Sốt không rõ nguyên nhân: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Sốt không rõ nguyên nhân khi thân nhiệt ≥ 38,3° C (≥ 101° F), kéo dài ít nhất 3 tuần, không chẩn đoán được nguyên nhân. Bệnh có thể gây tử vong hoặc rối loạn bất thường trong các xét nghiệm thông thường như chụp X-quang phổi, xét nghiệm nước tiểu hay cấy máu.
Sốt không rõ nguyên nhân được chia làm 4 nhóm:
Phân loại | Định nghĩa | Các nguyên nhân thường gặp |
Sốt không rõ nguyên nhân cổ điển | – Thân nhiệt > 38,3° C – Sốt > 3 tuần – Khám ngoại trú ít nhất quá 3 lần hoặc theo dõi liên tục 3 ngày trong bệnh viện, chưa rõ nguyên nhân | Nhiễm trùng (virus, vi khuẩn,…), bệnh ác tính, bệnh mạch máu collagen |
Sốt không rõ nguyên nhân liên quan đến bệnh viện | – Thân nhiệt > 38,3° C – Nhập viện ≥ 24 giờ nhưng không sốt hoặc có ổ nhiễm trùng đang ủ bệnh khi nhập viện – Đánh giá ít nhất trong 3 ngày không rõ nguyên nhân | Viêm ruột do Clostridium difficile, sốt do thuốc, thuyên tắc phổi, viêm tắc tĩnh mạch nhiễm trùng, viêm xoang |
Sốt không rõ nguyên nhân do thiếu hụt miễn dịch | – Thân nhiệt > 38,3° C – Số lượng bạch cầu trung tính ≤ 500/mm3 – Đánh giá ít nhất trong 3 ngày không rõ nguyên nhân | Nhiễm trùng do vi khuẩn cơ hội, aspergillosis, candida, herpes virus |
Sốt không rõ nguyên nhân liên quan đến HIV | – Thân nhiệt > 38,3° C – HIV (+) – Sốt > 4 tuần đối với bệnh nhân ngoại trú và > 3 ngày đối với bệnh nhân nội trú | Cytomegalovirus, Mycobacterium avium phức hợp nội bào, viêm phổi do Pneumocystis carinii, dị ứng thuốc, Kaposi’s sarcoma (khối u mạch máu do virus Herpes ), lymphoma. |
Triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân
Triệu chứng sốt điển hình như:
- Nhiệt độ cơ thể trên 38,3 độ
- Toát mồ hôi
- Ớn lạnh
- Đau nhức đầu
Các triệu chứng khác đi kèm theo sốt như:
- Đau nhức toàn cơ thể
- Mệt mỏi
- Đau rát họng
- Ho
- Tắc nghẽn xoang
- Phát ban
- Suy giảm miễn dịch
- Có các đốm đỏ xuất huyết dưới da
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám kỹ hơn?
Khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên hãy liên hệ với bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm từ bác sĩ sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bệnh trở nặng và giúp bạn nhanh hồi phục sức khoẻ hơn.
Nguyên nhân dẫn đến sốt không rõ nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến sốt không rõ nguyên nhân được chia làm 4 loại:
- Nhiễm trùng (25 – 50%) là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sốt không rõ nguyên nhân bao gồm: thương hàn, các loại áp xe sâu trong ổ bụng, lao phổi, ký sinh trùng, nấm phổi,… Đối với bệnh nhân nhiễm HIV, phải tìm kiếm các nhiễm trùng cơ hội như lao phổi, nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacteria, các loại nấm lan toả,…)
- Rối loạn mô liên kết (10 – 20%) bao gồm: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp, viêm nút động mạch, viêm động mạch thái dương,…
- Bệnh ác tính như khối u, ung thư (5 – 35%) phổ biến như: u lympho, ung thư bạch cầu, bướu đặc trong ổ bụng, ung thư biểu mô tế bào và ung thư biểu mô di căn,… Tuy nhiên, tỷ lệ mắc sốt không rõ nguyên nhân do ung thư đang có chiều hướng giảm có thể do phát hiện khối u bằng phương pháp siêu âm và CT hiện đang được sử dụng rộng rãi.
- Các nguyên nhân khác (15 – 25%) như: do thuốc, sốt tâm lý ( ví dụ: nhiệt độ tự cao do yếu tố thần kinh tâm lý hơn là tổn thương thực thể, sốt giả tạo), thuyên tắc phổi, cơn tán huyết, hội chứng thực bào,…
Khoảng 10% người lớn không xác định rõ căn nguyên gây Sốt không rõ nguyên nhân.
Đối tượng nguy cơ
- Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ gặp phải Sốt không rõ nguyên nhân
- Không có yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải sốt không rõ nguyên nhân vì nguyên nhân chưa được làm rõ
Chẩn đoán Sốt không rõ nguyên nhân
Khai thác bệnh sử
- Lịch sử hoạt động, nơi cư trú hoặc hay lui tới, có đi du lịch hay tiếp xúc với thú, vật nuôi không
- Tính chất sốt như thế nào, trình tự xuất hiện và đặc điểm tính chất của các triệu chứng đi kèm với sốt
- Các bệnh lý đang mắc phải
- Các thuốc đang sử dụng hoặc đã sử dụng gần đây
- Tiền sử xã hội bao gồm các câu hỏi về các nguy cơ lây nhiễm như tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ cao, nhiều bạn tình, tiếp xúc với người bệnh (ví dụ như bệnh lao),…
Dấu hiệu lâm sàng
- Kiểm tra da để phát hiện ban đỏ khu trú (gợi ý vị trí nhiễm trùng) và phát ban (như: ban đỏ của bệnh lupus ban đỏ hệ thống). Kiểm tra đáy chậu và bàn chân, đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường, là những người dễ bị nhiễm trùng ẩn ở những vùng này. Nên kiểm tra các dấu hiệu của viêm nội tâm mạc, bao gồm các triệu chứng dưới da gây đau trên ngón tay (hạch Osler), các mảng xuất huyết trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân (tổn thương Janeway), chấm xuất huyết dưới móng tay.
