Phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên
Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, … Vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Bài viết sau sẽ giúp nhận biết dấu hiệu và cách phòng tránh rối loạn tâm thần.
Sức khỏe tâm thần là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần hay bất kỳ vấn đề gì về tinh thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.
Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác, giới tính cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.
Dấu hiệu nhận biết mắc các rối loạn tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần là một trong những lĩnh vực rất phức tạp, một số rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp như:
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực;
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng;
- Rối loạn trầm cảm sau sinh;
- Rối loạn lo âu lan tỏa;
- Ám ảnh sợ xã hội;
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
- Rối loạn stress sau sang chấn;
- Tâm thần phân liệt;
- Rối loạn ăn uống.
Mỗi chứng rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ có các biểu hiện đặc trưng khác nhau, tuy nhiên một số dấu hiệu chung phổ biến có thể kể đến như:
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều;
- Trí nhớ giảm và khó tập trung;
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
- Cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc;
- Bị trơ cảm xúc hoặc khó đồng cảm;
- Cảm thấy khó hòa nhập với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và rút lui khỏi các hoạt động xã hội;
- Không còn quan tâm tới các hoạt động, dù là hoạt động từng rất yêu thích;
- Cảm thấy bản thân không có giá trị, vô vọng, vô dụng, là một gánh nặng;
- Cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng liên tục trên 2 tuần;
- Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ bị kích động, bộc phát cảm xúc;
- Vấn đề trong các mối quan hệ, có thể là mâu thuẫn, lạnh nhạt, xa cách;
- Liên tục có suy nghĩ hồi tưởng hoặc hành vi lặp đi lặp lại;
- Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại;
- Có ý nghĩ làm tổn thương, gây hại chính mình hoặc người khác;
- Cảm thấy khó thực hiện các hoạt động và công việc hàng ngày, tiêu biểu như kết quả học tập và hiệu quả công việc giảm sút mà không rõ lý do;
- Nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy.
Triệu chứng rối loạn này rất khó nhận thấy và đôi khi chính bản thân bạn không nhận ra, vì vậy đừng chủ quan bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào và nhờ sự giúp đỡ của người thân để phát hiện và can thiệp kịp thời.
Phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên
Việc phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên đòi hỏi sự quan tâm từ nhiều phía, bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Dưới đây là một số cách thức hiệu quả:
- Giáo dục về sức khỏe tâm thần: Tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần thông qua các chương trình giáo dục, giúp thanh thiếu niên hiểu rõ về các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tâm thần, từ đó biết cách tự bảo vệ mình.
- Tạo môi trường hỗ trợ: Xây dựng một môi trường học tập và gia đình tích cực, nơi thanh thiếu niên cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ.
- Khuyến khích hoạt động thể chất: Tham gia vào các hoạt động thể chất giúp giảm stress, tăng cường sức khỏe tâm thần và cải thiện tâm trạng.
- Giúp thanh thiếu niên phát triển kỹ năng sống: Dạy các kỹ năng quản lý stress, giải quyết xung đột và giao tiếp hiệu quả.
- Thúc đẩy mối quan hệ xã hội: Khuyến khích thanh thiếu niên tham gia các hoạt động xã hội, tạo mối quan hệ lành mạnh với bạn bè và người thân.
- Hỗ trợ chuyên nghiệp: Khi cần thiết, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, bản thân thanh thiếu niên cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt. Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường.Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.
Phương pháp 5 – 4 – 3 – 2 – 1: giúp lấy lại bình tĩnh trong vòng 1 phút
Đây là một phương pháp tâm lý cực kỳ đơn giản, giúp đưa bạn về trạng thái cân bằng cuộc sống, dựa trên 5 giác quan cơ bản: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi bắt đầu bài tập cần chú ý đến nhịp thở nên chậm, sâu và dài. Cùng thực hiện nhé. Hãy nhìn xung quanh và:
- Xác định 5 thứ bạn nhìn thấy mà ít khi để ý đến. Nó có thể là một cây bút, một điểm trên trần nhà, bất cứ thứ gì trong môi trường xung quanh bạn.
- Tìm 4 thứ bạn có thể chạm, và cảm nhận nó. Có thể là bất kỳ thứ gì – tóc, nền nhà, đôi giày đang đi, chiếc nhẫn đang đeo…
- Lắng nghe 3 âm thanh bạn nghe được. Đó cũng có thể là tiếng gió, tiếng đồng hồ, …
- Tìm 2 mùi hương bạn đang ngửi thấy. Nếu bạn đang trong phòng, hãy ngửi mùi chiếc gối, hoặc đang đi dạo bên ngoài hãy ngửi mùi hương một loài hoa.
- Thử nếm 1 thứ, có thể là chính chiếc lưỡi của bạn hoặc 1 viên kẹo cao su.
Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên là một vấn đề quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của rối loạn tâm thần và có những biện pháp phòng tránh hiệu quả không chỉ giúp thanh thiếu niên vượt qua khó khăn mà còn đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của họ. Gia đình, nhà trường và xã hội cần cùng nhau tạo dựng một môi trường tích cực, nơi mà thanh thiếu niên cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ, từ đó giúp họ phát triển toàn diện về mặt tâm lý và xã hội.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.