Triệu chứng thường gặp của bệnh vảy nến
Vảy nến còn được gọi là Psoriasis, là một trong những bệnh thuộc nhóm bệnh đỏ da bong vảy. Đây là tình trạng bệnh lý da mạn tính, tiến triển thành từng đợt, những đợt bệnh ổn định xen kẽ những đợt bùng phát, tái diễn dai dẳng suốt đời. Cùng tìm hiểu triệu chứng thường gặp của bệnh vảy nến ở bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây ra vảy nến
Bệnh vảy nến là một căn bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng gia tăng tốc độ sinh sản của các tế bào da. Các tế bào này sinh sản nhanh chóng và chồng lên nhau, tạo thành các mảng trắng đục trên bề mặt da. Vảy nến là một bệnh mạn tính, có thể kéo dài suốt đời hay bộc phát thành những đợt riêng lẻ. Bệnh có thể khởi phát ở giai đoạn sớm từ 16 – 22 tuổi hoặc ở giai đoạn muộn hơn từ 50 – 60 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên căn bệnh này có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Các tế bào miễn dịch lympho T có thể nhầm lẫn tế bào khỏe mạnh và kẻ thù và tấn công làm bị thương chúng. Các yếu tố được xem là thuận lợi để một người bị vảy nến là:
- Di truyền: Nếu cha mẹ bị vảy nến thì con cái có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn.
- Nhiễm trùng: Bệnh vảy nến có thể do các loại virus mang gen mã hóa ngược làm cho hệ miễn dịch bất thường. Ngoài ra, các liên cầu cũng gây nhiễm khuẩn da và gây bệnh.
- Tâm lý bất ổn: Căng thẳng kéo dài có thể gây kích ứng da và làm bùng phát bệnh vảy nến. Với người bị vảy nến, việc lo lắng, căng thẳng quá mức sẽ làm bệnh diễn biến nặng hơn.
- Rối loạn nội tiết tố nữ: Nữ giới bị vảy nến, mày đay, viêm da cơ thể có thể do rối loạn nội tiết tố.
- Chấn thương ngoài da: Khi bị chấn thương, xây xát ngoài da, các vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để xâm nhập và tấn công, gây tổn thương cấu trúc da, dẫn đến bị vảy nến.
- Rối loạn hệ thống chuyển hóa: Người bị rối loạn chuyển hóa protein hoặc glucid sẽ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.
- Tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá: các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, … có thể làm kích ứng da và hình thành vảy nến.
- Tiếp xúc với hóa chất: Các loại bột giặt, mỹ phẩm, sữa tắm, … chứa các hóa chất gây kích ứng da, nếu thường xuyên sử dụng có thể mắc bệnh vảy nến.
- Thừa cân, béo phì: cũng là một trong những nguyên nhân gây vảy nến. Nếu tăng cân quá nhanh, người bệnh có nguy cơ bị vảy nến.
Triệu chứng của vảy nến
Dấu hiệu của bệnh vảy nến chính là da bị thương tổn và đóng thành dạng vảy trắng. Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng khác ở móng, khớp và niêm mạc,…
Triệu chứng vảy nến ở da
- Vùng da có bệnh bị ửng đỏ, có vảy trắng với khác biệt rõ ràng với vùng da lành.
- Kích thước khu vực da bị tổn thương có thể to hoặc nhỏ, mang hình hình tròn, bầu dục hoặc hình vòng cung.
- Da khô ráp và tróc vảy khỏi bề mặt da.
- Vị trí da tổn thương đau rát, chảy máu khi gãi hoặc cọ sát với ngoại vật.
Dấu hiệu của bệnh vảy nến ở móng
- Bề mặt móng chân, móng tay có lớp sừng dày.
- Xuất hiện các vết chấm lõm ở mặt móng, vân ngang và có màu móng trắng đục như xà cừ.
- Trên móng xuất hiện các đốm trắng. Có hiện tượng bong móng ở bờ tự do.
Biểu hiện vảy nến ở khớp
- Triệu chứng vảy nến thường xuất hiện ở các vùng khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân…
- Bệnh vảy nến gây đau khớp, viêm một khớp hoặc đa khớp kèm theo các triệu chứng ngoài ra có thể quan sát bằng mắt thường. Khi bệnh tiến triển nặng mà không được điều trị. Người bệnh có hiện tượng mất vôi ở đầu xương, sụn bị hủy hoại kèm theo tổn thương xương, dính khớp.
Triệu chứng của bệnh vảy nến ở niêm mạc
- Phổ biến nhất là tình trạng vảy nến niêm mạc quy đầu. Vùng da thương tổn có màu hồng đỏ và không thâm nhiễm và không đóng vảy.
- Trong trường hợp vảy nến xuất hiện ở niêm mạc mắt và lưỡi. Người bệnh có thể bị viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc mí mắt.
Chú ý: Người bệnh cần tới bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường như sau:
- Các biểu hiện của bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng hoặc lan rộng theo thời gian.
- Bệnh gây cảm giác khó chịu và đau đớn. Ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
- Xuất hiện một hoặc nhiều vấn đề ở khớp. Chẳng hạn như đau, sưng khớp, giảm khả năng vận động.
Biện pháp phòng ngừa vảy nến
Theo các bác sĩ chuyên khoa, để phòng bệnh vảy nến một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau đây:
- Hạn chế sử dụng chất kích thích (rượu, thuốc lá…), tránh căng thẳng thần kinh.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu omega 3.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, loại bỏ tế bào chết cho da. Chú ý không dùng xà phòng, dầu gội đầu có chất tẩy rửa mạnh gây hại tới da.
- Người có cơ địa dễ dị ứng nên cẩn trọng khi ăn đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng,…
- Đeo đồ bảo hộ khi phải tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, hóa chất.
- Không tự ý sử dụng các thuốc chứa thành phần corticoid mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Bảo vệ da trước tác hại của ánh sáng mặt trời.
- Tránh làm tổn thương, trầy xước da.
Kết luận
Vảy nến là một bệnh lý da mạn tính gây ra nhiều khó khăn và phiền toái cho người bệnh. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sẽ giúp bạn quản lý bệnh hiệu quả hơn. Luôn duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, và chăm sóc da đúng cách là những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh vảy nến. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.