Tiêu chảy ở trẻ em: Nguyên nhân và hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà
Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ khiến cha mẹ lo lắng. Tìm hiểu nguyên nhân, chăm sóc trẻ bệnh đúng cách sẽ tránh được nguy hiểm, cầm tiêu chảy nhanh và phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách
Nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
Nhiễm vi khuẩn, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy ở trẻ em. Vi khuẩn (như E.coli, Salmonella), vi rút (như rotavirus, norovirus), hoặc ký sinh trùng có thể gây nên tình trạng này.
Trẻ em thường bị nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với thức ăn hoặc thức ăn, nước uống đã bị ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với người đang bị nhiễm bệnh.
Trẻ bị dị ứng với protein có trong thực phẩm, các loại thịt, cá, sữa hoặc không dung nạp thực phẩm, một số trẻ có thể bị tiêu chảy nếu không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm.
Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm các loại kháng sinh mà tác dụng phụ có thể gây ra tiêu chảy.
Trẻ mắc bệnh lý tiêu hóa khác, một số bệnh lý tiêu hóa khác như viêm dạ dày, viêm đại tràng, hoặc hội chứng ruột kích thích cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy:
- Sốt
- Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn
- Buồn nôn, nôn nhiều lần
- Đau quặn bụng
- Quấy khóc nhiều
- Khát nước nhiều, khô da và niêm mạc
- Sụt cân, suy dinh dưỡng
- Đi ngoài nhiều lần trong ngày, ít nhất 5 lần/ngày
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách
Chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh khỏi và phục hồi sức khỏe tốt hơn. Một số hướng dẫn giúp ba mẹ chăm sóc trẻ một cách an toàn và hiệu quả:
Bù đủ nước và điện giải
Khi trẻ bị tiêu chảy, cơ thể trẻ có thể mất nhiều nước và muối khoáng, gây ra tình trạng mất nước. Vì vậy, điều quan trọng là ba mẹ cần cung cấp cho trẻ các loại nước bù điện giải, uống oresol theo đúng chỉ định và các loại nước trái cây để giúp bổ sung nước và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Lưu ý chế độ ăn uống
Tiếp tục cho trẻ ăn như bình thường, chia nhỏ bữa ăn, tránh các loại thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày như thức ăn chua cay, nước ngọt hay thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Nên chọn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, , bí đỏ, các loại thịt nạc và được cắt nhỏ.
Chăm sóc vệ sinh cho trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy, hãy chú trọng giữ vệ sinh cho trẻ lẫn và cho người chăm sóc, môi trường xung quanh, đồ chơi, vật dụng của trẻ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ, tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa chống lại tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Nhờ đó, bổ sung sớm men vi sinh sẽ giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sẽ
Không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể không an toàn cho trẻ nhỏ hoặc không hiệu quả đối với tình trạng tiêu chảy.
Theo dõi triệu chứng của trẻ
Theo dõi trẻ để biết khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Nếu trẻ có dấu hiệu lừ đừ, sốt cao, mất nước nghiêm trọng, miệng và môi khô, tiểu ít hoặc không tiểu, tiêu chảy kéo dài không giảm hơn 24 giờ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Cần đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy có máu
- Từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ ở trẻ sơ sinh và hơn tám giờ ở trẻ nhỏ
- Mất nước từ trung bình đến nặng
- Đau bụng từng cơn hoặc dữ dội
- Thay đổi hành vi, thờ ơ hoặc giảm phản ứng
- Nôn dữ dội, lặp đi lặp lại
Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em
Bệnh tiêu chảy ở trẻ thường xảy ra quanh năm, tuy nhiên thời tiết nóng vào mùa nóng hoặc vào mùa lạnh là hai thời điểm tăng số lượng trẻ bị tiêu chảy. Có thể làm giảm nguy cơ tiêu chảy ở trẻ khi áp dụng một số biện pháp như sau:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Đây là một cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và vi rút gây bệnh.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ, tránh cho trẻ ăn thực phẩm đã bị ô nhiễm hoặc không rõ nguồn gốc.
- Sử dụng cho trẻ nguồn nước sạch, uống nước đã được xử lý để đảm bảo an toàn.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, nếu có ai đó trong gia đình hoặc người thân quen bị tiêu chảy, hãy giữ trẻ xa để phòng tránh lây nhiễm.
- Tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ, vắc xin rotavirus, vắc xin phòng bệnh tả có thể giúp ngăn chặn một số loại tiêu chảy.
Biện pháp phòng bệnh không thể ngăn chặn hoàn toàn tiêu chảy, nhưng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể. Bệnh tiêu chảy ở trẻ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được can thiệp kịp thời, vì vậy phụ huynh hãy chủ động tăng cường kiến thức về bệnh, hiểu rõ để chăm sóc trẻ đúng cách, đảm bảo an toàn sức khỏe và sự phát triển khỏe mạnh cho trẻ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: