Sinh non và những rủi ro về sức khỏe của trẻ sinh non
Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Sinh non gây tác động rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Em bé sinh non thường có nguy cơ mắc các bệnh như khiếm thính, khiếm thị, bại não, khuyết tật cao hơn so với các bé đẻ đủ tháng. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Vì vậy, phụ nữ mang thai hãy nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng tránh sinh non để bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Sinh non là gì ?
Sinh non là tình trạng mẹ bầu sinh con ở tuổi thai từ khoảng 28 tuần đến dưới 37 tuần tuổi, thời điểm này bé sơ sinh có thể sống được. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển vượt bậc trong y học nên tuổi thai của bé sinh non được tính từ khi đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần tuổi.
Phân loại mức độ sinh non
Mức độ sinh non thường được mô tả theo tuổi thai, thông thường sẽ chia ra 4 mức độ:
- Cực non: Là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
- Rất non: Là em bé sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày
- Non trung bình: Là em bé sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày
- Non muộn: Là em bé sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày
Sinh non là một tai biến sản khoa nguy hiểm
Các nguyên nhân dọa sinh non
Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm:
- Đã có tiền sử sinh con sớm.
- Có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non.
- Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá ngắn.
- Đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
- Một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo.
- Các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.
Các dấu hiệu sinh non
Khi các sản phụ nhận thấy bản thân đang có các dấu hiệu, hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám sớm nhất:
- Cảm thấy vùng chậu và bụng dưới bị tăng áp lực.
- Bụng bị chuột rút nhẹ.
- Dịch ở âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường.
- Dịch tiết âm đạo thay đổi: có máu, dịch nhầy hơn, tiết ra dịch lòng.
- Vùng thắt lưng bị đau liên tục và âm ỉ.
- Bụng dưới bị đau quặn lại như đau bụng kinh, đôi khi đi kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục.
- Bị vỡ màng ối (mẹ bầu thấy nước ối xuất hiện và chảy nhiều ra ngoài, thỉnh thoảng có trường hợp chỉ chảy một vài giọt chất lỏng).
Nguy cơ sớm, muộn của trẻ sinh non
Không phải em bé sinh non nào cũng gặp phải biến chứng nhưng việc chuyển dạ sinh sớm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn hạn hoặc dài hạn. Bé sơ sinh được sinh ra càng sớm thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Cân nặng sau khi sinh của bé cũng rất quan trọng.
Biến chứng ngắn hạn
- Về hơi thở: trẻ sinh non dễ gặp tình trạng khó thở do hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện.
- Về tim: trẻ sinh non dễ mắc phải ống động mạch (PDA) và bị huyết áp thấp.
- Về não: thời gian sinh ra càng sớm, trẻ càng có nguy cơ bị xuất huyết não cao. Nếu trẻ chảy máu não quá nhiều, điều này có gây chấn thương não vĩnh viễn.
- Về thân nhiệt của cơ thể: trẻ sinh non thường hay bị mất nhiệt cơ thể nhanh dẫn đến hạ thân nhiệt. Điều này gây ra các bệnh về đường hô hấp và khiến cho lượng đường trong máu bị thấp.
- Về tiêu hóa: do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ sinh non dễ mắc phải các biến chứng như viêm ruột hoại tử (NEC).
- Về máu: trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh vàng da sơ sinh do trong máu của trẻ còn thừa bilirubin có màu vàng.
- Về trao đổi chất: một số trẻ sinh non sẽ gặp phải tình trạng phát triển lượng đường trong máu thấp bất thường do lượng dự trữ glucose của trẻ sinh non ít hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
- Về hệ thống miễn dịch: kém phát triển so với trẻ sinh đủ tháng, đủ ngày. Trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng hơn, nhanh chóng lây lan vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Các biến chứng lâu dài
Về sau này, đẻ non có thể dẫn các biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài:
- Các vấn đề về thị lực: bệnh võng mạc xuất hiện ở trẻ do sinh non, đây là một hiện tượng mạch máu bị sưng lên và phát triển quá lớn ở lớp dây thần kinh phía sau mắt, đó là võng mạc. Các mạch võng mạc từ từ làm sẹo ở võng mạc, kéo nó ra khỏi vị trí phía sau mắt. Nếu không được phát hiện kịp thời sẽ làm giảm thị lực hay thậm chí gây mù.
- Trí tuệ kém: trí tuệ của bé sinh non phát triển chậm hơn so với bé sinh đủ tháng. Vì vậy, khi đến tuổi đến trường, bé sinh non có nhiều khả năng bị khuyết tật về học tập và tiếp thu kiến thức.
- Bại não: đây là một tình trạng rối loạn khả năng vận động, lực cơ hoặc tư thế bị trương, nguyên nhân là do nhiễm trùng, lượng máu không đủ hoặc não bộ gặp chấn thương trong khi mẹ đang mang thai hoặc khi đẻ non.
- Các vấn đề về thính giác: bé sinh non sẽ bị giảm thính lực ở một mức độ nào đó nên trước khi xuất viện bé sẽ được kiểm tra khả năng của thính giác.
- Các vấn đề về tâm lý và hành vi: bé sẽ phải đối mặt với một vài vấn đề về tâm lý và hành vị hoặc chậm phát triển.
- Dễ gặp vấn đề về sức khỏe mãn tính: hen suyễn, tiêu hóa, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, …
Trẻ sinh non có nhiều biến chứng nguy hiểm
Những phương pháp để cứu trẻ sinh non
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp quá hiện đại và đắt đỏ không phải là giải pháp duy nhất để cứu sống trẻ đẻ non. Vẫn có những kỹ thuật can thiệp đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém góp phần cứu sống trẻ đẻ non như:
- Tiêm steroid trước sinh cho những bà mẹ chuyển dạ sớm. Biện pháp này chỉ tốn trung bình 1$/mũi. Điều này giúp phát triển phổi thai nhi và ngăn ngừa các vấn đề hô hấp.
Tiêm steroid trước sinh giúp tăng cao khả năng cứu sống trẻ sinh non
- “Kangaroo Care” – Chăm sóc kiểu Kangaroo: Trẻ sơ sinh được tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ. Giữ ấm trẻ qua hơi ấm của mẹ rất tốt cho trẻ, làm cho trẻ tiêu hóa tốt hơn và theo dõi trẻ dễ dàng hơn.
- Kháng sinh để ngăn ngừa và chống nhiễm trùng, một nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Những biện pháp để phòng tránh việc sinh non
Chăm sóc thai kỳ chu đáo
- Mẹ bầu nên chú trọng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Mẹ bầu hãy xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh để ngừa đẻ non
- Tránh chơi các trò chơi cảm giác mạnh, vận động mạnh, luyện tập thể thao hay làm việc quá sức.
- Tuyệt đối tránh xa thuốc lá, khói thuốc lá, rượu bia; hạn chế trà, cà phê và các chất kích thích khác.
- Giao hợp trong tần suất được bác sĩ gợi ý. Giao hợp quá nhiều có thể làm tăng tần suất cơn gò tử cung xuất hiện.
- Đi đầy đủ các mốc khám thai quan trọng hoặc lịch hẹn của bác sĩ và siêu âm thai giúp theo dõi tình hình của thai, phát hiện đa thai và sàng lọc trước khi sinh.
Bổ sung progesterone
Nếu người mẹ đã có tiền sử sinh non, cổ tử cung quá ngắn hoặc bao gồm cả yếu tố thì bổ sung progesterone để làm giảm khả năng đẻ non.
Tóm lại, khi có những dấu hiệu dọa sinh non sớm cần đến bệnh viện khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời,đảm bảo sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé.