Ăn rau răm có tốt không? Tác dụng của rau răm trong y học
Rau răm là gì?
- Rau răm hay còn gọi là thủy liễu, phak phèo (Tày), lảo liêu.
- Tên khoa học: Polygonum odoratum lour, thuộc họ Polygonaceae (Rau răm).
- Rau răm là cây thân thảo, sống lâu năm, có mùi thơm đặc biệt dễ chịu. Phần thân cây mọc thẳng đứng lên cao chừng 35-40 cm. Cây phát triển tốt ở điều kiện ấm, ẩm ướt, đất màu mỡ và có ánh nắng đầy đủ đến bóng râm một phần.
- Rau răm được trồng khắp nơi ở nước ta chủ yếu để làm gia vị, một số hái thân và lá dùng làm thuốc.
Thành phần hóa học của cây rau răm
Tinh dầu rau răm màu vàng rơm nhạt, mùi thơm dễ chịu. Người ta tìm thấy flavonoid, các aldehyd chuỗi dài như decanal, dodecanal, ngoài ra là decanol, các sesquiterpene chiếm khoảng 15% trong tinh dầu.
Khám phá công dụng của rau răm hỗ trợ chữa bệnh
Theo đông y, rau răm có vị cay tính ấm nên có tác dụng điều trị chứng đầy bụng chậm tiêu, giảm đau, chống sưng viêm, kháng khuẩn, tiêu chảy, táo bón, chàm lở, phong thấp nhức mỏi, rắn cắn, dịu tình dục.
Theo y học hiện đại, rau răm có chứa flavonoid là một chất chống oxy hóa tốt, nên được sử dụng trong bài thuốc dân gian hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Đầy hơi tiêu hóa kém
Lấy một nắm rau răm rửa sạch, xay lấy nước uống, dùng bã massage nhẹ nhàng vùng bụng (tập trung vùng quanh rốn).
Cảm cúm
50g rau răm, 3 lát gừng giã nhuyễn, vắt lấy nước uống.
Hoặc có thể dùng bài thuốc: rau răm 20g, kinh giới 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g, sắc lấy nước uống.
Tiêu chảy do nhiễm lạnh
Rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ 2 bát , sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày.
Nước ăn chân
Rau răm giã nhỏ, cho thêm muối, đắp vào chỗ bị nước ăn. Hoặc giã nhỏ, lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau, ngày 2 lần, giữ cho vết thương được khô ráo.
Ăn rau răm sao cho đúng cách?
- Rau răm nên dùng tươi giúp phát huy tác dụng của tinh dầu tốt hơn.
- Rau răm rửa sạch, ăn trực tiếp hoặc say nhỏ uống nước, sắc nước uống (rau răm phơi khô).
Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều rau răm
Ảnh hưởng chuyện chăn gối
Rau răm có vị cay tính ấm nên khi sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tụy và làm giảm tinh khí. Nam nữ khi ăn quá nhiều rau răm có thể giảm tinh dục, làm dịu tình dục. Nam giới kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Nữ giới có thể bị rong kinh, kinh nguyệt không đều, mất ngày kinh.
Dễ gây sảy thai
Rau răm có vị cay, tính ấm, hành khí mạnh kích thích tử cung có thể làm sảy thai nên rau răm kỵ cho bà bầu. Bà bầu ăn ít (chỉ vài ngọn) kèm với trứng vịt lộn,… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhưng ăn quá nhiều rau răm thì sẽ nguy hiểm đến thai nhi.
Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ đang hành kinh cũng không được dùng rau răm.
Giải đáp thắc mắc khi ăn rau răm
Ăn rau răm nhiều có tốt không?
Rau răm có nhiều công dụng tốt hỗ trợ chữa bệnh như: giảm đầy hơi, tiêu hóa kém, cảm cúm, tiêu chảy do nhiễm lạnh, nước ăn chân. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rau răm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như: ảnh hưởng chuyện chăn gối, nam giới kém cương dương, nữ giới có thể bị rong kinh, kinh nguyệt không đều. Bà bầu ăn nhiều rau răm có thể gây sảy thai.
Mang bầu có ăn được rau răm không?
Bà bầu ăn ít rau răm (chỉ vài ngọn) cùng với thức ăn như trứng vịt lộn,… sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều, dùng rau răm giã uống hoặc sắc lấy nước uống thì rất nguy hiểm, có thể gây sảy thai.
Tác dụng của rau răm đối với đàn ông
Rau răm có vị cay tính ấm nên đàn ông ăn rau răm có thể hỗ trợ chữa bệnh: đầy hơi tiêu hóa kém, cảm cúm, say nắng, tiêu chảy do nhiễm lạnh, nước ăn chân. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều rau răm có thể dẫn đến giảm tình dục, kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, chất lượng tinh trùng kém đi.