Thuốc trị ho, sổ mũi dùng thế nào cho đúng?
Bệnh viêm mũi và ho thường gặp khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân có thể là do dị ứng với thời tiết, do môi trường xung quanh ô nhiễm, nhiễm vi khuẩn, virut, thậm chí là do dùng thuốc không đúng cách. Vậy viêm mũi, ho nên uống thuốc gì? Trước tiên muốn biết cách điều trị bệnh viêm mũi thì nên xác định nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo nguyên nhân mà có cách điều trị hợp lý. Bởi dù thuốc điều trị viêm mũi, ho có rất nhiều loại và cũng là thuốc thông thường, thậm chí thuốc không cần kê đơn, nhưng nếu sử dụng không đúng thì sẽ mang lại hậu quả khá phức tạp.
Các thuốc dùng trong viêm mũi
- Nhóm thuốc chống dị ứng: Các thuốc nhóm này không trực tiếp ngăn sự tạo thành histamin nhưng thuốc có tác dụng hủy từng triệu chứng do histamin gây ra, làm giảm các triệu chứng viêm mũi, chảy nước mũi. Ngoài ra còn có tác dụng điều trị dị ứng như ho, nổi mề đay, ngứa… Loại thế hệ cũ thường dùng là chlopheniramin, promethazin… khi dùng thuốc này cần lưu ý, do thuốc gây buồn ngủ nên cần tránh sử dụng khi làm việc cần sự tập trung, tỉnh táo (điều khiển máy móc, phương tiện giao thông,…). Loại thế hệ mới thường dùng là loratidin, acrivastin có ưu điểm ít gây buồn ngủ hơn, thường dùng dạng uống.
- Nhóm thuốc co mạch: Các thuốc như naphtazolin, xylometazolin, oxymetazolin có tác dụng làm giảm sung huyết mũi, chống ngạt mũi. Xylometazolin dùng cho người lớn hay trẻ em nhưng không quá 3 ngày, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc có tác dụng tại chỗ dưới dạng nhỏ mũi hay khí dung xịt vào mũi làm mũi thông thoáng, hết ngạt nhanh. Người bệnh thường tự ý sử dụng thuốc này và hay dùng thuốc kéo dài. Việc lạm dụng thuốc sẽ khiến mũi bị nghẹt nhiều hơn, gây tác dụng ngược. Không dùng thuốc cho người bị viêm mũi mạn tính, tăng huyết áp…
- Các thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng khi viêm mũi do vi khuẩn. Không được dùng kháng sinh tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này, hậu quả là tình trạng nhiễm khuẩn, khó điều trị bệnh. Các thuốc hay dùng như cefaclor, augmentin, zinnat… Chủ yếu có tác dụng giảm tiết dịch, giảm chảy nước mũi. Người bệnh cần tuân thủ dùng kháng sinh đủ thời gian và liều lượng.
- Các thuốc corticoid: Các loại corticoid tại chỗ hiện được sử dụng trong điều trị hiện nay là beclomethason, budesonid, fluticason… Corticoid thường được dùng dưới dạng nhỏ hoặc xịt để điều trị tại chỗ các thể viêm mũi, xoang mạn tính. Thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh, làm thông mũi, giải quyết ứ tắc xoang. Tuy nhiên, dạng viên uống có tác dụng phụ nếu dùng kéo dài (trên 10 ngày). Chỉ dùng corticoid dạng uống trong trường hợp viêm mũi, xoang nặng và phải có chỉ định của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh các tác nhân gây dị ứng như không được để cơ thể lạnh, khói, bụi các loại,…
Các loại thuốc giảm ho, long đờm
Các thuốc giảm ho được chia làm hai loại:
- Thuốc giảm ho ngoại biên: Các thuốc này có tác dụng làm giảm nhạy cảm của các thụ thể (receptor) gây phản xạ ho ở đường hô hấp. Thuốc làm dịu ho do có tác dụng bảo vệ, bao phủ các thụ thể cảm giác ở họng, hầu như glycerol, mật ong, các siro đường mía. Thuốc gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho như benzonatat, bạc hà (menthol), lidocain, bupivacain.
- Thuốc giảm ho trung ương: Các thuốc này ức chế trực tiếp, làm nâng cao ngưỡng kích thích của trung tâm ho ở hành tủy, đồng thời có tác dụng an thần, ức chế nhẹ trung tâm hô hấp như codein, pholcodin. Ngoài ra có những thuốc không gây nghiện như dextromethorphan, noscapin.
- Thuốc giảm ho kháng histamin: Như trên đã nói, kháng histamin ngoài tác dụng chống dị ứng, thì một số thuốc đồng thời có tác dụng chống ho, kháng cholinergic, kháng serotonin và an thần như alimemazin và diphenhydramin. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc cũng như chống chỉ định (có trong toa thuốc đi kèm). Tốt nhất trước khi sử dụng nhóm thuốc này, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cần lưu ý rằng, chỉ được dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho không có đờm (ho khi cảm cúm, ho do kích ứng, dị ứng), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Không dùng thuốc làm giảm ho trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản) vì ho được coi như cơ chế bảo vệ có lợi, làm sạch đường thở.
- Thuốc long đờm: Thuốc long đờm hay thuốc loãng đờm có tác dụng làm lỏng các dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản – phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản. Vì vậy, các chất nhầy đờm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng sự khạc đờm. Khi dùng thuốc long đờm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ men gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da. Thuốc long đờm có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày, vì vậy dễ gây hại làm loét dạ dày, thuốc loại này cần tránh dùng ở người bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Thuốc cũng tránh dùng đối với người bị hen suyễn (lưu ý ho cũng có thể xảy ra khi lên cơn suyễn) vì thuốc có thể khởi phát cơn co thắt phế quản.
Nguồn: DS. Dương Thị Tuyết