Trẻ ho nhiều phải làm sao? Cách xử lý tình trạng ho kéo dài ở trẻ
Ho là một tình trạng phổ biến ở trẻ em, nhưng nếu trẻ ho nhiều, cha mẹ cần xác định nguyên nhân và áp dụng biện pháp xử lý thích hợp. Trong bài viết này, Pharmacity sẽ cung cấp thông tin chi tiết để giúp giải quyết triệt để tình trạng ho nhiều ở trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều và kéo dài
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ho nhiều mà ba mẹ nên biết.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra tình trạng ho ở trẻ em. Đây là nguyên nhân làm trẻ ho nhiều vào ban đêm, nhất là khi nằm xuống.
Trẻ thường gặp trào ngược sau khi ăn khoảng 30 – 60 phút, khi thay đổi tư thế hoặc thậm chí trong bữa ăn, do cơ thắt dưới thực quản tự mở ra.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là một trong những nguyên nhân phổ biến làm trẻ ho nhiều. Bệnh thường phát sinh do nhiễm virus, vi khuẩn và lây lan từ các môi trường bên ngoài nhất là ở độ tuổi bé đến trường học hoặc nhà trẻ.
Triệu chứng của tình trạng này là trẻ thường ho liên tục trong khoảng 6 – 7 ngày hoặc lâu hơn. Bên cạnh triệu chứng ho dai dẳng, trẻ còn có thể gặp các biểu hiện khác như sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu và mệt mỏi.
Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau là nguyên nhân có thể làm trẻ bị ho nhiều về đêm dịch mũi có thể chảy xuống phía sau cổ họng. Đây là triệu chứng thường gặp trong các trường hợp dị ứng và nhiễm virus.
Trẻ thường có các triệu chứng kèm theo như ngứa cổ, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt, nổi chàm do dị ứng và thường trở nên nặng hơn vào ban đêm.
Chảy dịch mũi sau là nguyên nhân phổ biến làm trẻ ho nhiều về đêm
Trẻ ho nhiều do viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em, do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trẻ em dễ mắc viêm phổi khi bị lây nhiễm tại những nơi đông người và do tiếp xúc với những người mắc bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, run rẩy, khó thở và ho kéo dài.
Ho gà
Ho gà là một bệnh do vi khuẩn gây ra, lây lan qua đường hô hấp của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả người lớn. Biểu hiện điển hình bao gồm các cơn ho kéo dài từ 15 – 20 ngày, kèm theo sốt, nôn trớ, ngừng thở, tím tái sau cơn ho. Ở trẻ dưới 1 tuổi, bệnh thường diễn biến nặng, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin.
Trẻ ho nhiều nguyên nhân do hen suyễn
Hen suyễn ở trẻ em là một bệnh lý mãn tính gây co thắt và viêm đường hô hấp dưới, dẫn đến viêm khí quản và gây hạn chế luồng không khí vào phổi. Trẻ dưới 3 tuổi thường ho nhiều khi mắc hen phế quản.
Các tác nhân như phấn hoa, lông thú, khí thải, khói thuốc và một số thực phẩm có thể gây ra hen suyễn ở trẻ. Biểu hiện thường gặp bao gồm ho khan tái phát, ho từng cơn, tức ngực và thở rít.
Hóc dị vật
Khi dị vật bị mắc kẹt trong đường thở, trẻ thường có những biểu hiện sau:
- Ho sặc sụa liên tục.
- Da tím tái.
- Chảy nước mắt.
- Chảy nước mũi.
- Vã mồ hôi.
- Ngạt thở.
Trẻ bị ho nhiều phải làm sao?
Khi trẻ có các dấu hiệu ho nhiều, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp trị ho hiệu quả tại nhà như sau:
- Uống nước ấm: Đảm bảo trẻ uống từ 1 – 2 cốc nước ấm mỗi ngày để giữ ẩm họng và giảm ho.
- Kê gối để đầu cao hơn thân và vai khi ngủ: Cách này giúp bé thở dễ dàng và hạn chế chảy dịch xuống họng.
- Giữ ấm cơ thể trẻ: Giữ ấm cho bé đặc biệt là vùng cổ, chân và tay khi trẻ ngủ bằng cách đeo tất và quàng khăn mỏng quanh cổ.
- Sử dụng máy tăng độ ẩm: Máy tăng độ ẩm giúp duy trì độ ẩm trong phòng ở mức 40 – 60%.
- Bổ sung dinh dưỡng: Đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ và giàu dinh dưỡng, bao gồm vitamin C, nhóm vitamin B, kẽm và sắt.
- Tắm hơi cho trẻ: Tắm hơi có thể giúp giảm ho, đặc biệt là sử dụng nước ấm hoặc nước nóng trong không gian ẩm.
- Vệ sinh cá nhân: Dùng sản phẩm vệ sinh mũi và họng dành riêng cho trẻ để giữ cho đường hô hấp sạch sẽ.
- Thảo luận với bác sĩ: Nếu triệu chứng không cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp trên, ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc Tai – Mũi – Họng để được tư vấn và điều trị.
Các biện pháp xử lý tại nhà khi trẻ bị ho nhiều
Biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ ho nhiều
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ ho nhiều và mắc các bệnh về đường hô hấp, ba mẹ có thể thực hiện các phương pháp như:
- Tiêm phòng vắc xin cho trẻ: Đảm bảo trẻ được tiêm phòng đúng lịch trình và theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là vắc xin phòng cúm hoặc viêm phổi.
- Cho trẻ vận động ngoài trời: Khuyến khích trẻ vận động nhiều để tăng cường sức đề kháng, tuy nhiên tránh cho trẻ ra vào điều hoà nhiều.
- Đeo khẩu trang khi ra đường: Đảm bảo trẻ đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi bụi bẩn và các nguồn vi khuẩn, virus gây bệnh khi ra ngoài.
- Rửa tay thường xuyên: Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus.
- Tăng cường dinh dưỡng và vận động: Đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống khoa học và đủ chất, và khuyến khích trẻ tập thể dục để tăng cường sức đề kháng.
- Hạn chế các tác nhân kích ứng: Tránh tiếp xúc với lông thú, khói bụi, khói thuốc lá, và hạn chế thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Đồng thời, giảm ăn đồ ăn lạnh quá nhiều để không kích thích đường hô hấp của trẻ.
Vệ sinh tay cho bé thường xuyên để tránh lây nhiễm từ virus
Một số lưu ý cần biết khi trẻ bị ho
Khi bé bị ho, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:
- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi, đặc biệt là các loại thuốc không kê đơn.
- Một số loại thuốc ho và thuốc cảm lạnh không kê đơn có thể không phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Việc sử dụng thuốc nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống của trẻ cần hạn chế các loại thực phẩm như chocolate, bạc hà, thức ăn dầu mỡ béo, thức ăn cay, các chất kích thích và thức uống có ga.
- Chia nhỏ bữa ăn và tránh cho trẻ ăn ít nhất hai giờ trước khi ngủ.
- Nếu tình trạng ho của bé không giảm sau một thời gian, cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Trong bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu về những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ ho nhiều cũng như các biện pháp khắc phục hiệu quả. Bằng cách nhận biết và phòng ngừa đúng cách, chúng ta có thể bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh và giúp bé luôn khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.