Táo bón kéo dài: Khi nào cần gặp bác sĩ?
Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới.Thỉnh thoảng táo bón thì nguyên nhân có thể là do bạn ăn uống khô khan, thiếu chất xơ, hay ít uống nước. Thế nhưng, táo bón lâu ngày trong nhiều tuần liền thì có thể gây biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của táo bón kéo dài ở bài viết dưới đây.
Táo bón là gì? Các yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng này
Táo bón là gì?
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa. Người bị táo bón sẽ có tình trạng đại tiện khó khăn, chậm đi tiêu, phân khô và cứng, rặn lâu khiến hậu môn đau rát thậm chí còn chảy máu. Thông thường, ở người lớn nếu không đi đại tiện quá 3 ngày và ở trẻ em không đi đại tiện 3 lần/1 tuần thì được xem là táo bón.
Táo bón kéo dài là tình trạng đi vệ sinh dưới 3 lần mỗi tuần, kéo dài trong nhiều tuần, gây hại cho đường tiêu hóa và sức khỏe. Táo bón kéo dài là dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ.
Các yếu tố nguy cơ của táo bón kéo dài
Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp song các yếu tố dưới đây cũng góp phần gây ra táo bón lâu ngày, cần kiểm soát để ngăn ngừa tình trạng bệnh:
- Người mắc hội chứng ruột kích thích: Tuy chưa xác định được chính xác mối quan hệ giữa hội chứng ruột kích thích với tình trạng táo bón lâu ngày song đây cũng được xem là yếu tố có nguy cơ cao.
- Tinh thần lo lắng: Khi bạn bị căng thẳng, lo lắng, cơ thể sẽ tự động ưu tiên các chức năng thần kinh, nội tiết và tuần hoàn, vì thế chức năng tiêu hóa có khả năng bị đình trệ. Đặc biệt là đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu, tình trạng lo lắng này không thể biến mất nên chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng khá nhiều, dẫn tới táo bón lâu ngày.
- Người bị trầm cảm: Trầm cảm là một trong những bệnh lý tâm lý nguy hiểm, khiến cho người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, lười vận động, suy nghĩ theo hướng tiêu cực, thay đổi thói quen ăn uống. Đây đều là những lý do khiến người mắc bệnh trầm cảm dễ mắc táo bón hơn.
- Phụ nữ mang thai: Mang thai khiến nội tiết tố trong cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự gia tăng của hormone progesterone khiến cho cơ ruột khó co lại hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng táo bón kéo dài rất thường gặp ở những phụ nữ mang thai, trung bình với tỉ lệ 2/5.
Táo bón kéo dài rất thường gặp ở phụ nữ mang thai
- Mắc bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường cũng là một vấn đề có liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể. Cơ chế của bệnh lý này là do cơ thể không sản xuất đủ hormone insulin để phân hủy lượng đường có trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Trong đó, nếu các dây thần kinh kiểm soát đường tiêu hóa bị tổn thương sẽ dẫn đến táo bón.
- Suy giáp: Tuyến giáp một khi bị suy giảm chức năng sẽ dẫn đến việc sản xuất không đủ hormon, có thể tác động mạnh đến sự trao đổi chất của cơ thể. Khi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm sẽ khiến toàn bộ quá trình tiêu hóa cũng bị chậm lại, từ đó gây ra chứng táo bón.
- Đang sử dụng một số loại thuốc điều trị: Đôi khi, việc bị táo bón lâu ngày có thể không phải là do các vấn đề về sức khỏe mà lại do các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh khác. Dưới đây là một số thuốc có khả năng gây táo bón:
- Thuốc giảm đau: codeine, morphine
- Thuốc chẹn kênh canxi điều trị bệnh tim và bệnh cao huyết áp
- Thuốc điều trị co thắt cơ cholinergic
- Thuốc điều trị bệnh động kinh
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson
- Thuốc hỗ trợ lợi tiểu
- Thuốc kháng axit cho dạ dày, đặc biệt là các loại thuốc kháng axit có chứa nhiều canxi.
- Thuốc bổ sung canxi, sắt
- Thuốc trị tiêu chảy
Nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo táo bón kéo dài
Nguyên nhân táo bón kéo dài là gì?
- Táo bón lâu ngày do chế độ ăn uống
Tình trạng táo bón là sự cảnh báo rõ ràng nhất cho thấy lối sống của bạn đang kém lành mạnh, điển hình như: ăn nhiều thực phẩm nhanh, ăn ít chất xơ, uống ít nước, lười hoạt động thể chất,…
Dưới đây là những thói quen xấu trong lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh dẫn tới táo bón bạn cần cải thiện:
- Nhịn đi vệ sinh: Do bận rộn công việc, tâm lý căng thẳng hay lười vận động mà nhiều người đã bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh. Điều này khiến phân bị ứ đọng lâu hơn trong trực tràng và khiến táo bón ngày càng trầm trọng hơn.
- Ăn ít chất xơ: Chất xơ giúp hoạt động của hệ tiêu hóa làm việc trơn tru, hiệu quả và dễ dàng hơn. Bạn nên tăng cường bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm như: rau đay, mồng tơi, chuối tiêu, khoai lang luộc,… Đặc biệt nếu bữa ăn có quá nhiều chất béo từ các loại thực phẩm phô mai, chiên, rán thì không thể thiếu chất xơ bổ sung.
- Lạm dụng các loại thức uống không lành mạnh: Táo bón dễ xuất hiện hơn ở người uống quá nhiều bia rượu, thức uống chứa nhiều caffeine. Không những vậy, những thức uống này còn không tốt cho dạ dày và sức khỏe tinh thần.
- Táo bón kéo dài do nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng táo bón kéo dài có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý bao gồm:
- Nứt hậu môn
- Ung thư đại tràng hoặc ung thư ở vùng bụng
- Tắc nghẽn ruột hoặc hẹp đại tràng
- Chứng sa trực tràng
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến hormone gồm cường giáp, suy giáp, đái tháo đường, …
- Do nguyên nhân dinh dưỡng
Ở một số người, việc thiếu hụt hoặc dư thừa nhóm dinh dưỡng nhất định có thể gây ra tình trạng táo bón kéo dài như:
- Dư thừa canxi: Tình trạng này thường gặp ở những người uống quá nhiều viên bổ sung canxi, dẫn đến bị giảm nhu động ruột, phân bị giữ trong ruột lâu hơn, nước bị tái hấp thu nhiều lần hơn. TÌnh trạng dư thừa canxi kéo dài càng kéo dài thì phân càng trở nên khô cứng và khó đẩy ra ngoài.
- Dư thừa sắt: Những người uống quá nhiều viên sắt bổ sung cũng là nguyên nhân làm giảm nhu động trực tràng, khiến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn.
Dư thừa sắt và canxi cũng là nguyên nhân gây táo bón kéo dài
Dấu hiệu táo bón kéo dài
Những triệu chứng táo bón kéo dài phổ biến bao gồm:
- Táo bón trên 12 tuần/năm trước đó, mặc dù có thể không liên tục.
- Số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần và giảm dần theo mức độ nghiêm trọng của táo bón
- Đi đại tiện thường khó khăn: rặn nhiều, vận động các cơ bụng, cơ hoành nhiều trong thời gian dài
- Phân rắn, lổn nhổn từng cục
- Đi đại tiện có hiện tượng ra máu tươi do dùng lực rặn mạnh dẫn đến niêm mạc hậu môn bị xây xát, tổn thương
- Đau bụng dữ dội kèm theo cảm giác chướng hơi, đầy bụng
- Thường xuyên cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.
Dấu hiệu của người bị táo bón
Biến chứng của táo bón kéo dài
Từ những triệu chứng táo bón ban đầu, nếu không để ý và điều trị sớm, táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng, khiến các chất cặn bã không được đào thải. Việc không đào thải được độc tố lâu ngày có thể gây viêm nhiễm trực tràng, các chất gây ung thư tích tụ trong đại tràng và trực tràng sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư đại tràng.
Táo bón kéo dài còn là dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ. Phân đọng lại ở trực tràng lâu ngày làm cản trở tuần hoàn, sinh ra trĩ nội, trĩ ngoại. Để càng lâu trĩ càng tiến triển nhanh và nặng, gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
Táo bón kéo dài ở trẻ em, nếu mẹ để tình trạng này kéo dài không có giải pháp điều trị kịp thời thì sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ như:
- Biếng ăn: Táo bón khiến phân tích tụ không thoát ra ngoài, gây chướng bụng, đầy hơi làm trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, khó tiêu,… Từ đó dẫn đến chứng biếng ăn, kém hấp thụ dinh dưỡng gây suy dinh dưỡng
- Giảm sức đề kháng: Không được bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể
- Bệnh trĩ: Ở trẻ nhỏ, phân ứ đọng lâu ngày trong trực tràng gây cản trở quá trình tuần hoàn máu, lâu dần gây nên bệnh trĩ
Táo bón kéo dài: Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trước hết khi điều trị táo bón kéo dài, cần thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt sao cho đường tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng và ổn định nhất có thể. Để đẩy lùi tình trạng táo bón kéo dài, có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa, đủ chất, ăn đúng giờ, không làm việc khác khi đang ăn. Ăn các thực phẩm tốt cho hoạt động của bộ máy tiêu hóa gồm tất cả các loại rau và trái cây tươi.
- Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón: Bánh mì trắng và những thực phẩm từ ngô rất dễ bị táo bón. Nên hạn chế những thức ăn này.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Uống đủ nước là một thói quen cực kì tốt và đem lại cho bạn vô vàn những lợi ích về sức khỏe. Ghi nhớ việc uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là uống 1,5 lít -2 lít nước trở lên.
- Tránh một số loại đồ uống và chất kích thích: Các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, coca, chất cồn có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.
- Vận động cơ thể: Luyện tập tích cực, vận động cơ thể thường xuyên giúp ngăn ngừa hiện tượng táo bón rất tốt. Lựa chọn các môn thể thao phù hợp với thể trạng, sở thích, không ngồi quá lâu một chỗ mà hãy đứng dậy để vận động cho một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.
- Rèn luyện thói quen đi đại tiện đều đặn
Khi việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt không giúp tình trạng táo bón cải thiện, bạn cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp chỉ định điều trị phù hợp với từng loại nguyên nhân và mức độ của bệnh.
Không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ
- Việc sử dụng thuốc nhuận tràng để chữa táo bón có thể gây lệ thuộc vào thuốc, thuốc làm giảm táo bón nhưng cũng làm cho bệnh nhân không có cảm giác muốn đi vệ sinh trong nhiều ngày, việc dừng thuốc có thể làm tình trạng táo bón quay trở lại.
- Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi việc thay đổi chế độ ăn, lối sống thất bại.
- Khi uống thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón cần uống nhiều nước. Điều này giúp tăng hiệu quả của thuốc đồng thời tránh tình trạng mất nước khiến táo bón nặng thêm.
Không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Khi các biện pháp điều trị nội khoa kể trên không đem lại tác dụng, thì phương pháp điều trị táo bón kéo dài bằng phẫu thuật sẽ được bác sĩ cân nhắc và chỉ định khi thấy phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.Việc phẫu thuật thường được chỉ định ở những trường hợp táo bón mãn tính do nứt hậu môn, tắc nghẽn ruột, sa trực tràng.