Tiêu chảy cấp do virus rota ở trẻ em: có chữa được không?
Tiêu chảy cấp do virus Rota, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết về khả năng điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota, đồng thời cung cấp thông tin về các biện pháp phòng ngừa và các phương pháp điều trị mới nhất giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và gia đình bạn.
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do virus Rota
- Nôn mửa: Khi nhiễm virus khoảng 1-2 ngày, trẻ xuất hiện triệu chứng nôn mửa rất nhiều, có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Khi chứng nôn mửa giảm dần thì hiện tượng tiêu chảy sẽ xuất hiện.
- Tiêu chảy: trẻ đi ngoài phân lỏng, màu phân bất thường, chẳng hạn như màu xanh dưa cải, có đờm nhớt, nhưng không lẫn máu trong phân, có thể kéo dài từ 3-9 ngày, những trường hợp nặng trẻ có thể đi ngoài 20 lần/ngày.
- Mất nước: khi đi ngoài nhiều lần, trẻ sẽ có thể bị mất nước. một số dấu hiệu có thể kể đến là trẻ khát nước nhiều hơn, da khô, môi trẻ khô, lưỡi khô, khóc quấy nhiều và tiểu ít.
- Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy Rota sẽ có thể gặp phải triệu chứng khác như sốt, đau bụng, chảy nước mũi nhiều, ho, ăn uống kém và sụt cân.
Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy Rota ở trẻ em
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Phương pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là bù dịch qua đường uống. Trong trường hợp trẻ bị nôn mửa nhiều thì có thể bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt thì cần điều trị hạ sốt. Đồng thời, cần chăm sóc trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
Tiêu chảy do Rota là do virus nên điều trị kháng sinh không hiệu quả. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà sao cho hiệu quả nhất.
Cha mẹ cần cho bé uống nhiều nước, chẳng hạn như nước đun sôi để nguội, nước canh hoặc nước bù điện giải oresol với sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.
Phương pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy Rota
Để phòng ngừa tiêu chảy Rota, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh trước khi chế biến thức ăn và sau khi cho trẻ đi vệ sinh. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa đủ để phòng bệnh hiệu quả.
Theo các chuyên gia, phương pháp phòng chống bệnh tốt nhất chính là chủ động uống vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, 2 loại vắc xin phòng bệnh phổ biến nhất là Vắc xin Rotarix (do Bỉ sản xuất) và Vắc xin Rotateq (do Mỹ sản xuất). Đây là 2 loại vắc xin được giới chuyên môn đánh giá cao về hiệu quả phòng ngừa bệnh.
- Vắc xin Rotarix: Nên cho trẻ uống trước 24 tuần tuổi. Liều đầu tiên vào lúc 6 tuần tuổi và liều thứ 2 là sau 4 tuần tuổi.
- Vắc xin Rotateq: Trẻ sẽ được uống 3 liều và kết thúc liều cuối cùng trước tuần thứ 32. Liều Rotateq đầu tiên khi trẻ được 7 đến 12 tuần tuổi. Sau đó những liều còn lại sẽ được tiêm cách nhau khoảng 4 tuần
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do nhiễm virus Rota
Bù nước:
- Pha oresol theo hướng dẫn trên bao bì. Khi cho trẻ uống bạn nên đút từng thìa oresol cho bé, 2 phút/ lần. Không nên cho trẻ uống oresol liên tục vì nếu uống nhiều và liên tục dễ khiến trẻ bị nôn, nên dừng lại 10 phút rồi cho trẻ uống lại với tốc độ chậm hơn.
- Không cho trẻ ăn cháo quá mặn, nước hoa quả pha đường (nước cam) vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Chế độ dinh dưỡng:
- Cho bé ăn đầy đủ các chất để bé có đề kháng và sức để chống lại bệnh. Cho bé ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa, chuối tiêu… ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thì cha mẹ không cho trẻ ăn các loại có lá chát nhiều vì những loại này có chứa nhiều tanin, một chất giúp niêm mạc ruột săn se nhưng trong trường hợp này thì có thể gây hại cho bé. Bệnh sẽ giảm ở biểu hiện bên ngoài nhưng bên trong lòng ruột lượng virus chưa được đào thải nhiều khiến bệnh có thể tiến triển nặng hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.