Thuốc clotrimazol là gì? Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Hoạt chất
22/07/2024Clotrimazole là thuốc gì?
Thuốc Clotrimazol (hay Clotrimazole) là thuốc chống nấm phổ rộng, được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra.
Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của nấm, giúp giảm triệu chứng và loại bỏ nhiễm trùng.
Thuốc Clotrimazol thuộc phân nhóm nào ?
Clotrimazole là một thuốc chống nấm tổng hợp thuộc nhóm imidazole phổ rộng được dùng điều trị tại chỗ các trường hợp bệnh nấm trên da.
Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc
- Viên ngậm: 10 mg.
- Dùng ngoài: Kem 1%, dung dịch 1%, thuốc rửa 1%. Kem bôi âm đạo 1%, 2%.
- Viên nén đặt âm đạo: 100 mg, 200 mg, 500mg.
- Dạng kem phối hợp với một số thuốc khác như betamethasone, hydrocortisone để dùng ngoài.
- Dạng xịt: 1%.
- Viên nén đặt âm đạo : 100 mg, 200 mg.
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Clotrimazol được chỉ định để điều trị tại chỗ các bệnh nấm như: Bệnh nấm Candida ở miệng, họng; bệnh nấm da, bệnh nấm Candida ngoài da, nấm kẽ ngón tay, kẽ chân, cũng như bệnh nấm Candida ở âm hộ, âm đạo, lang ben do Malassezia furfur, viêm móng và quanh móng…
- Dự phòng nhiễm nấm Candida miệng, họng.
Chống chỉ định
- Clotrimazole không nên được sử dụng cho những người có quá mẫn với các thành phần của thuốc hoặc từng có tiền sử dị ứng với các dẫn xuất của imidazole.
- Nên thận trọng khi sử dụng trong các trường hợp đang chuẩn bị thực hiện thủ thuật ngoại khoa hoặc có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào khác.
Đối tượng sử dụng
Clotrimazole được sử dụng chủ yếu cho người lớn và không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em nhỏ hơn 3 tuổi, trừ khi có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Liều dùng thuốc Clotrimazol
Người lớn
- Điều trị tại chỗ: Ngậm viên thuốc 10mg cho tới khi tan hoàn toàn, khoảng 15 – 30 phút. Nuốt nước bọt trong khi ngậm. Không nhai hoặc nuốt cả viên. Mỗi ngày dùng 5 lần, trong 14 ngày liền.
- Dự phòng nấm Candida : ở miệng, họng ở người dùng thuốc ức chế miễn dịch (như corticoid, thuốc chống ung thư, xạ trị): Viên ngậm 10mg, ngày 3 lần
- Dùng ngoài da: Bôi nhẹ một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị bệnh, 2 lần/ngày. Nếu bệnh không đỡ sau 4 tuần điều trị, cần phải xem lại chẩn đoán. Bệnh thường đỡ trong vòng 1 tuần. Có khi phải điều trị đến 8 tuần.
- Điều trị nấm âm đạo: Đặt một viên 100 mg vào âm đạo mỗi tối trước khi đi ngủ, dùng liền trong 7 ngày, hoặc một viên 500 mg, chỉ một lần, có thể đặt viên 500mg thứ 2 nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 ngày, nếu vẫn kéo dài hơn 7 ngày thì tham vấn y tế ngay.
- Dạng kem: Dùng 5g/lần/ngày trong 7 – 14 ngày.
- Dạng kem bôi: Dùng cho bệnh nhân từ 16 – 60 tuổi: 2 – 3 lần/ngày trong 2 tuần.
- Dạng xịt: Xịt lớp mỏng 2 – 3 lần mỗi ngày trong ít nhất một tháng đối với nhiễm trùng da liễu, và ít nhất hai tuần đối với nhiễm trùng Candida và lang ben.
Trẻ em
Dạng kem bôi không dùng cho trẻ em nhỏ hơn 16 tuổi.
Tác dụng phụ của thuốc Clotrimazol
- Trường hợp điều trị bằng đường miệng: rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiểu lắt nhắt, tiểu máu.
- Dùng ngoài da: Các phản ứng tại chỗ bao gồm nóng rát nhẹ, kích ứng, ngứa, mày đay,, nứt da, viêm da dị ứng do tiếp xúc.
- Đặt âm đạo: ngứa, kích ứng, nóng nhẹ âm đạo.
Ngoài ra, Clotrimazol làm giảm bạch cầu trung tính , tăng enzym gan, trầm cảm.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Clotrimazol
- Phụ nữ có thai: Hiện nay, chưa có nghiên cứu về độ an toàn của thuốc clotrimazol ở phụ nữ mang thai. Người dùng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ
- Phụ nữ cho con bú: Vẫn chưa biết liệu clotrimazole có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, thận trọng khi dùng thuốc này trên đối tượng là phụ nữ đang con bú vì có thể gây hại lên trẻ.
- Trẻ nhỏ: Không dùng thuốc Clotrimazol đường uống cho trẻ dưới 3 tuổi, vì chưa có số liệu xác định về độ an toàn và hiệu lực của thuốc.
Lưu ý khi dùng thuốc Clotrimazol
- Lưu ý không dùng clotrimazol trong những trường hợp điều trị nhiễm nấm toàn thân.
- Đối với clotrimazol đường miệng, không nên dùng cho trẻ <3 tuổi, vì chưa đánh giá được mức độ hiệu quả và độ an toàn.
- Clotrimazol dạng kem, nhũ tương dùng ngoài, dung dịch không dùng cho nhãn khoa.
- Trường hợp nếu có kích ứng hoặc mẫn cảm khi dùng clotrimazol, phải ngừng thuốc và điều trị thích hợp.
- Phải điều trị thuốc đủ thời gian dù các triệu chứng có thuyên giảm. Nhớ rằng, sau 4 tuần điều trị, nếu không đỡ cần khám lại.
- Thông tin ngay cho bác sĩ nếu có biểu hiện tăng kích ứng ở vùng bôi thuốc như đỏ, ngứa, bỏng, mụn nước, sưng. Đây chính là dấu hiệu của sự quá mẫn.
- Ngoài ra, nên tránh các nguồn gây nhiễm khuẩn hoặc tái nhiễm
- Đối với bệnh do nấm Candida không dùng xà phòng có pH acid.
Các câu hỏi thường gặp
Quá liều và xử trí
Quá liều và độc tính
- Dạng dung dịch bôi: Không có nguy cơ ngộ độc cấp tính nào vì nó không có khả năng xảy ra sau khi một lần bôi quá liều qua da (bôi trên một diện tích rộng trong điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ) hoặc vô tình uống phải. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
- Thuốc ngậm: Dùng quá liều tăng độc tính
Cách xử lý khi quá liều
- Nếu vô tình uống phải clotrimazol nên rửa dạ dày.
- Liên hệ cơ sở y tế ngay.
Xử trí khi quên một liều Clotrimazole
- Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
- Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
- Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Cách bảo quản thuốc Clotrimazole
- Để thuốc Clotrimazole tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 15 – 30 ºC.
Lê Thị Huỳnh Nga
Đã kiểm duyệt
Lê Thị Huỳnh Nga - Tốt nghiệp trường đại học Y Dược TP Cần Thơ. Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chuỗi bán lẻ Dược phẩm. Hiện là Trưởng phòng dịch vụ Dược Pharmacity - Khu vực Mekong và Southeast