Thuốc Ivermectin: Hướng dẫn từ A đến Z về công dụng, liều dùng và lưu ý
Ivermectin, một loại thuốc ký sinh trùng đa năng, đã nhận được sự chú ý đáng kể trong các nghiên cứu y học và thực hành lâm sàng khắp thế giới. Từ việc điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra như giun, ve, và chấy rận, đến những nghiên cứu mới về khả năng ứng dụng trong điều trị các tình trạng khác, Ivermectin đã chứng tỏ mình là một công cụ quý giá trong ngành y tế. Tuy nhiên, việc sử dụng Ivermectin đòi hỏi sự hiểu biết cụ thể về liều lượng, công dụng và những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về Ivermectin, giúp bạn hiểu rõ về cách sử dụng thuốc này một cách an toàn, đồng thời khai thác tối đa những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
Thuốc ivermectin là thuốc gì?
Tên hoạt chất: ivermectin
Phân nhóm: thuốc điều trị giun sán, chấy rận
Ivermectin là một loại thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng để điều trị các bệnh giun sán như giun chỉ, giun lươn. Ngoài dạng bào chế viên uống, ivermectin còn có các dạng dùng ngoài dùng trong điều trị chấy rận và mụn trứng cá đỏ (rosacea). Đây là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng theo toa của bác sĩ.
Hình ảnh minh họa thuốc Ivermectin
Dạng thuốc và hàm lượng:
Viên nén: 3 mg, 6 mg.
Nhũ dịch dùng ngoài: 0,5%.
Kem bôi: 1%.
Chỉ định và chống chỉ định đối với ivermectin
Chỉ định
Ivermectin được lựa chọn để điều trị bệnh giun chỉ Onchocerca, mặc dù thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh giun kể cả giun lươn ở ruột do Strongyloides stercoralis. Vai trò của ivermectin trong bệnh giun chỉ ở hệ bạch huyết còn chưa được nghiên cứu kỹ.
Điều trị chấy rận và mụn trứng cá đỏ (rosacea)
Bệnh ghẻ đóng vảy trong da kết hợp với điều trị tại chỗ. Bệnh ghẻ ở người khi điều trị tại chỗ trước đó không thành công hoặc có chống chỉ định
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với Ivermectin hoặc một thành phần nào đó của thuốc
- Những bệnh có kèm theo rối loạn hàng rào mặt máu não, bệnh viêm màng não
Liều dùng và cách dùng thuốc ivermectin
Ivermectin liều dùng đường uống
Ivermectin đường uống chỉ được sử dụng cho người lớn và trẻ em cân nặng trên 15kg.
Bệnh giun chỉ Onchocerca: Uống một liều duy nhất 0,15 mg/kg. Cần phải điều trị nhắc lại với liều như trên cách 3 – 12 tháng đến khi không còn triệu chứng (giun trưởng thành chết).
Thuốc được dùng dựa trên cân nặng, người dùng sử dụng thuốc dựa trên hướng dẫn cân nặng sau:
- Từ 15kg đến 25kg: uống 3mg thuốc một lần;
- Từ 26kg đến 44kg: 6mg uống một lần;
- Từ 45kg đến 64kg: 9mg uống một lần;
- Từ 65kg đến 84kg: 12mg uống một lần;
- Từ 85kg trở lên: 0,15mg/kg uống một lần.
Bệnh giun lươn ở ruột do Strongyloides stercoralis: Nhà sản xuất khuyến cáo uống một liều duy nhất 0,2 mg/kg, tiến hành theo dõi xét nghiệm phân. Liều dùng khác: 0,2 mg/kg/ngày, trong 2 ngày.
Liều điều trị bệnh giun lươn ở ruột do Strongyloides stercoralis (dựa trên cân nặng của bệnh nhân):
- Từ 15kg đến 24kg: uống 3 mg thuốc một lần;
- Từ 25kg đến 35kg: 6mg uống một lần;
- Từ 36kg đến 50kg: 9mg uống một lần;
- Từ 51kg đến 65kg: 12mg uống một lần;
- Từ 66kg đến 79kg: 12mg uống một lần;
- Từ 80kg trở lên: 0,15mg / kg uống một lần.
Ivermectin liều dùng ngoài da
- Điều trị chấy: Bôi 1 liều đơn nhũ dịch dùng ngoài 0,5% lên tóc và da đầu khô, để 10 phút rồi xả sạch bằng nước.
- Trứng cá đỏ: Bôi 1 lớp kem mỏng lên vùng da bị tổn thương, ngày 1 lần.
- Điều trị ghẻ da: Dùng liều 200 microgam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Trong một số trường hợp, hiệu quả của việc điều trị khó xác định đã thành công trong 4 tuần hay chưa. Lúc này, bác sĩ có thể quyết định thêm liều thứ 2 trong vòng 8 đến 15 ngày.
Cách dùng
- Thuốc Ivermectin được dùng qua đường uống. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, nên nghiền nhỏ viên thuốc trước khi nuốt. Nên uống Ivermectin với ly nước đầy khi bụng đói và không ăn bất kỳ thứ gì trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc. Lý do là bởi thức ăn có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc trong cơ thể.
Thuốc Ivermectin cần được uống theo chỉ dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất
Thận trọng và cảnh báo đối với ivermectin
- Thận trọng
- Tránh dùng cho trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Hiện nay không dùng với mục đích phòng bệnh.
- Cảnh báo đối với ivermectin
- Trước khi dùng thuốc nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:
- Đang mang thai hoặc cho con bú ,cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này;
- Dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc;
- Đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
- Dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
- Đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý khác như bệnh gan.
