Sốt bao nhiêu độ là cao? Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ nhanh nhất tại nhà
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, sốt cao sẽ khiến trẻ khó chịu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong tình huống này, bố mẹ nào cũng muốn tìm cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ. Dưới đây là một số cách hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả mà bố mẹ có thể tham khảo.
Trẻ sốt bao nhiêu độ là cao?
Thân nhiệt bình thường của một người là 37ºC. Tuy nhiên, mức nhiệt này có thể dao động đối với mỗi người, trong khoảng 36,1°C – 37,2ºC hoặc có thể cao hơn. Sự thay đổi nhiệt độ này là phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ hoạt động cũng như thời điểm đo trong ngày. Càng lớn tuổi, thân nhiệt của một người sẽ thấp đi.
Vậy sốt bao nhiêu độ được cho là cao? Thân nhiệt của một người được tính là bị sốt khi nhiệt kế chỉ mức 38°C. Nhiệt độ sốt cao sẽ từ 38,5ºC trở lên.
Tương tự, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ bị sốt khi thân nhiệt dao động ở 38°C. Cụ thể hơn, trẻ sẽ bị sốt khi ở trong những trường hợp dưới đây:
- Nhiệt độ ở nách > 37,2°C
- Nhiệt độ ở miệng > 37,5°C
- Nhiệt độ ở tai > 38°C
- Nhiệt độ đo ở hậu môn > 38°C
Khi bị sốt, bạn cần phải nhanh chóng tìm cách hạ sốt tại nhà, tránh những trường hợp chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng, nguy cơ gây ra những biến chứng như biến chứng não, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm cơ tim, co giật, hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim,…
Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
Lau người cho bé bằng nước ấm
Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt quá cao có thể sẽ dẫn đến tình trạng co giật, vì thế bạn cần tích cực tìm cách hạ sốt cho trẻ. Một trong những cách hạ sốt hiệu quả nhanh nhất cho trẻ sau tiêm phòng, mọc răng hoặc viêm họng là lau mát cho bé với nước ấm theo từng bước:
- Cởi hết quần áo của bé.
- Dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, sau đó vắt hơi ráo.
- Đặt vào 2 bên nách và 2 bên háng của trẻ.
- Chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ.
Tiếp tục làm như vậy đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37°C). Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp làm mát cơ thể. Theo như thông thường, nhiệt độ sẽ hạ trong 30 – 45 phút.
Cho trẻ uống nhiều nước
Sốt sẽ khiến cho thân nhiệt của trẻ tăng cao và dẫn đến mất nước, lúc này một trong những cách hạ sốt nhanh cho trẻ là bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo cho cơ thể trẻ được cung cấp đủ nước. Hơn nữa, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một số các sản phẩm bù nước, bù điện giải bằng đường uống như hydrite, oresol để giúp bé hạ sốt hiệu quả hơn.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn để giúp bù nước cho trẻ, đồng thời cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
Hạ sốt cho trẻ bằng cách xông hơi
Nếu trẻ sốt kèm theo cơn rét run, kinh nghiệm hạ sốt cho bé được nhiều người chia sẻ là cho bé xông hơi. Đây là một trong những cách hạ sốt cho trẻ tại nhà đơn giản. Bạn chỉ việc đổ nước nóng vào chậu lớn hoặc bồn tắm, sau đó cho một vài giọt dầu khuynh diệp vào.
Nếu trẻ còn quá nhỏ, mẹ có thể ẵm con trên tay, riêng đối với những bé lớn hơn thì có thể cho bé ngồi dưới sàn. Khi xông hơi, bạn nên đảm bảo bé được trùm kín, hơi nước không quá nóng để tránh bị bỏng. Việc hít thở hơi nước nóng sẽ giúp loại bỏ bớt các chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp, từ đó trẻ bị sốt do cảm cúm sẽ thấy dễ chịu hơn.
Bổ sung các thực phẩm giàu canxi cho trẻ
Một số các chuyên gia tin rằng canxi có thể giúp hỗ trợ làm giảm thời gian trẻ bị bệnh. Khoáng chất này được hấp thu tốt nhất là từ thức ăn hoặc có thể bổ sung bằng các loại thuốc chuyên dụng.
