Tiêu chảy kéo dài: Nguyên nhân phổ biến và cách khắc phục hiệu quả
Tiêu chảy kéo dài là vấn đề sức khỏe thường gặp và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm sau vài ngày, điều này có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn cần được điều trị kịp thời. Cùng Pharmacity tìm hiểu nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài và cách khắc phục hiệu quả để giúp bạn nhanh chóng hồi phục sức khỏe qua bài viết sau.
Thế nào là tiêu chảy kéo dài?
Tiêu chảy là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước hơn 3 lần 1 ngày, có thể đi cùng các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn,… Nếu các triệu chứng chỉ kéo dài 1 – 2 ngày và có thể tự khỏi mà không cần điều trị thì được xem là tiêu chảy cấp.
Tiêu chảy kéo dài được ghi nhận khi bạn đi ngoài phân lỏng thường xuyên, liên tục hoặc không liên tục trong một khoảng thời gian kéo dài. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài trong 2 – 4 tuần được xem là tiêu chảy bán cấp. Và đa phần nguyên nhân thường là do nhiễm trùng.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần thì được xem là tiêu chảy mãn tính. Nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính thường không liên quan đến nhiễm trùng mà do các bệnh về tiêu hóa hoặc do một số nguyên nhân khác.
Nguyên nhân phổ biến khiến tiêu chảy kéo dài
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, có khoảng 88% các trường hợp tử vong có liên quan đến tiêu chảy là do tình trạng vệ sinh không đầy đủ, nguồn nước không an toàn và không đủ vệ sinh. Trong đó, Rotavirus chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy cấp. Cụ thể, loại vi sinh vật này đã gây ra khoảng 40% trường hợp nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân:
- Nhóm tiêu chảy do nhiễm vi sinh vật (còn gọi là nhiễm vi rút, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng)
- Nhóm tiêu chảy KHÔNG do nhiễm trùng.
Nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột
Mầm bệnh bên ngoài đi vào cơ thể sẽ gây ra kích thích lên các mô trong đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy liên tục, thường gặp nhất là khi cơ thể tiêu thụ phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Nguồn thức ăn có chứa vi khuẩn Clostridium, Salmonella, khuẩn tụ cầu,… dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, ăn rau sống, đồ tái, gỏi,… rau củ quả bị tưới bằng nước bẩn, phân tươi sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền ký sinh trùng và vi khuẩn.
Tổn thương đại tràng
Khi xuất hiện triệu chứng tiêu chảy kéo dài và tiến hành nội soi đại tràng, bệnh nhân được chẩn đoán “Viêm đại tràng mạn”. Trường hợp mắc bệnh viêm đại tràng mạn là do người bệnh đã bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng hoặc do chế độ ăn uống có vấn đề. Các nguyên nhân này được giải thích cụ thể hơn như sau:
Bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Amip, Lamblia. Ngoài ra, còn các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như Salmonella, Shigella cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm đại tràng mạn, dẫn đến tiêu chảy kéo dài. Các loại ký sinh trùng gây bệnh tiêu chảy kéo dài thường gặp là giun đũa, giun kim, sán ruột.
Không giữ gìn vệ sinh
Điều kiện vệ sinh kém cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng các nguy cơ lây lan vi khuẩn dẫn đến tiêu chảy nhiễm trùng. Vì thế, việc giữ gìn không gian sống, đồ dùng cá nhân, cơ thể, thức ăn,… sạch sẽ là biện pháp cần thiết để tránh vi sinh vật gây hại xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Dùng thuốc
Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như:
- Thuốc cao huyết áp
- Thuốc kháng axit có chứa magie
- Thuốc điều trị ung thư
- Dùng quá nhiều thuốc nhuận tràng.
Tiêu chảy do kháng sinh cũng khá phổ biến. Bởi vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn giúp loại bỏ luôn các vi khuẩn có lợi, gây tình trạng mất cân bằng đường ruột và dẫn đến tiêu chảy.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích xuất hiện do thay đổi thói quen ăn uống, sau khi sử dụng một số thuốc điều trị hoặc ăn đồ lạ. Nguyên nhân là do nhu động ruột bị co thắt quá mức, kéo dài khiến thức ăn trong đường tiêu hóa di chuyển nhanh hơn. Lúc này, nước sẽ không tái hấp thu hoặc tiết ra quá mức từ niêm mạc ruột dẫn đến hiện tượng tiêu chảy đột ngột.
Không dung nạp thực phẩm
Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài có thể là chứng không dung nạp thực phẩm. Đây là tình trạng cơ thể gặp khó khăn khi tiêu hóa một loại thực phẩm nào đó và gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.
- Không dung nạp lactose, loại đường có trong sữa và sản phẩm từ sữa.
- Không dung nạp đường fructose, loại đường có trong trái cây, mật ong và nước ép trái cây.
- Không dung nạp protein, gluten được tìm thấy trong lúa mì và các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen.
Ngộ độc thực phẩm
Tiêu chảy kéo dài do độc chất từ thức ăn hoặc các độc tố vi sinh vật có trong thức ăn. Đây là hậu quả do sử dụng các thức ăn ôi thiu, nhiễm độc hoặc chứa phụ gia độc hại. Ngộ độc thực phẩm có thể đi kèm các triệu chứng rõ rệt như: đau bụng, đi ngoài dữ dội sau khi ăn, tiêu chảy, sốt cao, nôn mửa,… Hơn nữa, nhiều trường hợp còn gặp phải hiện tượng co giật dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng tiêu chảy kéo dài
Khắc phục tình trạng bị tiêu chảy liên tục đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm việc điều trị nguyên nhân cơ bản và chăm sóc bản thân để hỗ trợ sự phục hồi. Dưới đây là một số cách khắc phục hiệu quả:
Bù nước và chất điện giải
Đây là việc đầu tiên cần thực hiện ngay sau khi bị tiêu chảy. Người bệnh nên dùng đến dung dịch Oresol (ORS – Oral rehydration salts). Đây là dạng hỗn hợp gồm đường, muối, nước sạch, được hấp thụ tại ruột non để giúp bù lượng nước và điện giải đã mất. Đối với trường hợp không thể uống do buồn nôn hoặc đau dạ dày, phương án truyền dịch qua tĩnh mạch là điều cần thiết.
Dùng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh sẽ giúp đem lại hiệu quả điều trị tích cực trong trường hợp tiêu chảy kéo dài do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Tuy vậy, nếu nguyên nhân tiêu chảy xuất phát từ virus thì phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng.
Điều trị các bệnh lý gây tiêu chảy
Nhiều trường hợp tiêu chảy kéo dài xuất hiện là triệu chứng của một bệnh lý khác. Đối với tình trạng này, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị vấn đề đó trước tiên.
Điều chỉnh toa thuốc, liều lượng thuốc đang sử dụng
Nếu thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây tiêu chảy, việc giảm liều dùng hoặc đổi loại khác là biện pháp nhanh nhất để có thể chấm dứt tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước tiên, không được tự ý sử dụng.
Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy hiệu quả
Chúng ta có thể ngăn ngừa các loại tiêu chảy: do thay đổi môi trường, tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc do thực phẩm.
Phòng tiêu chảy do nhiễm trùng
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan các bệnh nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên thật sạch bằng xà phòng và nước ấm trong 15 đến 30 giây trong một số các trường hợp sau:
- Sau khi tắm rửa, đi vệ sinh.
- Sau khi thay tã cho trẻ hoặc người lớn tuổi.
- Trước và sau khi chế biến thực phẩm.
Phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để có thể tham khảo về việc cho trẻ tiêm một số loại vaccine ngăn ngừa virus, vi khuẩn. Trong đó, phổ biến là vaccine Rota ngừa tiêu chảy do Rotavirus.
Phòng tiêu chảy do thay đổi môi trường
Để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy khi đến những vùng đất mới, bạn nên:
- Ăn chín, uống sôi.
- Dùng các thực phẩm sạch và an toàn, nguồn gốc rõ ràng.
- Ăn các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn.
- Tránh nguồn nước bẩn, các sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng.
- Hạn chế di chuyển hoặc du lịch đến những vùng đang có dịch tiêu chảy.
Tiêu chảy kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhiễm khuẩn đến rối loạn tiêu hóa. Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý tiêu chảy kéo dài.