Tác dụng của cây nhọ nồi trong y học và những bài thuốc cần biết
Cây nhọ nồi là thực vật thuộc họ nhà cúc, có tên khoa học là Eclipta prostrata L. Trong dân gian, loại cây này còn được biết đến với những cái tên như cỏ mực, hàn liên thảo, bạch hoa thảo, hay thủy hạn liên.
Cây nhọ nồi là cây gì?
- Cây nhọ nồi thuộc loại thân thảo, cao 30 – 40cm, cây mọc thẳng, đôi khi bò lan rồi vươn thẳng. Thân màu lục hoặc đỏ tía, phình lên ở những mấu, có lông cứng.
- Lá mọc đối hình mác, mép có khía răng rất nhỏ, có lông ở 2 mặt.
- Cụm hoa màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành.
Sở dĩ cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mực, là bởi vì khi dùng tay vò nát, người ta thấy từ cây chảy ra loại nước có màu đen giống như mực.
Thành phần hoá học
Trong cây Nhọ nồi có một số thành phần hóa học như: tinh dầu, tanin, caroten, chất đắng và alkaloid gọi là ecliptin. Trong một vài tài liệu cho rằng, trong cỏ Nhọ nồi có chứa chất wedelolacton – một chất curmarin lacton và tách được flavonoid cũng như demetylwedelacton. Giống như vitamin K, cỏ nhọ nồi có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin, có hiệu quả trong cầm máu, chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm.
Cây nhọ nồi có tác dụng gì?
Mặc dù chưa có những nghiên cứu chính thức chứng minh hiệu quả điều trị bệnh của cây nhọ nồi nhưng không thể phủ nhận những lợi ích khi kết hợp dược liệu nhọ nồi trong các bài thuốc Đông y và những hoạt chất có lợi trong thành phần.
- Theo y học hiện đại: Bên trong cây nhọ nồi chứa rất nhiều thành phần như tanin, caroten, các alkaloid và chất đắng.
- Theo y học cổ truyền: Cây nhọ nồi có tính hàn, vị đắng nhẹ, hơi chua và không có tính độc. Quy kinh can, thận. Loại dược liệu này được sử dụng chủ yếu trong các bài thuốc chữa bệnh gan, vàng da, bồi bổ sức khỏe, chữa đau răng. Tại Trung Quốc, phần thân của cây nhọ nồi có tác dụng cầm máu, khắc phục tình trạng tiểu ra máu, đau lưng. Viện Dược liệu đã chỉ ra khả năng chống đông máu của loại cây này, cầm máu ở tử cung.
Tốt cho chức năng gan
Cây nhọ nồi chữa bệnh gan đã được chỉ định trong các tình trạng có rối loạn gan và túi mật, bao gồm viêm gan nhiễm trùng, xơ gan, gan to và bệnh túi mật.
Cơ chế hoạt động giúp cây nhọ nồi chữa bệnh gan là nhờ vào các hợp chất có hoạt tính y học, bao gồm coumestans, alkaloid, thiopenes, flavonoid, polyacetylenes, saponin triterpene và glycoside của chúng. Trong đó, coumestan được ghi nhận với các hoạt động dược lý đa dạng, như giảm viêm gan thông qua ức chế yếu tố hạt nhân trung gian gây viêm khoảng kẽ, gây ra quá trình tự chết (apoptosis) trong tế bào hình sao gan đã hoạt hóa. Các thành phần còn lại trong cây nhọ nồi cũng đều được ghi nhận là có hoạt tính chống xơ hóa ở gan và hoạt động chống khối u trong các dòng tế bào ung thư gan.
Kháng khuẩn
Cây nhọ nồi có công dụng ức chế các chủng vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu, Bacillus anthracis, Bacillus subtilis.
Nghiên cứu về tác dụng chiết suất cỏ nhọ nồi, được thực hiện trên nhóm chuột bị gây nhiễm trùng bằng đường tiêm. Kết quả cho thấy cỏ nhọ nồi có thể cải thiện được quá trình điều trị chuột nhiễm trùng nặng và choáng nhiễm khuẩn tại nồng độ 20mg/ml.
Giảm đau
Cây nhọ nồi được coi là một phương pháp chữa đau răng tốt. Chỉ cần xoa bột lên nướu và bạn có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt chỉ trong vài phút. Chiết xuất ethanol và alkaloid có trong cây nhọ nồi giúp giảm đau.