- Thăm khám toàn cơ thể (đặc biệt trên cột sống, xương, khớp, bụng và tuyến giáp) tìm các vùng đau, sưng hoặc to; khám kỹ vùng trực tràng và vùng chậu. Khi gõ thấy răng bị đau gợi ý áp xe nướu. Ghi nhận bệnh lý hạch vùng hoặc toàn thân để phân biệt nguyên nhân gây nổi hạch.
- Khám thấy tiếng thổi ở tim, gợi ý viêm nội tâm mạc do vi khuẩn và tiếng chà xát gợi ý viêm màng ngoài tim do rối loạn thấp khớp hoặc nhiễm trùng.
- Đôi khi những bất thường chính về thể chất ở bệnh nhân sốt không rõ nguyên nhân không rõ ràng đến mức cần phải khám nhiều lần để xác định nguyên nhân.
Cận lâm sàng
Dựa vào tiến sử khai thác được và thông tin lâm sàng để chỉ định những phương pháp cận lâm sàng cho bệnh nhân.
Xét nghiệm:
- Công thức máu
- Tốc độ máu lắng (ESR)
- Các xét nghiệm về gan cũng như chỉ số men gan
- Nuôi cấy máu tìm vi khuẩn (tốt nhất là trước khi điều trị kháng sinh)
- Xét nghiệm kháng thể HIV, xét nghiệm nồng độ RNA, và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase
- Test da tuberculin hoặc xét nghiệm phát hiện phóng thích interferon-gamma
- Tìm kháng thể kháng nhân (ANA) và yếu tố dạng thấp (RF) để sàng lọc viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X quang ngực thường được tiến hành nhanh chóng với chi phí thấp
- Cần làm siêu âm tim nếu cấy máu dương tính hoặc có tiếng thổi ở tim hoặc các dấu hiệu ngoại vi cho thấy biểu hiện của viêm nội tâm mạc
- Chụp CT cho các bất thường tại bụng, khung chậu hoặc ngực rất hữu hiệu
- Chụp cộng hưởng từ MRI nhạy hơn so với CT trong việc phát hiện ra hầu hết các nguyên nhân của sốt không rõ nguyên nhân liên quan đến hệ thần kinh trung ương (CNS)
- Hình ảnh tĩnh mạch có thể hữu hiệu để xác định huyết khối tĩnh mạch sâu
- Quét bằng hạt nhân có hạt indium-111 báo hiệu có thể giúp xác định một số bệnh nhiễm trùng hoặc viêm
- Chụp PET cho kết quả những khu vực có hoạt động trao đổi chất cao là những khu vực bị viêm và nhiễm trùng có thể hữu ích trong phát hiện tiêu điểm của cơn sốt
Sinh thiết
Trong trường hợp nghi ngờ những bất thường trong mô có thể chỉ định sinh thiết (ví dụ: gan, tủy xương, da, màng phổi, hạch bạch huyết, ruột, cơ). Các mẫu sinh thiết được đánh giá bằng xét nghiệm mô học và nuôi cấy tìm vi khuẩn, nấm, virus và Mycobacteria hoặc xét nghiệm phân tử (phản ứng chuỗi polymerase). Sinh thiết cơ hoặc sinh thiết da phát ban có thể xác định viêm mạch. Sinh thiết động mạch thái dương hai bên có thể xác nhận viêm tuỷ tế bào khổng lồ ở những bệnh nhân lớn tuổi có tăng tốc độ lắng máu không rõ nguyên nhân.
Phòng ngừa bệnh
Chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục đều đặn, nâng cao sức khoẻ
- Có lối sống lành mạnh, tích cực, tránh những căng thẳng, lo âu
- Khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, tầm soát bệnh
- Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
- Liên hệ bác sĩ ngay khi cơ thể có những biểu hiện biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị
- Giữ tinh thần lạc quan trong quá trình điều trị bệnh
Chế độ dinh dưỡng
- Ăn uống khoa học là điều cần thiết đối với bệnh nhân bị sốt kéo dài để tránh tình trạng mệt mỏi, chán ăn, dễ sụt cân. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ và ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt
- Bổ sung đủ loại rau củ quả chứa nhiều vitamin
- Uống 2 – 3l nước mỗi ngày, nếu bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi có thể bổ sung nước điện giải nếu cần, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ
Điều trị bệnh như thế nào
- Cần đánh giá mức độ nặng của bệnh song song với nguyên nhân gây sốt
- Lựa chọn thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân
- Có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen,… nhưng phải thận trọng và kết hợp với theo dõi thường xuyên cơn sốt kéo dài
- Nếu có nghi ngờ sốt do thuốc thì phải tạm ngừng thuốc đang sử dụng