Sỏi mật là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Được biết đến là một bệnh lý phổ biến liên quan đến hệ tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến cho người bệnh. Vậy, sỏi mật là gì? Nó hình thành như thế nào và tại sao lại nguy hiểm? Cùng tìm hiểu Pharmacity chi tiết về căn bệnh này để có những kiến thức cần thiết bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh nhé!
Bệnh sỏi mật là gì?
Sỏi mật là bệnh lý xảy ra khi các tinh thể rắn hình thành bên trong túi mật hoặc đường mật. Nguyên nhân chính của bệnh là do sự bão hòa quá mức của một hoặc nhiều thành phần trong dịch mật, bao gồm cholesterol, sắc tố mật (bilirubin) và muối canxi. Sự kết tinh của các chất này tạo thành các viên sỏi có kích thước và hình dạng khác nhau, gây tắc nghẽn đường mật và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Một chế độ ăn uống thiếu khoa học, đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều chất béo, có thể khiến lượng cholesterol trong cơ thể tăng cao. Lượng cholesterol dư thừa này tích tụ lại trong túi mật, hình thành nên những viên sỏi có kích thước từ hạt cát nhỏ li ti cho đến những viên lớn bằng quả bóng bàn, lượng sỏi trong túi mật có thể chứa một hoặc nhiều viên cùng lúc.
Vậy, sỏi túi mật là gì? Túi mật một cơ quan nhỏ hình quả lê nằm bên dưới gan, có nhiệm vụ sản xuất dịch mật hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Khi bị sỏi cản trở, sẽ làm quá trình tiêu hóa sẽ gặp nhiều khó khăn, gây ra các triệu chứng khó chịu và thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Phân loại sỏi mật
Đây là một căn bệnh phổ biến liên quan đến hệ tiêu hóa, hình thành khi các chất trong dịch mật kết tinh lại thành các viên sỏi cứng. Có hai loại sỏi mật chính, mỗi loại có những đặc điểm và nguyên nhân hình thành khác nhau:
- Sỏi cholesterol: Đây là loại sỏi mật thường gặp nhất, thường có màu vàng hoặc vàng xanh, thành phần chính của sỏi cholesterol là cholesterol. Đây là một loại chất béo cần thiết cho cơ thể nhưng khi dư thừa và không được hòa tan hết trong dịch mật sẽ kết tinh thành sỏi.
- Sỏi sắc tố: Sỏi sắc tố có màu nâu sẫm hoặc đen, nhỏ và cứng, thành phần chính của sỏi sắc tố là bilirubin, một chất màu vàng được tạo ra khi gan phân hủy hồng cầu già.
Vị trí hình thành sỏi mật
Sỏi mật thường được tìm thấy trong túi mật, đặc biệt là sỏi cholesterol, nhưng chúng có thể di chuyển và gây tắc nghẽn tại nhiều vị trí khác nhau như cổ túi mật hoặc bất kỳ đoạn nào của ống mật chủ. Việc sỏi nằm trong ống mật chủ thường ít gặp hơn so với trong túi mật nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao, có thể dẫn đến viêm đường mật, viêm tụy và các biến chứng nguy hiểm khác.
Triệu chứng của bệnh sỏi mật
Sỏi túi mật thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, tuy nhiên, khi sỏi di chuyển và gây tắc nghẽn, bạn có thể cảm nhận:
- Đau quặn dữ dội, khi cơn đau xuất hiện đột ngột và tăng dần ở vùng bụng bên phải, có thể lan ra giữa lưng hoặc giữa hai bả vai.
- Tiêu hóa khó khăn gây nên tình trạng buồn nôn hay nôn mửa thường đi kèm với cơn đau.
Nguyên nhân gây bệnh sỏi mật
Mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều, nhưng nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, họ đã tìm ra một số yếu tố có thể góp phần tạo điều kiện cho sỏi hình thành:
- Dư thừa cholesterol: Giống như khi mỡ thừa tích tụ trong động mạch gây xơ vữa, cholesterol dư thừa trong dịch mật cũng có thể kết tinh lại thành sỏi. Khi gan sản xuất quá nhiều cholesterol, mà dịch mật lại không đủ khả năng hòa tan, các tinh thể cholesterol sẽ dần lớn lên và hình thành sỏi.
- Bilirubin quá cao: Bilirubin là một chất màu vàng, được tạo ra khi cơ thể phá vỡ các tế bào máu già. Khi gan bị tổn thương (ví dụ như trong bệnh xơ gan) hoặc khi có quá nhiều tế bào máu bị phá hủy, lượng bilirubin trong máu sẽ tăng cao. Bilirubin dư thừa này có thể kết hợp với các chất khác trong dịch mật để tạo thành sỏi.
- Túi mật không hoạt động tốt: Túi mật có chức năng tập trung và dự trữ dịch mật. Nếu túi mật không co bóp đều đặn để tống xuất dịch mật ra ngoài, dịch mật sẽ ứ đọng lại bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành sỏi.