Chữa rối loạn tiêu hoá
Khi được dùng đường uống, nhọ nồi được phát hiện có thể làm dịu bất kỳ rối loạn nào trong dạ dày, cụ thể là chứng khó tiêu hoặc táo bón. Nó hoạt động hiệu quả đối với chức năng bình thường đối với những vùng này của cơ thể do chứa nhiều chất hóa học và hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong chiết xuất của cây cỏ thảo mộc này.
Chữa viêm đường hô hấp
Nhọ nồi khá có lợi cho những người bị viêm đường hô hấp mạn tính và ho. Bản chất kháng khuẩn của chiết xuất cây cỏ này có thể làm sạch nhiễm trùng, sạch đờm – nơi các mầm bệnh khác có thể đang phát triển.
Chữa nhiễm trùng bàng quang
Tình trạng bệnh nhiễm trùng bàng quang dễ dẫn đến việc suy thận, đặc biệt người lớn tuổi sẽ có nguy cơ bệnh cao hơn. Do đó, khi gặp bệnh này bạn có thể dùng cỏ mực bởi chúng sẽ giúp ngăn ngừa tốt các biến chứng nhiễm khuẩn huyết do viêm đường tiết niệu hay viêm bàng quang gây nên.
Chống ung thư
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cỏ nhọ nồi giúp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong gan. Nghiên cứu còn hạn chế, có vẻ như các phân tử hữu cơ được tìm thấy trong cây nhọ nồi phá vỡ các phân tử DNA để tăng sinh tế bào ung thư, do đó có tác dụng gây độc tế bào và giết chết những tế bào đột biến, nguy hiểm đó.
Cầm máu
Trong dân gian, nhọ nồi thường được sử dụng như loại thuốc bổ máu, chữa ho ra máu, chảy máu cam… Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu vì khả năng làm tăng tổng lượng prothrombin (yếu tố giúp đông máu), có cơ chế giống với vitamin K (là thành phần quan trọng giúp tổng hợp ra các yếu tố đông máu). Hoạt tính cầm máu của 1g bột nhọ nồi khô tương đương với 1,33 mg vitamin K.
Các bài thuốc phổ biến từ cây nhọ nồi
Thuốc giảm béo
Cỏ nhọ nồi 15g hãm với nước sôi, uống hàng ngày thay cho trà.
Thuốc nhức đầu
Cỏ nhọ nồi 10g, thục địa 12g, đương qui 10g, thanh khao 6g, xuyên khung 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm tối. Dùng cho bệnh huyết hư đầu váng.
Thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Cỏ nhọ nồi 10g, lư căn tươi 30g, ô mai 5 quả, mạch môn đông 10g, ngọc trúc 10g, nam sa sâm 10g, nữ trinh tử 10g. Sắc thuốc mỗi ngày uống một thang.
Thuốc hỗ trợ điều trị viêm dạ dày
Cỏ nhọ nồi 12g, táo tàu 10 quả. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm tối. Dùng cho người loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết..
Thuốc cầm máu
12g nhọ nồi khô hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.
Viên cỏ mực – cóc kèn: cao lỏng cỏ mực một phần, bột mịn lá cóc kèn 2 phần, tá dược vừa đủ làm viên nén 200mg. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.
Thuốc an thần khi mãn kinh
Cỏ nhọ nồi 9g, hoàng cầm 9g, hồng hoa 9g, đương quy 9g, xuyên khung 6g, hoa cúc 9g, bạch thược 12g, sinh địa 12g, lá dâu 9g, ngưu tất 9g và nữ trinh tử 9g. Sắc uống một thang thuốc một ngày.
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng cây nhọ nồi làm dược liệu chữa bệnh?
Khi sử dụng cây nhọ nồi, cần lưu ý những điều sau:
- Người viêm đại tràng mạn tính, có đại tiện phân lỏng, và sôi bụng không nên sử dụng cỏ nhọ nồi.
- Phụ nữ mang thai cần chú ý rằng cỏ nhọ nồi không gây giãn mạch hoặc hạ huyết áp, nhưng có thể gây sảy thai, do đó cần thận trọng khi sử dụng.