh: Tham khảo
Hầu hết mọi người thường không chú ý chức năng của răng khôn, thực tế trong trường hợp răng khôn mọc thuận lợi thì nó vẫn đóng vai trò hỗ trợ chức năng nhai, nghiền thức ăn của cung hàm tốt hơn.
Khi nào nên nhổ răng khôn? Nhổ răng khôn ở đâu?
Khi răng khôn mọc lệch và có những dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đến nha khoa hoặc bệnh viện kiểm tra nhằm ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn đối với các răng xung quanh.
Bạn được khuyên nên nhổ răng khôn trong các trường hợp cần thiết sau đây:
- Răng khôn mọc ngầm, mọc chen lấn vào các răng lân cận lâu dài làm xô lệch cấu trúc của hàm.
- Răng mọc lệch gây sưng viêm, đau nhức, nhiễm trùng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
- Răng khôn mọc ở góc trong cùng hàm gây cản trở việc vệ sinh răng miệng, tạo nên khe dễ bám thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên sâu răng, viêm nha chu.
- Răng khôn mọc bình thường nhưng có hình dạng, kích thước khác thường so với các răng khác.
Vậy, có nên nhổ răng khôn hay không là vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp răng khôn đều phải nhổ. Nếu răng khôn mọc bình thường và không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì bạn không cần nhổ răng khôn.
Có thể bạn quan tâm: Sản phẩm chăm sóc răng miệng
Những điều cần lưu ý trước và sau khi nhổ răng khôn
Ngày nay, công nghệ nha khoa ngày càng hiện đại, việc nhổ răng khôn là thủ thuật tiểu phẫu đơn giản chỉ mất vài phút. Khi được bác sĩ chỉ định nhổ răng khôn, bạn sẽ được sử dụng thuốc gây tê và không cảm thấy đau đớn trong sốt quá trình thực hiện. Nếu cảm thấy đau, hãy ra dấu hiệu để bác sĩ xử lý và tiêm thêm thuốc tế (nếu cần).
Lưu ý trước khi nhổ răng khôn
- Thăm khám theo hướng dẫn và phác đồ điều trị hợp lý của bác sĩ đối với tình trạng răng khôn của bạn.
- Trao đổi các vấn đề sức khỏe hiện tại của bạn, bao gồm bệnh tật, các triệu chứng và việc bị dị ứng với các chất cụ thể.
- Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp gây tê và phương pháp phẫu thuật từ bác sĩ, nha sĩ.
- Chuẩn bị kế hoạch nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ sau khi phẫu thuật để hồi phục nhanh.
Lưu ý sau khi nhổ răng khôn
Thời gian hồi phục hoàn toàn sau khi nhổ răng khôn là 2 tuần. Một số trường hợp sẽ hồi phục nhanh hơn tùy vào cơ địa, cách chăm sóc sức khỏe và phụ thuộc vào tình trạng răng của bạn nhổ có khó hay không.
- Sau khi nhổ răng, bạn chỉ nên ăn những loại thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu hóa.
- Nhổ răng khôn nên kiêng các loại thức ăn cứng, mặn, chua, cay.
- Không được uống thức uống có ga và sử dụng chất kích thích ít nhất 2 ngày sau khi phẫu thuật.
- Không được hút thuốc, uống rượu bia trong suốt quá trình điều trị.
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn để được kiểm tra tình trạng sau khi nhổ răng số 8.
Sau khi nhổ răng khôn, bạn vẫn có thể vệ sinh răng miệng bình thường, chú ý thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương đến vị trí nhổ răng, ảnh hưởng đến quá trình và thời gian hồi phục. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, hãy liên hệ bác sĩ, nha sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời và đúng cách.
Chi phí nhổ răng khôn tùy thuộc vào địa điểm, tình trạng răng, công nghệ và các chế độ chăm sóc sức khỏe khác. Bạn nên tìm hiểu và lựa chọn nhổ răng khôn ở các địa điểm uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Nguồn: Tổng hợp
Bạn có thể xem thêm: