Tetracycline điều trị bệnh gì? Chỉ định và chống chỉ định
Tetracycline là thuốc kháng sinh và được sử dụng để điều trị nhiễm trùng, trong đó có mụn trứng cá hay viêm kết mạc. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sinh trưởng của vi khuẩn, giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm và thúc đẩy quá trình hồi phục.
Tác dụng của thuốc Tetracycline
Với khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, Tetracyclin đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều loại nhiễm trùng hoặc phối hợp với các loại thuốc khác nhằm cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng đối với người mắc bệnh nhiễm trùng do virus gây ra (cụ thể là bệnh cảm cúm). Vì vậy, việc sử dụng sai cách hay lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây giảm hiệu quả.
Liều dùng của Tetracycline
Ngày nay, thuốc Tetracycline được bào chế thành 2 dạng chính là viên nén (gồm 250mg và 500mg) hoặc thuốc mỡ tra mắt (có chứa Tetracycline 1%) với liều lượng dùng như sau:
- Người bị mụn trứng cá: 500mg/2 lần/ngày và dùng đều đặn trong 2 tuần hoặc hơn 2 tuần tùy vào mức độ và tính chất của tình trạng nhiễm trùng.
- Người bị viêm phế quản: Uống 500mg sau 6 giờ và sử dụng liên tục từ 7 – 10 ngày dựa vào tình trạng của bệnh.
- Người mắc bệnh Brucella: 500mg/4 lần/ngày, dùng trong 3 tuần hoặc kết hợp tiêm bắp streptomycin 1g/2 lần/ngày nhưng chỉ nên tiêm trong tuần đầu tiên và 1 lần/ngày ở tuần thứ hai.
- Người bị nhiễm khuẩn Chlamydia, gồm tình trạng nhiễm khuẩn ở khu vực niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng nhưng không gây biến chứng: 500mg/4 lần/ngày, dùng trong 7 ngày. Riêng với người bệnh không mang thai thì nên dùng thuốc Doxycycline và người có quan hệ tình dục với bệnh nhân thì cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị sớm nhất.
- Người bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori: 500g và uống đều đặn sau 6 giờ trong vòng 14 ngày.
- Người mắc chứng viêm khớp: 500mg sau 6 giờ và dùng từ 14 – 30 ngày dựa vào mức độ của bệnh.
- Người mắc chứng viêm tim: 500mg sau 6 giờ và dùng từ 14 – 30 ngày phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng.
- Đối với trẻ em trên 8 tuổi: Nên sử dụng Tetracycline từ 25 – 50mg/kg/ngày và chia thành 4 liều đều nhau.
Cách dùng của thuốc Tetracycline
Nếu muốn Tetracycline đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên uống thuốc khi bụng đói, cụ thể là khoảng 1 – 2 tiếng trước hoặc sau bữa ăn. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng khó chịu ở dạ dày, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhằm điều chỉnh thời gian uống sao cho phù hợp hơn. Khi uống thuốc phải dùng kèm với 1 ly nước đầy (khoảng 240ml) và ngồi thẳng người trong 10 phút để thuốc được hấp thụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, không sử dụng Tetracycline trong vòng 2 – 3 giờ trước hoặc sau khi dùng bất kỳ loại thuốc nào có chứa magie, nhôm, canxi. Không những thế, bạn cũng cần lưu ý hạn chế dùng thuốc cùng với các chế phẩm từ sữa, nước ép giàu canxi, chất sắt, kẽm và bismuth subsalicylate bởi chúng có thể làm giảm sự hấp thu của Tetracycline trong cơ thể.
Đối với liều lượng dùng thuốc sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người. Riêng trẻ em trên 8 tuổi, liều lượng thuốc được tính toán dựa trên cân nặng của bé. Đặc biệt, riêng Tetracycline dạng thuốc mỡ tra mắt thì người bệnh chỉ nên bôi ngoài da và tuân theo hướng dẫn của sản phẩm hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ của thuốc Tetracycline
Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào sau khi dùng thuốc, bao gồm: phát ban da, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. Ngoài ra, ngưng dùng thuốc Tetracycline và liên hệ với bác sĩ ngay khi cơ thể có các biểu hiện sau:
- Bị sốt, suy nhược, lú lẫn, cơ thể đau nhức, ớn lạnh, có dấu hiệu cảm cúm.
- Thị lực giảm, choáng váng và đau đầu nặng.
- Xuất hiện tình trạng phát ban, rộp hay lột da.
- Tiểu tiện ít, vô niệu, nước tiểu sậm màu.
- Da xanh xao, vàng da, dễ bị thâm tím hay chảy máu.
- Răng và xương bị yếu, vàng răng.
- Cảm giác đau dữ dội ở khu vực trên dạ dày lan đến lưng, tim đập nhanh.
- Buồn nôn và nôn, bị chán ăn.
Một số ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn khi người bệnh dùng Tetracycline, gồm:
- Gặp vấn đề khi nuốt thức ăn, lưỡi sưng.
- Vùng kín ngứa và tiết dịch bất thường.
- Bị đau hay sưng phù ở vùng trực tràng và bộ phận sinh dục.
- Bị tiêu chảy, buồn nôn nhẹ hoặc nôn mửa, cảm giác khó chịu ở dạ dày.
- Có các đốm trắng hay bị đau nhức ở miệng và môi.
Thận trọng/ Cảnh báo khi dùng thuốc Tetracycline
Sử dụng Tetracycline cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhiều khía cạnh khác nhau.
Về dị ứng với thuốc
Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe cá nhân (cơ thể dị ứng với thức ăn, thuốc nhuộm hoặc chất bảo quản nào,…) và đã từng có bất kỳ phản ứng bất thường nào với thuốc này hoặc các loại thuốc nào khác. Hơn thế nữa, để đảm bảo an toàn cho cơ thể, trước khi sử dụng bạn nên đọc kỹ thành phần của sản phẩm.
Đối với trẻ em
Tetracycline có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng lên răng và xương của bé, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi. Cụ thể, loại thuốc này có thể làm răng bị ố vàng hoặc đen và làm chậm quá trình phát triển của xương. Do đó, chỉ sử dụng Tetracycline cho trẻ em khi có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ.
Đối với người cao tuổi
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc đối với người cao tuổi. Vì thế, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về liều dùng và các lưu ý cần thiết trước khi uống Tetracycline nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng.
Sự tương tác giữa Tetracycline và các loại thuốc khác
Tuyệt đối không uống Tetracycline cùng với các loại thuốc như Acitretin và Methoxyflurane nếu như chưa có sự chỉ định từ bác sĩ và dược sĩ. Nhưng trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp và điều chỉnh liều dùng của Tetracycline với các loại thuốc sau:
- Amoxicillin.
- Ampicillin.
- Atazanavir.
- Bacampicillin.
- Bexarotene.
- Cloxacillin.
- Dicloxacillin.
- Digoxin.
- Etretinate.
- Isotretinoin.
- Methicillin.
- Methotrexate.
- Nafcillin.
- Oxacillin.
- Penicillin G.
- Penicillin G benzathine.
- Penicillin G procaine.
- Penicillin V.
- Piperacillin.
- Pivampicillin.
- Sultamicillin.
- Temocillim.
- Tretinoin.
Cách bảo quản thuốc Tetracycline phù hợp
Để đảm bảo chất lượng thuốc cũng như bảo vệ sức khỏe cá nhân, bạn nên đặt thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc khu vực ẩm ướt. Đồng thời, giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ, tuyệt đối không dùng khi sản phẩm đã hết hạn và luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.
Nhìn chung, không thể phủ nhận những tác dụng to lớn mà thuốc Tetracycline mang lại cho sức khỏe con người, nhưng cũng không nên lơ là trong việc tìm hiểu kỹ về tác dụng phụ của chúng trước khi dùng. Hy vọng với những thông tin Pharmacity cung cấp trong bài viết sẽ giúp bạn trang bị đầy đủ kiến thức để sử dụng sản phẩm hiệu quả và an toàn nhất!