Bạn hãy bổ sung canxi cho bé qua khẩu phần ăn hằng ngày bằng việc cho bé ăn các món ăn có nguyên liệu từ rau có màu xanh đậm, cá, yến mạch,… để bé mau chóng khỏi bệnh.
Bổ sung vitamin C cho trẻ
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, bố mẹ cần bổ sung thêm vitamin C cho trẻ, để giúp hỗ trợ sức đề kháng và hệ miễn dịch chống lại các tác nhân dẫn đến bệnh, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.
Bố mẹ có thể thêm các loại thực phẩm hoặc các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như bưởi, cam, quýt vào khẩu phần ăn của trẻ để giúp trẻ hạ sốt hiệu quả hơn.
Cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Việc nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc giúp trẻ mau chóng phục hồi hơn. Vốn dĩ cách này hiệu quả là vì suốt thời gian nghỉ ngơi, cơ thể sẽ tập trung năng lượng trong việc chữa lành những tổn thương thay vì dùng cho các hoạt động khác.
Nếu trẻ khó ngủ, bạn có thể chọn những hoạt động hạn chế việc tiêu hao năng lượng nhất như vẽ tranh, đố vui hoặc đưa cho bé một món đồ chơi mà bé thích. Đối với những trẻ lớn hơn, bạn hãy kể cho bé những câu chuyện cổ tích thú vị hoặc cùng với bé xem video.
Dùng miếng dán hạ sốt
Bạn có thể cho trẻ sử dụng miếng dán hạ sốt để giúp con bớt khó chịu hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, dù miếng dán hạ sốt được xem là cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ, nhưng nó lại không mang hiệu quả lâu dài và dứt điểm.
Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Sốt có thể sẽ khiến cho trẻ cảm thấy lạnh nhưng việc cho trẻ mặc quần áo quá dày, quá kín sẽ khiến cho thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn. Vì thế, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để có thể tỏa bớt nhiệt và giúp trẻ hạ sốt nhanh chóng.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Giảm thân nhiệt của trẻ bằng thuốc hạ sốt là cách hạ sốt cho trẻ được nhiều bố mẹ lựa chọn. Tùy vào độ tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe cũng như nguyên nhân gây sốt ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc với liều lượng phù hợp. Vì thế, bố mẹ lưu ý không được tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
Thông thường, ibuprofen và paracetamol là hai loại thuốc được dùng để giảm đau, hạ sốt cho trẻ. Trong đó:
- Paracetamol: Trẻ bị sốt cao, bố mẹ có thể cho trẻ uống Paracetamol 10-15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ. Lưu ý, không được cho trẻ uống paracetamol quá 5 lần/ngày, không nên tự ý dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Ibuprofen: Mỗi lần dùng cách nhau khoảng 6 giờ. Không được tự ý sử dụng ibuprofen để hạ sốt cho trẻ có cân nặng dưới 5kg hoặc trẻ dưới 3 tháng tuổi. Lưu ý, không nên dùng ibuprofen cho trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà
Ngoài áp dụng những cách hạ sốt cho trẻ đã gợi ý trên, bạn nên tham khảo một số lời khuyên dưới đây:
- Nếu trong 1-2 ngày mà bé vẫn không hết sốt, bạn hãy đưa bé đi khám.
- Nếu sốt kèm co giật, hãy cho bé nằm nghiêng và theo dõi chặt chẽ, để ý xem thời gian mỗi cơn co giật kéo dài trong bao lâu để cung cấp thông tin cho bác sĩ khi cần thiết. Không nên dùng vật cứng để cạy miệng bé hay cố dùng sức ghì bé lại.
- Tuyệt đối không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ bởi có thể sẽ gây tổn thương não của trẻ (hội chứng Reye).
- Đưa trẻ đi cấp cứu nếu trẻ bị sốt kèm theo những triệu chứng như đau bụng, đại tiện nhiều và phân lỏng, nôn nhiều, bỏ ăn, khó thở, ho nhiều, co giật, li bì,…
Qua những chia sẻ trên, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn cho mình những cách hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt, bố mẹ vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, kiểm tra nguyên nhân cũng như hướng dẫn chăm sóc đúng cách.