Trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa hiệu quả
Tình trạng trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người là khá phổ biến và khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng. Khi biết nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ, mẹ sẽ có cách chữa trị cũng như phòng ngừa để con tránh được những kích ứng da gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Cùng Pharmacity tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết sau.
1. Trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người là hiện tượng gì?
Những tổn thương ở da có thể là do viêm da dị ứng, hay viêm da tiếp xúc, hoặc có thể là viêm da cơ địa…Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường dai dẳng ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ.
Nổi mẩn đỏ là một dạng thương tổn ở da, thường thấy ở những người có cơ địa nhạy cảm, và đây được xem là hiện tượng thường gặp ở trẻ em bởi vì da trẻ mỏng, dễ bị kích động bởi các tác nhân bên ngoài.
Tình trạng mẩn đỏ có thể là những mụn li ti nhỏ hoặc các sần phù lên như mề đay, có thể nổi ở từng bộ phận trên cơ thể hoặc bị nổi toàn thân. Khi xuất hiện trên da, mẩn đỏ có thể sẽ kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc không.
2. Nguyên nhân khiến trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người
Trẻ em thường có làn da nhạy cảm hơn người lớn, do đó việc trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một số nguyên nhân chính bao gồm:
Do dị ứng thực phẩm
Trẻ em có thể bị nổi mẩn ngứa do bị dị ứng với thức ăn. Đối với trẻ bú mẹ, bé cũng có thể dị ứng với những loại thực phẩm mà mẹ ăn, từ đó dẫn đến tình trạng phát ban nổi mẩn ngứa. Một người có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, một số các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao được thống kê bao gồm hạt đậu nành, đậu phộng, thịt bò, thịt gà, hải sản, nấm…
Do tình trạng nhiễm trùng
- Vi khuẩn: Nhiễm khuẩn da có thể gây ra các vết mẩn đỏ, gây ngứa và sưng tấy.
- Virus: Một số bệnh như thủy đậu, sởi, tay chân miệng,… thường sẽ đi kèm với các triệu chứng nổi mẩn đỏ.
- Nấm: Tình trạng nhiễm nấm da thường gây ngứa ngáy và xuất hiện các mảng đỏ.
Do côn trùng đốt
Những vết đốt của côn trùng như vết ong đốt, vết muỗi đốt, vết bọ chó cắn,… có thể truyền nọc độc gây dị ứng và gây nổi mẩn ngứa ở trẻ em. Độc tố của một số loại côn trùng có thể sẽ gây nên tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Do đó, ba mẹ cần hết sức cẩn thận và để ý đến trẻ khi tham gia vui chơi ở những vùng có khả năng có nhiều loài côn trùng lạ.
Các bệnh lý về da
Một số bệnh lý về da khiến trẻ em bị nổi mẩn đỏ khắp người như:
- Viêm da cơ địa: Đây là căn một bệnh mãn tính thường gặp ở trẻ em, gây ra tình trạng da khô, gây ngứa và nổi mẩn đỏ.
- Vảy nến: Bệnh này gây ra các mảng đỏ và các vảy trắng trên da.
- Mề đay: Các mẩn đỏ ngứa xuất hiện đột ngột và thường sẽ biến mất sau vài giờ.
Kem dưỡng da khiến trẻ nhỏ bị nổi mẩn đỏ
Kem dưỡng da cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thương da của trẻ. Bởi vì kem dưỡng da có chứa những mùi hương có khả năng gây kích ứng cho làn da của trẻ nhỏ. Nhất là khi các bé bị chàm. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu thêm về những thành phần kem dưỡng da. Đối với những kem dưỡng da có chứa Phthalates và Paraben có thể gây ra vấn đề về nội tiết tố.
Với làn da khô của trẻ nhỏ, bố mẹ chỉ nên sử dụng bộ sản phẩm tắm dịu nhẹ. Và để bảo vệ làn cho cho con và tuyệt đối không nên chà xát da của bé sau khi tắm. Hơn nữa, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có thể được tư vấn loại kem dưỡng da an toàn nhất cho con.
Do dị ứng thời tiết
Thời tiết thay đổi đột ngột có thể là nguyên nhân gây dị ứng và khiến cho trẻ em bị ngứa da. Dấu hiệu dị ứng thời tiết gây tình trạng ngứa ngoài da thường xảy ra đối với trẻ có sức đề kháng yếu, mắc các bệnh thuộc về dị ứng khác nữa như viêm mũi dị ứng, mề đay dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản,… Vì vậy, cha mẹ cần quan sát thời tiết xung quanh cũng như biểu hiện của bé xem trẻ có mắc chứng bệnh này không.
3. Trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người có nguy hiểm không?
Nếu bé bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người không sốt, không ngứa thì đây là tình trạng không cần phải quá lo lắng. Những nốt sẩn ngứa này có thể do bé bị dị ứng thời tiết, thức ăn, hóa chất,… và tình trạng này sẽ nhanh chóng khỏi trong một vài ngày.
Thế nhưng nếu tình trạng trẻ em bị nổi mẩn đỏ khắp người kéo dài và tiếp diễn theo từng đợt thì bạn nên cho bé đi khám. Có thể cơ thể bé đang mắc các bệnh nào đó cần được can thiệp và chữa trị.
Nổi mẩn đỏ ngứa ở trẻ nhỏ thường không quá nguy hiểm nếu ba mẹ phát hiện sớm cũng như chăm sóc con đúng cách. Trong một số trường hợp nặng hơn, mẩn ngứa có thể sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu, viêm phổi tụ cầu, nghẹt đường thở…
4. Cách phòng ngừa tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở trẻ
Để giúp bảo vệ làn da nhạy cảm của trẻ cũng như ngăn ngừa tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Vệ sinh da đúng cách
- Tắm rửa thường xuyên: Tắm cho bé bằng nước ấm và sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa hương liệu cũng như các chất tạo màu.
- Lau khô nhẹ nhàng: Sau khi tắm xong, thấm khô người bằng khăn mềm, lưu ý tránh chà xát mạnh.
- Cắt móng tay thường xuyên: Giúp bé tránh gãi và làm trầy xước da.
Chế độ ăn uống hợp lý
Đa dạng thực phẩm: Cung cấp cho bé một chế độ ăn giàu dưỡng chất, đa dạng các loại thực phẩm để giúp tăng cường sức đề kháng.
Hạn chế đồ ăn gây dị ứng: Tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, trứng, sữa bò (đối với trẻ có tiền sử dị ứng).
Uống đủ nước: Giúp cho da luôn được cấp ẩm và tránh bị khô ráp.
Môi trường sống
- Giữ nhà cửa sạch sẽ: Lau chùi nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là những nơi trẻ thường tiếp xúc.
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng: Hạn chế dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh, phấn hoa, hóa chất, lông động vật,…
- Quần áo thoáng mát: Cho bé mặc quần áo có chất liệu cotton mềm mại và thấm hút mồ hôi tốt.
Chữa trẻ bị nổi mẩn đỏ bằng lá trầu không
Tắm nước gì để hết ngứa? Theo Đông y, lá trầu không có tính ấm, vị cay và có công dụng kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả. Đây được xem là loại thảo dược mà từ lâu đã được các bà, các mẹ sử dụng để tắm cho trẻ.
Dùng lá trầu không để tắm cho bé rất an toàn và có thể làm giảm bớt tình trạng phát ban, viêm da cơ địa,… Theo như y học hiện đại cũng khẳng định rằng, lá trầu không có một số hoạt chất có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da, giúp loại bỏ các chủng nấm gây bệnh.
Bạn lấy một nắm lá trầu không rửa thật sạch, sau đó ngâm với nước muối loãng trong 30 phút. Sau đó nấu lá trầu cùng với một nồi nước to, để nguội và tắm cho bé hàng ngày.
Chữa trẻ bị nổi mẩn đỏ bằng lá trà
Lá trà xanh hay còn được gọi theo tên dân gian là chè xanh. Đây là nguyên liệu thiên nhiên có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn.
Tương tự như cách trị trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người bằng lá trầu không, bạn chỉ cần lấy một nắm lá chè xanh đem rửa sạch rồi đun nước cho bé tắm hàng ngày, mỗi ngày tắm 1 lần.
Lưu ý:
- Các biện pháp trên chỉ có tác dụng giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, không chữa khỏi bệnh.
- Nếu tình trạng của bé không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để có thể được khám và điều trị kịp thời.
- Không tự ý dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống cho trẻ mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng bài viết trên cura Pharmacity đã giúp các cha mẹ nắm rõ nguyên nhân cũng như cách xử trí khi trẻ em bị nổi mẩn đỏ ngứa khắp người. Để giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, bố mẹ hãy đưa con tới bệnh viện uy tín để thăm khám ngay khi bé bị nổi mẩn ngứa nhé.