Sự phát triển của thai 14 tuần và những thay đổi của mẹ bầu
Thai 14 tuần tuổi đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai. Đây là thời điểm cơ thể mẹ bầu bắt đầu trải qua những chuyển biến rõ rệt. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết về sự phát triển của thai nhi cũng như các thay đổi của mẹ bầu ở giai đoạn 14 tuần.
Thai 14 tuần nặng bao nhiêu kg?
Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi 14 tuần đã phát triển đáng kể so với những tuần đầu. Cổ của thai nhi trở nên rõ ràng hơn và giữ được đầu thẳng hơn. Toàn thân bé được bao phủ bởi một lớp lông tơ mềm để giữ ấm cơ thể.
Khi siêu âm, mẹ bầu cũng có thể thấy rõ các chi tiết trên khuôn mặt bé như trán, mũi và cằm. Trong tuần này hoặc tuần thứ 15, mẹ đã có thể xác định được giới tính của bé.
Lúc này, cân nặng của bé thường dao động từ khoảng 78 đến 104g và chiều dài từ đầu đến mông khoảng 8,5 đến 10cm. Thai nhi lúc này có kích thước gần bằng một quả chanh.
Thai 14 tuần thường có cân nặng dao động từ 70 – 104g
Quá trình phát triển của thai nhi 14 tuần tuổi
Nhiều cơ quan và hệ thống của thai 14 tuần đã bắt đầu hoàn thiện và chức năng hóa. Lá lách và gan đã bắt đầu sản xuất hồng cầu và mật, trong khi thận đã có thể lọc nước tiểu và thải ra nước ối.
Các chi của bé cũng trở nên linh hoạt hơn, bé đã có thể nấc, ưỡn mình, giơ tay chân và đạp qua lại. Tuy nhiên, mẹ vẫn chưa thể cảm nhận rõ ràng những chuyển động này vì thành tử cung còn khá dày.
Thai nhi cũng có khả năng nghe âm thanh từ bên ngoài bụng mẹ và mắt bé bắt đầu cảm nhận ánh sáng. Vì vậy, lúc này bố mẹ nên bắt đầu nói chuyện, cười hoặc hát cho con nghe.
Thai nhi 14 tuần tuổi cũng có khả năng cử động miệng và nuốt từng ngụm nhỏ nước ối, sau đó lượng nước này đi vào dạ dày, qua thận và bài tiết trở lại vào nước ối. Thậm chí, phân su đã xuất hiện trong ruột thai nhi.
Mẹ bầu mang thai 14 tuần có những thay đổi gì?
Ở tuần thứ 14 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ trải qua nhiều thay đổi đáng kể về thể chất và cảm xúc như:
Thay đổi về thể chất
Ở tuần thứ 14, mẹ bầu sẽ trải qua nhiều thay đổi thể chất rõ rệt bao gồm:
- Tăng cân: Mẹ có thể tăng từ 1 đến 2 kg do sự phát triển của thai nhi và sự tích tụ của dịch ối.
- Giảm triệu chứng nghén: Các triệu chứng nghén như buồn nôn và mệt mỏi thường giảm bớt so với 3 tháng đầu do cơ thể mẹ đã thích nghi với việc mang thai.
- Vùng ngực to lên: Ngực sẽ tiếp tục phát triển trong tuần thứ 14, với những thay đổi như quầng vú trở nên sậm màu hơn. Tuy nhiên, sự nhạy cảm ở vùng ngực đã giảm dần so với giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Dễ bị nghẹt mũi: Hormone thai kỳ có thể làm tăng sự lưu thông máu đến các màng nhầy, khiến mẹ dễ bị nghẹt mũi.
- Vùng kín ẩm ướt: Bà bầu mang thai tuần thứ 14 có thể trải qua tình trạng tăng lượng dịch âm đạo, khiến vùng kín cảm thấy ẩm ướt và tiết ra nhiều chất dịch có màu trắng đục.
- Da dẻ thay đổi: Một số mẹ bầu có thể thấy da mình trở nên sáng hơn hoặc xuất hiện những mảng nám do thay đổi hormone.
Mẹ bầu mang thai 14 tuần tuổi sẽ có những thay đổi đáng kể về mặt thể chất
Thay đổi về cảm xúc
Ở tuần thứ 14 của thai kỳ, cảm xúc của mẹ bầu thường trở nên ổn định hơn so với những tuần đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu thống kê cho thấy khoảng 14 – 25% phụ nữ mang thai có thể gặp tình trạng trầm cảm trước khi sinh.
Tình trạng này thường xuất hiện do cảm xúc lo lắng về những vấn đề cuộc sống sau sinh. Vì vậy, mẹ bầu thai 14 tuần nên xây dựng một tâm lý thoải mái để đảm bảo sức khỏe tốt trước khi sinh nở.
Giữ vững tâm lý khi mang thai sẽ giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh
Cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi 14 tuần
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi 14 tuần tuổi, mẹ bầu cần chú ý những điều sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như sắt, canxi, protein, axit folic và các loại vitamin để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để duy trì sức khỏe và sự dẻo dai.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng để cơ thể có thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng.
- Thường xuyên nói chuyện với con: Mẹ nên áp dụng các phương pháp giao tiếp với con để kích thích các giác quan của trẻ như đọc sách, kể chuyện, cho bé nghe nhạc…
- Thăm khám định kỳ: Đi khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ.
Giai đoạn mang thai 14 tuần là một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình mang thai của mẹ bầu. Việc hiểu rõ về sự phát triển của thai nhi và những thay đổi của cơ thể sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.