Tác dụng không mong muốn mà ivermectin gây ra (ADR)
- Ivermectin là thuốc an toàn, rất thích hợp cho các Chương trình điều trị trên phạm vi rộng. Hầu hết các tác dụng không mong muốn của thuốc là do các phản ứng miễn dịch đối với các ấu trùng bị chết. Vì vậy, mức độ nặng nhẹ của tác dụng này có liên quan đến mật độ ấu trùng ở da. Các tác dụng không mong muốn đã được thông báo gồm sốt, ngứa, chóng mặt hoa mắt, phù, ban da, nhạy cảm đau ở hạch bạch huyết, ra mồ hôi, rùng mình, đau cơ, sưng khớp, sưng mặt (phản ứng Mazzotti). Hạ huyết áp thế đứng nặng đã được thông cáo có kèm ra mồ hôi, nhịp tim nhanh và lú lẫn.
- Tác dụng không mong muốn thường xảy ra trong 3 ngày đầu sau khi điều trị và phụ thuộc vào liều dùng. Tỉ lệ các tác dụng không mong muốn đã được thông báo rất khác nhau. Trong một báo cáo gồm 50 929 người bệnh dùng ivermectin, tác dụng phụ khoảng 9%. Ở những vùng có dịch lưu hành nhiều, tỷ lệ các tác dụng không mong muốn có thể cao hơn nhiều.
- Dưới đây là ADR: Trong điều trị bệnh giun chỉ Onchocerca liều 0,1 – 0,2 mg/kg:
- Thường gặp, ADR > 1/100
- Xương khớp: Ðau khớp/viêm màng hoạt dịch (9,3%).
- Hạch bạch huyết: Sưng to và đau hạch bạch huyết ở nách (10,0% và 4,4%), ở cổ (5,3% và 1,3%), ở bẹn (12,6% và 13,9%).
- Da: Ngứa (27,5%); các phản ứng da như phù, có nốt sần, mụn mủ, ban da, mày đay (22,7%).
- Toàn thân: Sốt (22,6%).
- Phù: Mặt (1,2%); ngoại vi (3,2%).
- Tim mạch: Hạ huyết áp thế đứng (1,1%), nhịp tim nhanh (3,5%).
- Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Thần kinh trung ương: Nhức đầu (0,2%).
- Thần kinh ngoại vi: Ðau cơ (0,4%).
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng ivermectin
- Không dùng Ivermectin nếu người bệnh từng bị dị ứng với ivermectin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
- Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Ivermectin, hãy nói với bác sĩ về tất cả tiền sử bệnh, nhất là: Có hệ thống miễn dịch kém (rối loạn miễn dịch), sinh sống hoặc ghé qua các khu vực của Châu Phi (nơi có các trường hợp nhiễm ký sinh trùng ở người với loài giun chỉ Loa loa còn gọi là sâu mắt).
- Sử dụng thuốc Ivermectin quá liều hoặc không đúng chỉ định có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
- Cần lưu ý là thuốc Ivermectin không được sử dụng để ngăn chặn sự xâm nhập của các ký sinh trùng nhiệt đới và cũng không có hiệu quả đối với giun ký sinh trưởng thành. Thuốc Ivermectin chỉ có thể được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ khi có bằng chứng về nhiễm ký sinh trùng.
Câu hỏi thường gặp
- Cách xử trí ADR khi sử dụng thuốc?
- Ivermectin có thể gây các phản ứng da và phản ứng toàn thân với mức độ khác nhau (phản ứng Mazzotti) và các phản ứng trên mắt ở các người bệnh bị giun chỉ Onchocerca. Các phản ứng này có thể là hậu quả của đáp ứng dị ứng và viêm do các ấu trùng bị chết. Có thể điều trị các phản ứng này bằng cách dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin hoặc tiêm corticosteroid ngay khi mới xuất hiện các triệu chứng. Liều dùng tùy theo mức độ của các phản ứng.
- Khi bị hạ huyết áp thế đứng, cần bù dịch bằng đường uống, nằm nghỉ, truyền tĩnh mạch nước muối sinh lý hoặc tiêm corticosteroid.
- Cần nhớ rằng ivermectin không diệt được ký sinh trùng Onchocerca trưởng thành, do đó thường xuyên theo dõi và tái điều trị là cần thiết. Phải dặn dò người bệnh.
- Tương tác thuốc của Ivermectin?
- Chưa thấy có thông báo về tương tác thuốc có hại, nhưng về mặt lý thuyết, thuốc có thể làm tăng tác dụng của các thuốc kích thích thụ thể GABA (như các benzodiazepin và natri valproat).
- Cách bảo quản thuốc?
- Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 oC.
- Cách xử trí khi quá liều thuốc ?
- Các biểu hiện chính do nhiễm độc ivermectin là ban da, phù, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược, buồn nôn, nôn, ỉa chảy. Các tác dụng không mong muốn khác gồm các cơn động kinh, mất điều hòa, khó thở, đau bụng, dị cảm và mày đay.
- Khi bị nhiễm độc, cần truyền dịch và các chất điện giải, trợ hô hấp (oxygen và hô hấp nhân tạo nếu cần), dùng thuốc tăng huyết áp nếu bị hạ huyết áp. Gây nôn hoặc rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Sau đó, dùng thuốc tẩy và các biện pháp chống độc khác nếu cần để ngăn cản sự hấp thu thêm thuốc vào cơ thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.