Sucralfate là gì? Liều dùng và cách sử dụng hiệu quả
Sucralfate là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giúp điều trị các bệnh lý về dạ dày như loét dạ dày, viêm loét tá tràng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về sucralfate, từ thành phần, công dụng cho đến những lưu ý khi sử dụng.
Tổng quan về Sucralfate
Sản phẩm Sucralfate gel bào chế ở dạng hỗn dịch uống, trong mỗi gói 5ml có chứa các thành phần sau:
- Hoạt chất chính: Sucralfate 1g
- Thành phần tá dược như HPMC 615, Sorbitol 70%, PEG 6000, Sucralose, Colloidal Silicon dioxide, Methyl paraben, Propylene glycol, Propyl paraben, Hương dâu, Nước tinh khiết vừa đủ 5ml.
Hoạt chất Sucralfate thuộc nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, dùng chủ yếu trong điều trị loét dạ dày, tá tràng.
Chỉ định và chống chỉ định khi dùng
Chỉ định
Bạn có thể sử dụng thuốc này để điều trị chứng viêm loét ruột. Sucralfate hình thành nên một lớp bao phủ ngoài trên chỗ viêm loét, bảo vệ chỗ viêm loét không bị tổn Ngoài ra, thuốc này còn giúp ngăn ngừa cũng như điều trị chứng loét dạ dày hoặc những vết loét do dùng nhiều thuốc aspirin hoặc những thuốc kháng viêm khác (như naproxen, ibuprofen,…).
Chống chỉ định
Thuốc Sucralfate chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với sucralfate hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Liều lượng và cách dùng thuốc
Liều dùng Sucralfate
Liều khuyến cáo của Sucralfate cho người trưởng thành và trẻ em trên 15 tuổi:
Loét tá tràng, viêm dạ dày: Sucralfate 2g/lần, 2 lần/ngày (buổi sáng và tối trước khi đi ngủ) hoặc Sucralfate 1g/lần, 4 lần/ngày (1 giờ trước 3 bữa ăn và trước khi đi ngủ), thời gian từ 4 đến 8 tuần (nếu cần có thể kéo dài tối đa 12 tuần). Liều tối đa của Sucralfate là 8g/ngày.
Loét dạ dày lành tính: Sucralfate 1g/lần, 4 lần/ngày. Người bệnh cần duy trì điều trị đến khi vết loét được lành hẳn (thông qua phương pháp nội soi), thời gian thông thường là khoảng 6-8 tuần.
Dự phòng tái phát loét tá tràng: Sucralfate 1g/lần, 2 lần/ngày, thời gian điều trị tối đa là 6 tháng. Nguyên nhân dẫn đến tái phát loét tá thường là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, vì vậy để điều trị hoàn toàn cần phác đồ diệt trừ H.P bằng các loại kháng sinh.
Dự phòng loét do stress: Uống 1 gói Sucralfate gel mỗi lần, 4 lần/ngày, liều tối đa là 8g Sucralfate mỗi ngày;
Phòng xuất huyết dạ dày ruột khi loét do stress: Sucralfate 1g/lần, uống 6 lần/ngày, tối đa 8g/ngày.
Viêm loét miệng: Súc miệng bằng hỗn dịch Sucralfate 1g/5ml, 4 lần/ngày.
Liều Sucralfate khuyến cáo cho trẻ em dưới 15 tuổi:
1 tháng – dưới 24 tháng: Sucralfate 250mg/lần, 4 – 6 lần/ngày
2 tuổi – dưới 12 tuổi: Sucralfate 500mg/lần, 4 – 6 lần/ngày
12-15 tuổi: Sucralfate 1g/lần, 4 – 6 lần/ngày.
Liều Sucralfate cho người suy thận: Sucralfate hấp thu rất ít tuy nhiên vẫn có nguy gây tích lũy ở người suy chức năng thận. Vị vậy, phải thận trọng khi dùng trong trường hợp này.
Cách dùng Sucralfate
Dùng theo đường uống, nên uống Sucralfat lúc đói, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Đi cấp cứu ngay nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng sau đây: khó thở, phát ban, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Một số các tác dụng phụ ít nghiêm trong hơn bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở dạ dày
- Đau dạ dày
- Tiêu chảy, táo bón
- Ngứa nhẹ hoặc phát ban ở da
- Các vấn đề về giấc ngủ (chứng mất ngủ)
- Choáng váng, cảm giác quay cuồng, buồn ngủ
- Đau lưng
- Đau đầu.
Không phải ai cũng sẽ gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có một số tác dụng phụ khác không được đề cập đến. Do đó, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tương tác thuốc
Một số nghiên cứu chứng minh rằng việc sử dụng đồng thời Sucralfate có thể làm giảm mức độ hấp thu (sinh khả dụng) liều đơn của các hoạt chất như Cimetidin, Digoxin, kháng sinh nhóm fluoroquinolone, Ketoconazole, L-thyroxine, Phenytoin, Quinidine, Ranitidine, Tetracycline và Theophylline. Do đó, cần sử dụng các sản phẩm này cách thời điểm uống Sucralfate ít nhất 2 giờ.
Thời gian prothrombin không đạt mục tiêu điều trị của Warfarin khi dùng đồng thời Sucralfate đã được báo cáo. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lâm sàng tin cậy đã chứng minh Sucralfate không làm thay đổi nồng độ Warfarin huyết thanh hoặc thời gian prothrombin.
Có thể kết hợp các thuốc Antacid và Sucralfate trong điều trị triệu chứng đau bụng của loét tá tràng. Điều đặc biệt lưu ý là không uống cùng lúc cả 2 vì Antacid có thể ảnh hưởng đến sự gắn của Sucralfate vào lớp niêm mạc.
Quên liều, quá liều và cách xử trí
Quá liều và cách xử trí
Trong những trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Quên liều và cách xử trí
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng nó càng sớm càng tốt. Tuy vậy, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không nên dùng gấp đôi liều đã được quy định.
Cách bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản thuốc trong ngăn đá hoặc trong phòng tắm. Bạn nên nhớ, mỗi loại thuốc có thể sẽ có các phương pháp bảo quản khác nhau. Do đó, bạn nên đọc kỹ các hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Nên giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.
Lưu ý khi dùng thuốc
Trước khi dùng thuốc sucralfate, bạn nên báo với bác sĩ nếu:
- Bạn đang trong quá trình mang thai hoặc cho con bú. Bởi vì trong giai đoạn này, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ
- Bạn đang dùng bất cứ loại thuốc khác, kể cả những thuốc kê đơn hoặc thuốc không được kê đơn, sản phẩm thảo dược hoặc thực phẩm chức năng
- Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc bất kỳ thuốc nào khác.
Hiện vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu để xác định rủi ro khi sử dụng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Sucralfate được xem là người bạn đồng hành trong những cơn đau dạ dày. Để có thể sử dụng Sucralfate an toàn và hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng. Hãy chia sẻ bài viết này để giúp những người khác hiểu rõ hơn về loại thuốc này.