Quá trình hình thành sỏi mật là một quá trình phức tạp, liên quan đến sự kết hợp của nhiều yếu tố. Khi có sự mất cân bằng giữa các thành phần trong dịch mật (cholesterol, bilirubin, muối mật…), tinh thể bắt đầu hình thành. Những tinh thể này sẽ dần lớn lên và kết hợp với nhau tạo thành sỏi.
Các biến chứng của sỏi mật
Sỏi mật có nguy hiểm không? Thì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh, bao gồm:
- Viêm túi mật: Sỏi mắc kẹt ở cổ túi mật dễ gây viêm nhiễm, dẫn đến đau bụng dữ dội, sốt cao. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm túi mật có thể vỡ, gây nhiễm trùng ổ bụng, thậm chí tử vong.
- Tắc nghẽn đường mật: Sỏi di chuyển và làm tắc nghẽn các ống dẫn mật, gây ứ mật, vàng da, đau bụng dữ dội. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, thậm chí áp xe gan.
- Viêm tụy cấp: Sỏi di chuyển vào ống tụy gây viêm tụy cấp, một bệnh lý nguy hiểm với các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt cao. Viêm tụy cấp có thể dẫn đến hoại tử tuyến tụy, suy đa tạng và tử vong.
- Ung thư túi mật: Mặc dù không phổ biến, nhưng sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư túi mật. Ung thư túi mật thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị và tiên lượng xấu.
Cách chẩn đoán bệnh sỏi mật
Để xác định chính xác bạn có bị sỏi hay không và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm. Các xét nghiệm này giống như những chiếc kính lúp siêu mạnh, giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh, như sau:
- Siêu âm ổ bụng: Đây là xét nghiệm phổ biến nhất, giống như một chiếc máy ảnh siêu âm quét qua vùng bụng để tìm những viên sỏi “lẩn trốn” trong túi mật.
- Siêu âm nội soi: Nếu siêu âm thông thường không phát hiện ra sỏi, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật này để tìm những viên sỏi nhỏ hơn, “ngụy trang” khéo léo hơn.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác: Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như nội soi đường mật, chụp CT, MRI hoặc ERCP để có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bệnh.
Bên cạnh các xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá chức năng gan, tìm dấu hiệu viêm nhiễm, vàng da hoặc các biến chứng khác có thể xảy ra do sỏi mật gây ra.
Phương pháp điều trị sỏi mật
Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng người, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt túi mật: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và được áp dụng rộng rãi nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ túi mật chứa sỏi bằng phương pháp nội soi hoặc mổ mở. Sau phẫu thuật, chức năng tiêu hóa của cơ thể vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên một số người có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy nhẹ trong thời gian ngắn.
- Sử dụng thuốc làm tan sỏi: Một số loại thuốc có thể giúp hòa tan sỏi mật, đặc biệt là các loại sỏi cholesterol. Tuy nhiên, quá trình này thường kéo dài, có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Ngoài ra, sỏi có thể tái hình thành nếu ngừng điều trị.
- Nội soi lấy sỏi: Với những trường hợp sỏi mật ở vị trí đặc biệt hoặc gây tắc mật, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để lấy sỏi trực tiếp.
- Điều trị triệu chứng: Đối với những trường hợp sỏi không gây triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị triệu chứng như giảm đau, chống viêm.
Cách phòng ngừa bệnh sỏi mật
Sỏi là một căn bệnh khá phổ biến, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, nhưng bạn có thể chủ động phòng ngừa và kiểm soát tình trạng này bằng các cách sau:
- Không bỏ bữa: Việc bỏ bữa hoặc nhịn ăn khiến túi mật hoạt động không đều, tăng nguy cơ hình thành sỏi. Hãy xây dựng một lịch ăn uống cố định để cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng.
- Ưu tiên chất xơ: Rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt là những nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giảm lượng cholesterol trong máu và ngăn ngừa sỏi mật hình thành.
- Hạn chế chất béo: Chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, là nguyên nhân chính gây ra sỏi. Hãy giảm thiểu việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh,…
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của sỏi mật. Hãy tập trung vào việc giảm cân từ từ và bền vững bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn.
- Uống đủ nước: Nước giúp làm loãng mật, giảm nguy cơ hình thành sỏi, đảm bảo đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga,… giúp tăng cường hoạt động của túi mật, giảm nguy cơ ứ đọng mật.
- Giữ tinh thần thoải mái: Stress cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi mật. Hãy tìm cách thư giãn, giảm căng thẳng bằng những hoạt động mình yêu thích.
Như vậy, bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về tình trạng sỏi mật, cũng như nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng rằng, với những kiến thức kể trên đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này và tự trang bị cho bản thân các cách thức phòng ngừa hiệu quả.