Rối loạn tâm lý ở người cao tuổi
Một trong những tâm bệnh của cuộc sống hiện đại, đó chính là rối loạn tâm lý ở người cao tuổi. Thường gặp là trầm cảm và lo âu, cùng với sự gia tăng các bệnh thực thể, các rối loạn tâm lý cũng là “bạn đồng hành” của những người cao tuổi. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy rối loạn trầm cảm và lo âu gặp ở 25% bệnh nhân ở các cơ sở đa khoa. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện là rất cao, lên tới 40%.
Những người cao tuổi nào thường bị rối loạn tâm lý?
Những người cao tuổi trong các trường hợp dưới đây thường bị rối loạn tâm lý:
- Về độ tuổi, có hai giai đoạn người cao tuổi hay bị rối loạn tâm lý, đó là độ tuổi từ 50 tuổi đến 59 tuổi và trên 70 tuổi.
- Các cụ bà thường mắc bệnh nhiều hơn các cụ ông.
- Những người có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng dễ bị mắc bệnh hơn.
- Những người bị mắc nhiều bệnh mạn tính, kèm theo các chứng đau, phải nằm viện nhiều lần cũng dễ bị rối loạn tâm lý hơn.
Nguyên nhân gây rối loạn tâm lý ở người cao tuổi
Một số nguyên nhân thường gặp của rối loạn tâm lý ở người cao tuổi:
- Đầu tiên là các stress của việc tái thích nghi với hoàn cảnh sống mới, khi phải chuyển từ giai đoạn làm việc tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu. Những người cao tuổi sau khi về hưu trải qua một loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do nếp sinh hoạt thay đổi, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế. Một số người trong số đó khó thích nghi được với giai đoạn khó khăn này nên mắc “hội chứng về hưu”, với tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ cáu gắt, nổi giận.
- Thứ hai là tâm lý tự nhiên của người cao tuổi là thường sợ ốm đau, bệnh tật, sợ chết. Như chúng ta biết, lão hóa là một quá trình tự nhiên không thể cưỡng lại được, làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các yếu tố gây bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stress, tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, đái tháo đường, Alzheimer, Parkinson, các bệnh xương và khớp, bệnh phổi, phế quản, ung thư… Bệnh càng nặng, càng kéo dài thì sự biến đổi tâm lý càng trầm trọng.
Các hình thức rối loạn tâm lý
Rối loạn tâm lý người cao tuổi thường có các biểu hiện sau:
- Nhẹ là khó chịu, lo lắng
- Trung bình: rối loạn thần kinh chức năng, với các biểu hiện suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật.
- Nặng: trạng thái rối loạn tâm thần, biểu hiện bằng các hội chứng hoang tưởng và rối loạn ý thức.
Hình thức rối loạn tâm lý thường gặp nhất là lo âu
- Lo âu có thể là biến chứng của điều trị hoặc xuất phát từ nhận định tiêu cực về tiên lượng bệnh của mình.
- Các biểu hiện lo âu thường rất đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân cảm thấy sợ hãi, lo lắng về tương lai, dễ cáu, khó tập trung tư tưởng, căng thẳng vận động, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau đầu, khô miệng, đánh trống ngực. Đôi khi trải nghiệm cảm giác khiếp sợ, hoảng loạn, tuyệt vọng về bệnh tật, sợ chết. Cũng có thể có các suy nghĩ ám ảnh như nghi bệnh, sợ bẩn… khiến phải rửa tay liên tục hay kiểm tra đi kiểm tra lại… Lo âu có thể kéo dài, gây trở ngại rõ rệt đến sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp, quan hệ xã hội của bệnh nhân.
Rối loạn tâm lý khác cũng thường gặp là trầm cảm.
- Ở người già, trầm cảm thường biểu hiện bằng sự lo lắng thái quá về sức khỏe, cảm giác buồn phiền, chán nản và mất niềm tin kéo dài. Kèm theo sự suy giảm nghị lực, mất tập trung, mất ngủ, chán ăn, khó ngủ và đi đến suy kiệt.
- Ngoài ra, các biểu hiện khác như xa lánh vợ hoặc chồng, bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, giảm trí nhớ, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình.
- Bệnh nhân có tư duy chậm chạp, biểu hiện bằng suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng không nhanh chóng, tự cho mình là thấp kém, có hoang tưởng bị tội, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, có ý nghĩ và hành vi tự sát. Ngoài ra vận động cũng bị ức chế.
- Người bệnh ít hoạt động, ít nói, sững sờ, đờ đẫn, thường ngồi lâu một tư thế với nét mặt trầm ngâm suy nghĩ.
Chăm sóc tâm lý ở người cao tuổi
Chăm sóc tâm lý người cao tuổi rất cần thiết và giảm thiểu được các hậu quả hay làm nặng thêm trình trạng bệnh này:
- Tạo điều kiện cho người cao tuổi sống cùng gia đình, khuyến khích họ kết bạn, tìm bạn đời mới sau khi mất vợ hoặc chồng. Tích cực tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, hưu trí,…
- Con cái nên gần gũi chăm sóc, chia sẻ, động viên và tham khảo ý kiến của họ cho những quyết định quan trọng. Tạo tâm lý thoải mái để họ tham gia những việc vặt trong nhà như đi chợ, nấu ăn, trồng rau, nuôi cá, chăm cháu,…
- Chuẩn bị một nguồn tài chính ổn định trước khi về hưu như mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, tiền tiết kiệm,… Cần có kế hoạch cấp dưỡng bố mẹ, ông bà có được cảm giác an tâm và yêu thương từ con cháu.
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao từ khi còn trẻ và duy trì đến tuổi già.
- Ngủ đủ giấc, đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những bệnh tiềm ẩn và điều trị kịp thời.
Như vậy, rối loạn tâm lý là một vấn đề lớn về sức khỏe tâm thần. Nếu chúng ta nhận biết, khắc phục sớm thì tránh được tổn thương tâm lý không đáng có cho người cao tuổi.