Các dấu hiệu gây rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi hiện nay
Rối loạn nhịp tim là tình trạng điện học bất thường của tim, bao gồm bất thường trong quá trình tạo ra nhịp và dẫn truyền điện học trong các buồng tim; hay nói cách khác là tim hoạt động không bình thường, có thể tim quá nhanh (tần số > 100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), nhịp tim không đều (có lúc tim đập nhanh, có lúc tim đập chậm).
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ thời điểm nào, tuy nhiên người cao tuổi có cơ bị rối loạn nhịp tim hơn. Dưới đây là một số thông tin về rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi.
1. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bắt nguồn từ bất thường cấu trúc tim hay bệnh lý tim mạch hoặc cũng có thể xuất phát từ các vấn đề trong các cơ quan khác ảnh hưởng đến nhịp tim. Các nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Bệnh về tim: tiền sử nhồi máu cơ tim, tiền sử phẫu thuật tim, bệnh động mạch vành, bệnh về cơ tim khác.
- Bệnh nền: bệnh đái tháo đường, huyết áp cao.
- Sự ảnh hưởng từ những bất thường của các cơ quan khác đối với tim (ví dụ tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động).
- Hội chứng ngưng thở lúc ngủ: có thể dẫn đến nhịp tim chậm và nhịp tim không đều, bao gồm cả rung tâm nhĩ.
- Tác động của thuốc điều trị bệnh khác (một số thuốc trị ho hay cảm thông thường cũng có thể gây rối loạn nhịp tim) hoặc các hợp chất độc hại, lạm dụng chất kích thích (như uống nhiều cafe, rượu, hút thuốc lá).
- Di truyền
- Căng thẳng hoặc lo lắng.
- Sự rối loạn điện giải của cơ thể: Các chất điện giải trong máu (kali, natri, canxi và magie,…) giúp kích hoạt và gửi tín hiệu điện đến tim. Nếu chất điện giải của cơ thể quá thấp hoặc quá cao có thể cản trở tín hiệu của tim và dẫn đến nhịp tim không đều.
Trong đó người cao tuổi có nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim cao hơn do người cao tuổi có thêm các yếu tố nguy cơ sau:
- Lão hóa: lão hóa làm cho nút xoang và hệ thống dẫn truyền bị xơ hóa, ngoài ra cấu trúc tim của người cao tuổi cũng bị biến đổi nên có thể làm giảm chức năng bơm và gián đoạn dẫn truyền trong tim.
- Nhiều bệnh lý kèm và dùng nhiều thuốc: Bệnh tim mạch phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi và tăng theo độ tuổi. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc các bệnh kèm theo như đái tháo đường, suy nhược, tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh tuyến giáp hoặc mỡ máu cao có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim. Người cao tuổi cũng có thể đang dùng thuốc điều trị những tình trạng ảnh hưởng đến tim.
- Căng thẳng: Khi bị căng thẳng gia tăng trong thời gian dài có thể làm tăng mức cortisol (hormone gây căng thẳng). Khi mức cortisol luôn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tim và sức khỏe.
- Tiền sử bản thân và gia đình: tiền sử bản thân từng có cơn nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim hay tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn nhịp tim cũng có thể dẫn đến khả năng người cao tuổi mắc phải tình trạng tương tự.
- Lối sống: Người cao tuổi có tiền sử hút thuốc lâu dài và uống nhiều rượu hoặc cafe sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn. Ngoài ra lối sống ít vận động cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh rối loạn nhịp tim ở một số bệnh nhân đôi khi thầm lặng và không xuất hiện bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, đáng chú ý có thể kể đến:
- Đánh trống ngực: Đây là triệu chứng điển hình và phổ biến của rối loạn nhịp tim. Người bệnh có thể cảm nhận cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực, bệnh nhân cảm giác như tim ngừng đập trong chốc lát và đập mạnh trở lại. Bệnh nhân thường mô tả triệu chứng này như cảm giác hồi hộp hoặc đánh trống ngực.
- Khó chịu ở ngực như đau ngực.
- Hụt hơi, khó thở
- Chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu…
3. Biện pháp phòng ngừa
Một số lời khuyên hữu ích giúp phòng ngừa nguyên nhân rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy tập trung vào khẩu phần ăn chứa nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau cải, củ quả và loại thịt gia cầm không da, đậu và các sản phẩm thực phẩm không chứa nhiều chất béo. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol, chẳng hạn như lòng đỏ trứng và thịt đỏ, giảm lượng muối và đường, hạn chế chất kích thích như cafe, rượu.
- Luyện tập đều đặn hàng ngày, duy trì trọng lượng cơ thể cân đối: vận động nhẹ nhàng ít nhất là 30 – 45 phút mỗi ngày và duy trì một lịch trình luyện tập đều đặn, đối với người cao tuổi tránh những hoạt động quá sức.
- Thay đổi lối sống hàng ngày: ngủ đủ giấc (7-9 tiếng mỗi ngày đối với người cao tuổi); hạn chế căng thẳng và lo lắng quá mức; dừng hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc.
- Kiểm soát tốt các bệnh kèm: tăng huyết áp, đái tháo đường (nếu có).
- Khi bạn cảm thấy nhịp tim tăng nhanh hoặc có triệu chứng khó chịu như đau ngực hoặc choáng váng hãy ngồi nghỉ ngay lập tức, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh, và đừng quên tới gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra và tư vấn, đặc biệt khi triệu chứng trở nên khó chịu và xảy ra nhiều lần.
- Học các phương pháp kiểm soát hơi thở và nhịp tim, ví dụ như hít sâu và thở chậm, để giúp ổn định lại nhịp tim.
- Sử dụng thuốc hay thực phẩm bổ sung: một số thuốc không kê đơn trong điều trị ho, cảm cúm hay thực phẩm bổ sung có thể chứa các thành phần gây ảnh hưởng đến nhịp tim, vì thế nên có sự tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại nào.
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ hoặc suy tim cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám.